Thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực CNTT

Từ nay đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu đạt tỷ trọng CNTT&TT đóng góp vào GDP từ 8-10%.  

Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực Công nghệ thông tin&Truyền thông (CNTT&TT). Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị quốc tế triển khai thực hiện Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT” do Bộ Thông tin-Truyền thông tổ chức sáng 31/3 tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm và tạo điều kiện cho lĩnh vực CNTT&TT phát triển. Trong những năm qua, mức độ tăng trưởng của lĩnh vực này ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước. Năm 2010, tổng doanh thu trong lĩnh vực Viễn thông-CNTT ước đạt 7,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt từ 15-20%.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Đề án được Chính phủ phê duyệt ngày 22/9/2010 đã tạo ra bước ngoặt mới, hướng tới mục tiêu quan trọng là đưa CNTT&TT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT&TT” đã đề ra những mục tiêu cụ thể như từ nay đến năm 2020, tỷ trọng CNTT&TT đóng góp vào GDP đạt từ 8-10% và nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số. Đến năm 2020, Chính phủ điện tử phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu trên thế giới. Từ nay đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu nằm trong top 40 nước trên thế giới có sinh viên được đào tạo về CNTT đạt trình độ quốc tế.

Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam rất cần sự hợp tác, chia sẻ của các doanh nghiệp quốc tế về lĩnh vực CNTT trong xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ vào đạo tạo nguồn nhân lực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việt Nam là một đất nước có nền chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ chăm chỉ, ham học hỏi, sáng tạo dồi dào… Đây là những yếu tố quan trọng mà nhiều công ty, tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài coi Việt Nam là điểm đến an toàn trong đầu tư, kinh doanh. Để tăng thêm sự uy tín này, Chính phủ sẽ chú trọng đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT đầu tư và hợp tác vào Việt Nam.

Tại Hội nghị, ông Frank Donovan, Giám đốc Cơ quan phát triển Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam nhận xét: Trong năm 2010, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới có nhiều triển vọng về phát triển CNTT. Triển vọng này sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế trong thời gian tới. Tuy nhiên, để trở thành nước mạnh về CNTT&TT, nguồn nhân lực có kỹ năng thành thạo đạt trình độ quốc tế, sử dụng tốt ngoại ngữ có vai trò then chốt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên