Hà Nội nói gì về việc chậm cải tạo các chung cư cũ xuống cấp

VOV.VN - 11 nhà nguy hiểm cấp độ D  cơ bản đã được xử lý, xây dựng lại để các hộ dân tái định cư.

Mở đầu phiên chất vấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh đã báo cáo với các đại biểu HĐND Thành phố về tình hình và kết quả thực hiện các kết luận của Chủ tọa kỳ họp tại các phiên chất vấn, các kiến nghị giám sát của Thường trực, các ban HĐND thành phố, các kiến nghị cử tri và kết quả các buổi tiếp dân theo vụ việc của Thường trực HĐND Thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

Phiên chất vấn HĐND thành phố Hà Nội.

Liên quan đến vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm về công tác cải tạo, xây mới các khu chung cư và tháo dỡ các chung cư cũ nát, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, việc cải tạo xây dựng mới các khu chung cư cũ, xuống cấp trên địa bàn thành phố, đến nay 11 nhà nguy hiểm cấp độ D  cơ bản đã được xử lý, xây dựng lại để các hộ dân tái định cư nhà I1,2,3 Thành Công, nhà B4, B14 Kim Liên, 187 Tây Sơn, D2, C7 Giảng Võ, P 3 Phương Liệt. Di dời các hộ dân để phá dỡ nhà cũ B6 Giảng Võ, C1 Thành Công, 17 nhà gỗ ở phường Chương Dương… Cụ thể, trong năm 2014-2015 hoàn thành bàn giao 5 công trình B4 kim Liên, D2, C7 Giảng Võ, A1-A2 Nguyễn Công Trứ. Đang triển khai xây dựng 4 công trình (B 6 Giảng Võ, C1 Thành Công, 97-99 Láng Hạ, 26 Liễu Giai.

UBND thành phố sẽ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan tập trung kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư được giao cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc và kiên quyết thu hồi dự án của chủ đầu tư thực hiện chậm, đồng thời xây dựng ban hành Quy định về cải tạo lại chung cư cũ để thực hiện hóa các giải pháp quy định tại Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về cải tạo xây dựng lại chung cư theo Luật Nhà ở năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015).

Về rà soát thực hiện Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND ngày 23/7/2013 về một số biện pháp cải tạo, xây dựng lại các khu chung cư cũ của HĐND thành phố và đề xuất các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện Nghị quyết. Theo UBND thành phố, trong năm 2014, thành phố đã tiến hành khảo sát, phân loại chất lượng hiện trạng 940/1.516 chung cư cũ trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng Kế hoạch tổ chức kiểm định năm 2015.

Theo kế hoạch, số chung cư cũ đưa vào kiểm định năm 2015 là 42 công trình. Đây là các chung cư bị lún, lún lệch ở mức độ lớn trên 1%, hoặc được xây dựng và sử dụng vào những năm 1960 đã hư hỏng, xuống cấp đặc biệt nghiêm trọng; Số chung cư đưa vào diện kiểm định năm 2016 là 62 công trình. Đây là các công trình có biểu hiện lún nghiêng, về tổng thể đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng; Chung cư đưa vào diện kiểm định năm 2017: 75 công trình. Đây là các công trình có những bộ phận đã hư hỏng, tổng thể đã xuống cấp; Số chung cư không đưa vào diện kiểm định 380 công trình. Đây là các công trình thấp tầng, tường xây chịu lực,mái ngói, phần lớn các kết cấu đỡ mái bằng gỗ đã mối, mọt, mục, nát, cong võng, gẫy cần tiến hành sửa chữa để đảm bảo an toàn.

Thành phố đã bố trí kinh phí năm 2015 để kiểm định theo kế hoạch. Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng Hà Nội đã hoàn thành kiểm định 42 công trình theo kế hoạch.

Triển khai Luật Thủ đô năm 2012, ngày 23/7/2013 HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND về một số biện pháp cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ, nhà cũ xuống cấp. Trong đó, khuyến khích nhà đầu tư phối hợp với chủ sở hữu căn hộ thực hiện dự án bằng phương thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở các chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sở hữu căn hộ, quyền sử dụng đất. Các nội dung phải triển khai theo Luật Nhà ở 2014 thành phố đã chỉ đạo ra soát các dự án, đồ án về cải tạo chung cư cũ đang triển khai. 

Kết quả kiểm tra ban đầu hiện nay thành phố có: 3 khu chung cư cũ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500: Tân Mai, Nguyễn Công Trứ, Khu B Kim Liên; 10 khu chung cư đã được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch, nhà đầu tư đang lập quy hoạch chi tiết 1/500; 8 chung cư đã được phê được phê duyệt quy hoạch chi tiết, tổng mặt bằng hoặc chấp thuận đầu tư dự án; 61 chung cư, nhóm nhà chung cư đã được giao nhiệm vụ khảo sát, điều tra xã hội học; 13 khu chung cư, nhóm nhà chung cư đã giao nhà đầu tư nghiên cứu nhưng chưa được phê duyệt nhiệm vụ thiết kế quy hoạch.

Theo UBND thành phố, việc cải tạo chung cư cũ trên nguyên tắc xã hội hóa. Trong khi đó từ năm 2009, khi triển khai xây dựng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo dừng xây dựng các nhà cao tầng trong khu trung tâm. Mặt khác, quy hoạch phân khu khu vực nội đô chưa dược cấp có thẩm quyền phê duyệt nên các dự án cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn.

Tại 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) các chung cư chủ yếu tập trung tại 4 quận này có 935 nhà chung cư. Mằc dù, Nghị quyết HĐND cho phép các hộ dân tại các dự án cải tạo chung cư cũ di chuyển ra ngoài khu vực nội đô được tăng 1,5 lần so với tái định cư khu vực cũ nhưng đa số các hộ dân muốn tái định cư tại chỗ. Do đó, phần diện tích kinh doanh của chủ đầu tư không nhiều khiến nhà đầu tư không mặn mà với việc tham gia vào các dự án cải tạo chung cư cũ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hà Nội: Sai phạm trên đất nông nghiệp là do vi phạm đạo đức công vụ
Hà Nội: Sai phạm trên đất nông nghiệp là do vi phạm đạo đức công vụ

VOV.VN - Theo UBND thành phố, tình trạng vi phạm xây dựng có phần do cán bộ nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc có tiêu cực, vi phạm đạo đức công vụ.

Hà Nội: Sai phạm trên đất nông nghiệp là do vi phạm đạo đức công vụ

Hà Nội: Sai phạm trên đất nông nghiệp là do vi phạm đạo đức công vụ

VOV.VN - Theo UBND thành phố, tình trạng vi phạm xây dựng có phần do cán bộ nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc có tiêu cực, vi phạm đạo đức công vụ.