Mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề: Công tác quản lý bị buông lỏng
VOV.VN - Hội Bảo vệ Quyền trẻ em cho rằng, không thể để tái diễn tình trạng “chúng tôi đã yêu cầu, nhưng họ không làm”.
Trả lời phỏng vấn của VOV.VN, bà Ninh Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho biết, Hội đã có thông tin về dấu hiệu buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề từ cách đây 2 năm. Hội đã tập hợp thông tin gửi Cục Cảnh sát điều tra (Bộ Công an), ngành Lao động-Thương binh-Xã hội đề nghị vào cuộc làm rõ.
** Dư luận đang xôn xao về vụ buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, nơi bấy lâu nay có tiếng là làm tốt công tác xã hôi. Ở góc độ Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em, bà nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
Bà Ninh Thị Hồng: Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã được thông tin về việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề, Gia Lâm từ cách đây 2 năm qua thông tin trên mạng xã hội và của cộng tác viên gọi điện, viết thư đến.
Hội đã tập hợp các thông tin gửi Cục Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước, ngành Lao động-Thương binh-Xã hội và trực tiếp là Sở Lao động-Thương binh-Xã hội thành phố Hà Nội, Phòng Lao động-Thương binh-Xã hội quận Long Biên vào cuộc. Vì thông tin phản ánh có hiện tượng mua bán trẻ em, nên chúng tôi đã đề nghị cơ quan công an tăng cường theo dõi, thu thập chứng cứ để xử lý nếu đúng như người dân phản ánh.
Mặt khác, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cũng đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em ở địa bàn quận Long Biên tiếp tục thu thập thông tin từ người dân, giám sát chặt chẽ những biến động xung quanh chùa cũng như những hành vi vi phạm quyền trẻ em ở đây để phản ánh kịp thời với Hội để chúng tôi cung cấp cho cơ quan chức năng.
Qua vụ việc mua bán trẻ em ở chùa Bồ Đề có thể thấy sự vào cuộc của nhiều cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm, công tác quản lý bị buông lỏng mặc dù thông tin được người dân phát hiện và cung cấp cho cơ quan chức năng từ rất sớm.
Ngày 6/8 vừa qua, tiếp xúc với phóng viên báo Gia đình-Xã hội tôi được biết quận Long Biên đã báo cáo vụ việc lên thành phố, nhưng theo tôi trong vụ việc này phải xem xét để quy trách nhiệm quản lý đến cùng, không thể để tình trạng người này, cơ quan này nói rằng đã làm hết trách nhiệm rồi nhưng thực tế là để một cơ sở nuôi dưỡng trẻ em không phép trong thời gian dài, đặc biệt dẫn đến tình trạng trẻ em bị mua bán.
** Theo thông tin từ Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH, cơ quan quản lý đã có nhiều văn bản đốc thúc nhưng chùa Bồ Đề vẫn chưa thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, như vậy về lý chùa Bồ Đề không được phép nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi. Hội Bảo vệ Quyền trẻ em có bình luận gì về thông tin này?
Bà Ninh Thị Hồng: Về phía Hội Bảo vệ Quyền trẻ em, chúng tôi đề nghị phải xem xét rõ, cơ quan nào quận Long Biên, Sở Lao động-Thương binh-Xã hội Hà Nội gửi công văn yêu cầu chùa Bồ Đề phải thành lập cơ sở bảo trợ xã hội vào ngày nào. Vì sao chùa Bồ Đề không thực hiện? Và đến giờ cơ quan chức năng mới yêu cầu chùa ngừng tiếp nhận nuôi trẻ bị bỏ rơi.
Không thể để xảy ra tình trạng cơ quan này nói rằng đã gửi yêu cầu, kiến nghị, nhưng họ không chấp hành và cuối cùng để vụ việc trôi đi.
Bản thân cá nhân tôi cho rằng phát ngôn của cơ quan Nhà nước như thế không ổn, phải truy rõ trách nhiệm, đơn vị nào không thực hiện, phải có biện pháp để xử lý.
** Tuy nhiên trong thực tế không thể phủ nhận vai trò tích cực của nhiều nhà mở, trung tâm thu nhận trẻ em bị bỏ rơi. Về phía cơ quan bảo vệ quyền trẻ em, sau vụ việc xảy ra ở chùa Bồ Đề, Hội có tham mưu giải pháp gì để có thể coi những cơ sở đó như “bước đệm” để những trẻ em kém may mắn có cơ hội được tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc?
Bà Ninh Thị Hồng: Đúng vậy, công tác bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi cần được mở rộng, một mình Nhà nước không thể cáng đáng hết được. Mọi cá nhân, tổ chức, các cơ sở phật giáo đều có thể giang tay đón các em. Tuy nhiên cần có quy định rõ ràng, với những cơ sở tự phát có thể cưu mang chăm sóc các bé trong một thời gian ngắn, sau đấy báo với các cơ quan chức năng, chính quyền để đưa các cháu vào các cơ sở để các cháu được nuôi dưỡng, chăm sóc ổn định hơn. Trường hợp các cơ sở trong chùa nếu muốn chăm sóc nuôi dưỡng các cháu lâu dài cần phải tuân thủ quy định của pháp luật và phải được chính quyền, cơ quan chức năng giám sát thường xuyên.
Việc nhà chùa nhận nuôi dưỡng chăm sóc trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi là những việc nên làm nhưng tránh tình trạng để dư luận hoài nghi những việc làm tốt của nhà chùa chỉ là hình thức, vỏ bọc che đậy cho những việc làm phạm pháp.
Bà Ninh Thị Hồng: Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng chưa thể hạn chế được tình trạng trẻ em cơ nhỡ, bị bỏ rơi. Vì vậy cần mở rộng hành lang pháp lý cho phép cả tư nhân và các tổ chức xã hội, kể cả nhà chùa có thể thành lập các cơ sở bảo trợ để tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có nguồn kinh phí hỗ trợ các cơ sở bảo trợ về cơ sở vật chất. Cùng với việc khuyến khích cá nhân, tổ chức tài trợ, khâu quản lý giám sát và hướng dẫn cho các cơ sở bảo trợ cần được quan tâm hàng đầu.
Vai trò của chính quyền địa phương quản lý địa bàn có các cơ sở bảo trợ hoạt động rất quan trọng. Sự quan tâm, thăm hỏi, chia sẻ sẽ xóa đi khoảng cách giữa cơ quan công quyền với những cá nhân, tổ chức hoạt động bảo trợ, để họ có thể coi cơ quan công quyền như một chỗ dựa về pháp lý để được tư vấn hướng dẫn thực hiện đúng luật pháp, như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em.
** Hiện nay cơ quan chức năng đang điều tra để làm rõ thông tin về mua bán trẻ ở chùa Bồ Đề, Hội có sự phối hợp với cơ quan điều tra trong vụ việc này như thế nào, thưa bà?
Bà Ninh Thị Hồng: Là một tổ chức xã hội, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em sẽ tiếp tục lắng nghe, thu thập thông tin của người dân để cung cấp cho cơ quan điều tra. Sẵn sàng tham gia nếu cơ quan điều tra có yêu cầu với mục tiêu bảo vệ trẻ em là trên hết. Trước mắt, Hội có thể tham gia ngay bằng cách cùng với các đoàn thanh tra, kiểm tra tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hơn 100 cháu bé đang được nuôi dưỡng tại Nhà mở của chùa Bồ Đề, nắm thông tin của những gia đình có nhu cầu nhận nuôi, nhận đỡ đầu, tạo cơ hội cho các công dân có đạo đức, có điều kiện kinh tế để nhận chăm sóc các bé
** Xin cảm ơn bà./.