Thảm hoạ thiên tai – không còn là chuyện lạ

Nếu chúng ta không cải thiện mối quan hệ với thiên nhiên thì tổn thất về người và tài sản sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân.

Ngay những ngày đầu năm 2011, thông tin về thảm họa thiên tai ở nhiều nơi trên thế giới liên tục được phát đi. Và nguyên nhân là biến đổi khí hậu gây ra.

Nói “không còn là chuyện lạ” là bởi, suốt năm 2010 vừa qua, những thảm họa thiên tai liên tục xảy ra phần lớn được coi là chưa từng có trong lịch sử hàng trăm năm, hàng chục năm và hậu quả thì thật khủng khiếp. Thế nên trận lũ lụt chưa từng có trong lịch sử 50 năm qua ở một số bang miền Đông Australia; rồi lũ lụt, sạt lở đất khiến hàng nghìn người thiệt mạng và mất tích ở Brazil ngay trong những ngày mà lẽ ra đang tràn ngập niềm vui của lễ đón chào năm mới đã buộc người ta phải “thầm nhủ” rằng, đây chưa phải là những thảm họa nghiêm trọng cuối cùng.

Một nạn nhân xấu số được tìm thấy sau trận lở đất kinh hoàng ở Rio de Janero (Brazil) vừa qua
(Ảnh: Getty Images)

Ai cũng biết rằng, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu gây ra. Mà khí hậu biến đổi là do chính hành vi và ý thức của con người. Khí thải thì cứ ngày một nhiều thêm; những cánh rừng - lá phổi của trái đất cứ ngày một thu hẹp; tài nguyên thiên nhiên thì bị khai thác vô tội vạ, rồi chất thải, chất độc hại thải ra môi trường ngày một nhiều… Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã ngày càng trở nên khốc liệt với chính bản thân con người. Và cuối cùng vẫn là con người, dù là ở nước giàu hay nước nghèo đều phải gánh chịu hậu quả của nó.

Ở Brazil, hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích sau những trận lũ lụt và lở đất. Hậu quả còn khủng khiếp đến nỗi cấu tạo địa lý của bang Rio de Janero đã thay đổi rõ rệt.

Trong khi đó, trận lụt lớn chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm qua ở Australia đang khiến hơn 200.000 người và hơn 10.700 nhà cửa phải gánh chịu tác hại lũ lụt. Những cơn mưa lớn gây ra nhiều đợt lũ quét, cô lập nhiều thị trấn và làm ngập nhiều khu dân cư và kinh doanh. Lũ lụt đã làm tê liệt ngành xuất khẩu than Australia vốn tập trung ở bang Queensland và bắt đầu đe dọa đến ngành du lịch. Tổng thiệt hại do trận lụt này lên tới 6 tỷ USD và theo đánh giá của các chuyên gia thì mức tăng trưởng kinh tế của Australia trong năm 2011 sẽ bị kìm hãm và lạm phát gia tăng khi giá thực phẩm tăng cao và phải đầu tư tái thiết lại hạ tầng.  Thiên tai vẫn là thảm họa. Mà thảm họa thì vẫn luôn là mất mát, là thiệt hại và đau thương.

Theo nghiên cứu của giới khoa học, thế giới đang phải đối mặt với số lượng thiên tai ngày càng gia tăng. Trong thế kỷ 20, số thiên tai đã tăng nhiều lần và mức độ cũng nặng nề hơn. Số liệu thống kê cho thấy nếu đà gia tăng tổn thất vẫn tiếp tục theo nhịp độ đó, đến giữa thế kỷ 21, tổng số thiệt hại chung trên thế giới sẽ lên tới 3.000 tỷ USD/năm.

Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai là trách nhiệm chung của cả cộng đồng thế giới. Nhân loại có khả năng giảm thiểu hậu quả của thiên tai bằng những phương tiện kỹ thuật vốn đã ngày càng hiện đại nhờ chính khả năng của con người. Thay vì bó tay trước những cơn mưa tự nhiên gây lũ lụt, hoặc nơi khác lại không thể có mưa khiến hạn hán… người ta có thể rải những chất đặc biệt vào khí quyển, chủ động gây mưa hoặc giảm mưa.

Thay vì bó tay trước những thiệt hại khôn lường của những trận động đất mạnh, người ta có thể nâng cao khả năng cảnh báo bằng việc lập bản đồ về địa chấn và nâng cao khả năng chống đỡ bằng việc gia cố các tòa nhà, đê điều… Thế nhưng điều quan trọng nhất, mang tính triệt để nhất vẫn là phải cùng nâng cao ý thức giảm thiểu hoạt động gây ô nhiễm môi trường, tác nhân chính khiến khí hậu trái đất biến đổi mạnh mẽ. Và có lẽ chỉ như vậy mới mong khống chế bớt những thảm họa “chưa từng có” đối với nhân loại, đối với hành tinh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên