Sáng kiến của Phó Chủ tịch xã "dự án 600" được ứng dụng
(VOV) - Sau hơn 1 năm thực hiện dự án, hầu hết các đội viên dự án đều khẳng định được vị trí, vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã.
Trí thức trẻ và sáng kiến phát triển kinh tế
Trong số 67 trí thức trẻ có mặt tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn I dự án 600 Phó Chủ tịch xã tỉnh Hà Giang ngày 7/5, đội viên Trần Thị Hương (tốt nghiệp Đại học Nông lâm Thái Nguyên), Phó Chủ tịch xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc cho biết, lúc đầu về nhận công tác ở đây Hương rất lo lắng. Nhưng khi bắt tay vào công việc, Hương đã nhận được sự giúp đỡ của lãnh đạo xã. Hương được phân công phụ trách mảng kinh tế - nông lâm nghiệp và được phân công nhiều nhiệm vụ, như: phụ trách trồng cây khoai tây, tham gia phòng chống rét, tiêm phòng cho gia súc…
“Cán bộ xã nào khi đi bản tôi cũng xin đi cùng. Bởi đây chính bài học thực tế tốt nhất để tôi trưởng thành hơn trong công việc”- Hương chia sẻ.
Ở lĩnh vực mình phụ trách, Hương đã mạnh dạn đề đề án nuôi giun quế ở Giàng Chu Phìn. Bấy lâu nay, người dân địa phương vẫn lấy cây ngô là cây sản xuất chính, nhưng hiệu quả lại thấp. Vì thế đề án nuôi giun quế nếu được thực hiện sẽ giúp bà con thu được hiệu quả kinh tế cao. Hương đã đề xuất với Ban quản lý dự án hỗ trợ kinh phí để các trí thức trẻ thực hiện đề án.
Đội viên Trần Thị Hương (giữa) trao đổi kinh nghiệm công tác vận động bà con nhân dân tham gia phát triển kinh tế |
Xã vùng III, xã ngõ cụt của huyện, cách trung tâm huyện 24km, xã Ngam La, huyện Yên Minh là nơi sinh sống chủ yếu của bà con dân tộc Dao và H’Mông. Đây cũng là nơi đội viên Nguyễn Văn Huân về làm Phó Chủ tịch của xã và đảm nhận phụ trách mảng kinh tế - nông lâm nghiệp.
Với lĩnh vực phụ trách, Huân đã chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án tại xã về chăn nuôi trâu, bò luân chuyển của Ngân hàng Công thương Việt Nam; thực hiện mô hình trồng thử nghiệm giống lúa mới (Kinh sở ưu), giống ngô lai (VN 146, VN 885) trên địa bàn xã để tìm ra các loại giống cho năng xuất và phù hợp với địa phương; trực tiếp tham gia hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây khoai tây vụ đông… Huân cho biết, đã đề xuất với lãnh đạo xã về đề án trồng cây thảo quả theo đúng đề án của cá nhân khi tham gia dự án.
Trí thức trẻ- nguồn cây quý cung cấp cho cấp ủy, chính quyền
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện dự án, hầu hết các đội viên dự án có phong cách lề lối làm việc nhanh nhẹn, có ảnh hưởng tốt đến đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở, khẳng định được vị trí, vai trò là Phó Chủ tịch UBND xã.
Nhận xét về những đội viên dự án đang thực hiện nhiệm vụ tại các xã, ông Sìn Quáng Lai, Chủ tịch UBND xã Túng Sán, Hoàng Su Phì nhận xét, đội viên dự án tại xã Túng Sán khá nhanh nhẹn tháo vát, luôn chủ động tìm hiểu nắm bắt tình hình và đi sâu sát nhân dân, luôn tích cực tham mưu với lãnh đạo xã nhiều nội dung, chương trình.
Các đội viên dự án về dự Hội nghị sơ kết giai đoạn I |
“Ngay khi về xã công tác, chỉ trong thời gian ngắn, Phó Chủ tịch xã đã đề xuất Đề án chăn nuôi Lợn đen ở Túng Sán, Hoàng Su Phì với lãnh đạo xã. Đến nay, Đề án đã được xã triển khai thực hiện và bước đầu đã có 8 hộ chăn nuôi 40 con lợn đen, đã xuất chuồng 20 con, mỗi con từ 60-70kg cho thu lãi 2-3 triệu đồng/con”- ông Sìn Quáng Lai cho biết.
Tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn I dự án 600 Phó Chủ tịch xã tỉnh Hà Giang ngày 7/5, nhiều đại đại diện cấp ủy, chính quyền các xã có đội viên về công tác đều khẳng định: “Trí thức trẻ là nguồn cây quý cung cấp cho cấp ủy, chính quyền. Vì thế phải có trách nhiệm gieo ươm trồng cho thật tốt”.
Ông Vũ Đăng Minh-Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên Bộ Nội vụ cho rằng, từ cấp tỉnh đến cấp xã ở Hà Giang đã triển khai rất hiệu quả dự án 600. Qua khảo sát tại 2 xã Thanh Vân và Quảng Bạ (huyện Quản Bạ) cho thấy, sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền rất quyết liệt. Qua đó các đội viên cứng cáp và trưởng thành rất nhanh. Các đội viên đã triển khai chương trình, dự án đã mang hiệu quả kinh tế-xã hội./.
Ngày 25/11/2011, Hội đồng tuyển chọn của tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận 110 hồ sơ đăng ký tham Dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã, trong đó có 16 hồ sơ tham gia dự tuyển của các tỉnh: Bà Rịa – Vũng tàu, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội, Phú Thọ… Kết thúc phỏng vấn, Hội đồng tuyển chọn đã chọn được 67 đội viên đạt kết quả tốt về công tác tại 67 xã của 6 huyện nghèo trong tỉnh, gồm: Yên Minh, Xín Mần, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc và Quản Bạ để tham gia lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ANQP của địa phương.
Trong số các đội viên dự án, có 45 đội viên được phân công phụ trách Khối kinh tế - Nông lâm nghiệp, 22 đội viên phụ trách khối Văn hóa – xã hội.