Người Việt tiết kiệm “cảm ơn, xin lỗi”, dư thừa bạo lực
VOV.VN - Đại biểu Lê Như Tiến nhấn mạnh, môi trường văn hóa đang có sự lệch chuẩn trong hành xử và thụ hưởng.
Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay (1/4), với phát biểu có nội dung “Cần tạo lập môi trường sạch cho Việt Nam cất cánh”, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) bày tỏ lo lắng khi ở một số đô thị, môi trường an ninh là mối lo thường nhật của người dân. Có nơi người dân ra đường phải nơm nớp nỗi lo bị xâm hại.
ĐB Lê Như Tiến phát biểu trước Quốc hội |
Ông Tiến cho biết rất ám ảnh với hình ảnh một nữ du khách nước ngoài nước mắt lưng tròng vì bị giật túi xách ngay giữa đô thị, mất hết tiền, hộ chiếu và các giấy tờ quan trọng. Mặc dù lực lượng công an TP.HCM đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa chặn đứng và đẩy lùi được thực trạng táo tợn cướp giữa ban ngày.
Bên cạnh đó, khách du lịch thăm một số danh lam thắng cảnh bị chèo kéo, chặt chém, ép buộc, cưỡng bức làm cho du khách “một đi không trở lại”, bởi cách hành xử chụp giật của một số nhà hàng, khách sạn, cơ sở làm dịch vụ du lịch.
Ông Lê Như Tiến đề nghị đưa thêm chỉ số vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, an toàn xã hội là những tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững của mỗi địa phương và của toàn xã hội.
Đại biểu Lê Như Tiến cũng nhấn mạnh, môi trường văn hóa đang có sự lệch chuẩn trong hành xử và thụ hưởng. Ở nơi công cộng người ta tiết kiệm dùng từ “cảm ơn” hoặc “xin lỗi”, mà lại dư thừa bạo lực. Chỉ cần va chạm nhẹ là có thể trả lời nhau bằng vũ lực.
Tình trạng bạo lực học đường cũng khiến dư luận bất an, bởi đây là môi trường lâu nay vốn được cho là an toàn nhất. Ở trường mầm non, trường tiểu học, có cô bảo mẫu đánh đập các cháu đến thành tàn phế. Mới đây, có trường hợp bảo vệ nhà trường xâm hại tình dục hàng chục trẻ em nội trú. Rồi bạo lực gia đình, con cháu chém giết ông bà, cha mẹ…
“Chúng ta phải có "bộ lọc" và tạo "sức đề kháng" về văn hóa để có khả năng "miễn dịch" trước những luồng văn hóa xấu độc đang tràn về” – ông Lê Như Tiến nói.
Bất an về thực phẩm bẩn
Phát biểu thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ sự lo lắng, bất an trước vấn nạn an toàn thực phẩm. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nhấn mạnh, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng phát hiện người sản xuất đã thực hiện hành động hoặc sử dụng các chất không xuất phát từ yêu cầu của quy trình chế biến, mà sản xuất vì mục đích kiếm lợi cho riêng mình.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh |
Có thể kể đến các hành vi như tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi vận chuyển; sử dụng hóa chất để tạo nạc, ngâm hóa chất cho quả chuối để chín vàng đều, trộn chất cấm vào thức ăn để tạo màu vàng cho da gà, bơm nước vào lợn, bò để tăng lợi nhuận; tiêm hóa chất và tẩy trắng nội tạng động vật đã bốc mùi ôi thối để bán ra nhà hàng, quán nhậu…
“Thực trạng vấn nạn thực phẩm không an toàn là nguyên nhân khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao trong những năm qua và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình Việt Nam. Đề nghị Chính phủ phải có giải pháp đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng trên trong thời gian tới” – ông Trần Ngọc Vinh đề nghị.
Ông Lê Như Tiến cũng phản ánh: Cử tri rất lo lắng về tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng, thì lại bổ sung độc tố cho chính cơ thể mình./.