Sạt lở sông Lam, dân sống trong sợ hãi

(VOV) -Nửa đêm, nằm ngủ, người dân lại nghe tiếng đất dưới nhà đổ xuống sông ào ào.

Những đợt mưa lớn liên tục gần 2 tuần qua từ thượng nguồn đổ về khiến cho bờ sông Lam dọc theo địa bàn xã Hưng Long, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng người dân nơi đây. 

Với mức nước lũ trên báo động I, lũ đã gây xói lở bờ tả lạch Thanh Thủy tại khu vực dân cư bãi ngoài đê thuộc xóm 16, xã Hưng Long. Lạch sông Thanh Thủy chảy từ lòng chính sông Cả phía xã Nam Trung sang lòng sông phía xã Hưng Xá (lòng chính sông cũ).

 

Con đường liên thông duy nhất đã bị cắt đứt

Những năm gần đây, đặc biệt trận lũ vừa qua đã gây xói lở mạnh, làm cho lạch mở rộng và sâu thêm rất nhiều, đe dọa an toàn tính mạng, nhà cửa và tài sản của 10 hộ dân xóm 16, đặc biệt có 3 hộ dân sát bờ lạch bị sạt lở đến gần nhà.

Nguyện vọng của 10 hộ dân đều mong muốn được di dời tái định cư vào phía trong đê Tả Lam, đảm cuộc sống, tránh tình trạng chịu ngập lụt hàng năm.

Dân thấp thỏm lo âu

Chỉ tay về phía bờ sông bị sạt lở, ông Nguyễn Đình Trọng - Bí thư xóm 16, xã Hưng Long cho biết, đã gần 2 tuần nay người dân trong xóm luôn sống trong cảnh lo lắng bởi trận lũ vừa qua đã gây xói lở mạnh vào sát với khu dân cư.

“Mùa mưa lũ hàng năm, tình trạng ngập úng và người dân phải sơ tán là chuyện bình thường thế nhưng không sạt lở như năm nay. Mới đầu vào mùa mưa mà nước đã xoáy sâu tận sát vào khu dân cư, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến 3 hộ dân gần nhất. Con đường độc đạo của xóm đến trung tâm xã cũng bị nước lũ cuốn trôi khiến cho việc đi lại của người dân vốn dĩ đã khó khăn nay lại khó khăn hơn”, ông Trọng nói.

Gia đình ông Lưu Xuân Cừ (70 tuổi) nằm ngay sát mép sông luôn sống trong cảnh sợ hãi bởi nỗi lo bị “hà bá” nuốt chửng.  

Sạt lở ngay trước cổng một gia đình

Ông Cừ cho biết: “Tôi có 5 đứa con thì chúng đều đã vào trong đê để ở cả rồi. Mùa mưa lũ, tôi và bà nó lại phải chạy lụt vào trong đê. Mấy tuần nay, nước sông dâng lên đã làm sạt lở bờ sông ngay cạnh nhà, nửa đêm nằm ngủ mà tôi cứ nghe đất cứ đổ xuống sông ào ào”.  

Nước sông từ bờ lạch vào đến nhà ông Cừ chỉ còn khoảng 5m càng khiến ông bà đứng ngồi không yên. “Cứ đà này thì không biết lúc nào nhà cửa, vườn tược chúng tôi bị sông nuốt trôi mất”, ông Cừ lo sợ.

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Hải (49 tuổi) nằm ở cuối xóm cũng sông “ngoạm” vào tận cổng.

Đang đi làm cửu vạn nhưng anh Hải đành phải bỏ dở công việc để ở nhà canh chừng. Trong nhà không có tài sản gì đáng giá trị nhưng anh Hải cũng đã chuẩn bị, gói ghém cẩn thận để sẵn sàng chạy lụt.

Anh Hải nói: “Nước xoáy mạnh quá các chú à, đường ra cổng bị nước cuốn đi rồi. Nhiều lúc ở trong nhà mà cứ lo nơm nớp, nếu cứ sạt lở thế này chẳng mấy mà vào tận nhà”.  

Khu dân cư bãi ngoài đê thuộc xóm 16, xã Hưng Long hiện có 10 hộ dân đang sinh sống với hơn 100 nhân khẩu. Đời sống kinh tế của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn do không có đất sản xuất, chủ yếu làm cào hến hay cửu vạn cho các điểm khai thác cát sạn trên sông.  

Cũng chỉ trong vòng hơn 5 ngày mưa của tháng 8/2012 làm cho hàng trăm ha đất ở khu vực xóm 16 trôi sông Lam...

Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã quen với cảnh chạy lụt thường xuyên mỗi mùa mưa bão đến nhưng chưa bao giờ họ lại lo lắng, sống trong cảnh sợ hãi bị nước cuốn trôi như bây giờ. 

Bà Hồ Thị Loan (54 tuổi) cho hay: “Vào mùa mưa lũ, các cháu trong xóm đi học rất khổ sở. Hôm nào mưa lớn, nước lên cao là các cháu phải nghỉ học do con đường độc đạo từ xóm lên trung tâm xã bị nước ngập trắng xóa. Ngày tựu trường của các cháu sắp đến mà bờ sông cứ sạt lở làm bà con trong xóm lo lắng cho các cháu. Tôi mong sao được các cấp quan tâm di dời để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho chúng tôi”.

Sớm thực hiện di dời

Trước phản ánh về tình trạng sạt lở bờ sông của người dân, chiều 14/8/2012, đoàn kiểm tra gồm có đại diện Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão, Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, UBND huyện Hưng Nguyên, UBND xã Hưng Long đã trực tiếp kiểm tra hiện trường, hỏi ý kiến cán bộ xóm và nhân dân.

Qua kiểm tra thực tế và nắm bắt nguyện nguyện vọng của người dân, UBND huyện Hưng Nguyên chỉ đạo UBND xã Hưng Long khẩn trương làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ kinh phí và cấp đất ở để di dời 10 hộ dân xóm 16 vào trong đê, trước mắt là 3 hộ dân gần nhất khu vực sạt lở.   

Người dân phải đặt biển cảnh báo...

Ông Ngô Phú Hàn – Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Hiện tại trong 10 hộ dân xóm 16 thì có 3 hộ đặt trong tình trạng nguy cấp phải di dời sớm. Và chúng tôi đã giao cho Phòng Tài Nguyên Môi trường, Phòng Công thương, Phòng Nông nghiệp cùng với lãnh đạo xã Hưng Long để tìm đất. Tuy nhiên, theo ông Hàn, xã Hưng Long là vùng đất chật người đông, nên việc tìm đất gặp rất nhiều khó khăn.

Với xã Hưng Long chủ yếu là đất lúa, nhưng bây giờ động vào đất lúa thì vướng phải Nghị định 42. “Trước mắt chúng tôi giao cho các ban ngành, xã tìm đất trồng rau muống để mua và tiến hành chuyển các hộ dân ở ngoài sông Lam vào trước mùa mưa bão. Hiện nay, tình trạng sạt lở tại xóm 16 đang là vấn đề cần phải được giải quyết ngay”, ông Hàn nói

Cũng theo ông Hàn, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do trung tuần tháng 8/2012 vừa qua mưa từ thượng nguồn sông Lam đổ về. Tại khu vực xóm 16 có một dòng lạch nhỏ, phía hạ nguồn bị chặn lại nên nước dâng lên chảy xiết nên đã gây ra tình trạng sạt lở trên.

Hiện có một hộ dân chỉ nằm cách khu vực sạt lở khoảng 5-7m và theo ông Hàn thì hộ dân này đặt trong tình trạng phải di dời khẩn cấp trong những ngày tới.  

Mùa mưa lũ đang đến gần, thiết nghĩ các cấp sớm quan tâm, giải quyết hỗ trợ người dân khu vực xóm 16, xã Hưng Long, Hưng Nguyên để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân nơi đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng cường ứng phó với mưa lũ
Tăng cường ứng phó với mưa lũ

Hàn khẩu lại các tuyến đê bị vỡ, giải toả ùn tắc giao thông và phòng chống dịch bệnh là những việc đang được các các địa phương nhanh chóng triển khai.

Tăng cường ứng phó với mưa lũ

Tăng cường ứng phó với mưa lũ

Hàn khẩu lại các tuyến đê bị vỡ, giải toả ùn tắc giao thông và phòng chống dịch bệnh là những việc đang được các các địa phương nhanh chóng triển khai.

Sông Gianh “ăn” đất
Sông Gianh “ăn” đất

Tình trạng sông Gianh “ăn” đất ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá (Quảng Bình) đang làm cả chục ngàn người dân lo lắng ngày đêm, đặc biệt trong mùa mưa lũ này.  

Sông Gianh “ăn” đất

Sông Gianh “ăn” đất

Tình trạng sông Gianh “ăn” đất ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hoá (Quảng Bình) đang làm cả chục ngàn người dân lo lắng ngày đêm, đặc biệt trong mùa mưa lũ này.