Trần Mạnh Thường - Một đời báo chỉn chu, một hồn thơ sâu lắng

VOV.VN - Trong đời thường và trong công việc có một Trần Mạnh Thường nhịn nhường, kiên định nhưng kiên quyết bảo vệ chủ kiến của mình.

Tôi biết anh Trần Mạnh Thường vào chiều áp Tết 1977 trong buổi duyệt chương trình chào mừng Xuân Đinh Tỵ do nhà báo, Tổng Biên tập Trần Lâm chủ trì.

Do thời tiết chính trị hồi ấy nên trên Đài phát thanh không được dùng nhạc Triều. Buổi duyệt kết thúc, anh Thường cười rạng rỡ. Thế là yên tâm ăn Tết. Nhưng có tiếng ai đó thì thầm: “nhạc nền như nhạc Triều ấy nhỉ?”. Ông Trần Lâm nhíu mày: “Nghe lại”.

Tiếng sáo vút lên réo rắt rồi lắng dần xuống như mệt mỏi năm xoài trên cánh đồng hoang. Tiếng sáo quê ở đâu chả giống nhau. Nhưng chắc ăn, Tổng Biên tập bắt pha âm lại.

Anh Thường chẳng nói chẳng rằng, lững thững ra sân, mặc cho chúng tôi “xỉa xói” anh bạn đồng nghiệp lỡ lời. Thật tỷ mỷ, thật công phu, anh sửa xong chương trình đặc biệt kịp về nhà đón Giao thừa.

Nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường
Chương trình phát thanh nào cũng thế, bài viết nào cũng vậy, nhà báo Trần Mạnh Thường ngẫm nghĩ mãi mới đặt bút.

Anh bảo: nghĩ ra ý, bắt được tứ, đặt được đầu đề là xong bài viết ngon lành. Tất nhiên hơi tốn thuốc lá. Tôi được kể lại là anh viết bài luận “Hút thuốc lá có hại” rất công phu. Anh kể công với Trưởng phòng: “Tôi phải hút hết bao thuốc lá mới viết xong bài bình đấy”. Ông Trưởng phòng vỗ đùi đánh đét: “Tớ phải hút hết hai bao thuốc lá mới hiểu hết cái hay của cậu. Duyệt”

Năm 1993, anh chủ biên chương trình “Tạp chí truyền thanh” về Dầu khí. Chương trình mới về cấu tạo, cách làm, cách tiếp cận do Nhà báo Phan Quang, Tổng Giám đốc phát kiến, chỉ đạo, giao cho Ban Thư ký Biên tập chủ trì, các Ban Biên tập thay nhau thực hiện.

Anh Thường làm tạp chí truyền thanh với hai mục tiêu là triển khai và định hình một tạp chí phát thanh kiểu “magazine”, hai là hiểu thêm một chút về ngành Dầu khí nước nhà còn non trẻ.

Anh khiêm tốn nói là “hiểu thêm một chút” nhưng qua 45 phút chương trình ngồn ngộn những tư liệu, chi tiết, chắt chiu từng lời nói của công nhân, kỹ sư, chuyên gia Nga.

Năm ấy, Tạp chí truyền thanh của anh đoạt giải thưởng Báo chí Toàn quốc. Đêm nhận giải thưởng tôi bảo anh ăn mặc thật sang trọng vào, anh cười hiền: “sang, hèn cũng là mình, lịch sự là được cậu ạ”.

Trong cuộc sống cũng như khi hành nghề, Trần Mạnh Thường kiệm lời, nghĩ nhiều hơn nói, đã nói là ngắn gọn, khúc chiết.

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống bao cấp chìm trong khốn khổ, chị Thoa, vợ anh phải sang trời Tây lao động, anh ở nhà chăm sóc, nuôi nấng hai con.

Biết bố mẹ vất vả, hai cháu chăm học, hay làm, nhưng tránh sao khỏi lỡ tay đánh rơi cái bát hay mải chơi quên học bài. Một buổi tối mùa đông tôi đến chơi nhà, anh quát cháu Thi, đe cháu Chi, hai đứa đứng nép hai đầu tường. Thấy tôi, anh ghìm cây roi, giọng đanh: “Mẹ đi vắng, chúng mày phải biết điều chứ.”

Anh pha nước mời khách, hai cháu Thi, Chi nhìn tôi như biết ơn giải cứu rồi lẳng lặng vào buồng trong.

Năm 2000, anh cho ra tập: "Thơ và Trường ca", tôi gặp lại cảm xúc nín lặng của một Trần Mạnh Thường yêu thương vợ biết nhường nào:

“Cái cò lặn lội tuyết trắng mênh mông

Lạnh buốt dòng sông cành mềm gió đập

Hạt gạo lăn qua biết mấy vòm trời

Lặng lẽ rơi giữa lòng mặn chát.”

Thế mới hiểu vì sao trong phóng sự của Trần Mạnh Thường có chất thơ, tùy bút của anh như thơ văn xuôi. Bởi trong anh có một hồn thơ sâu lắng. Anh lặng lẽ trong đời và cả trong thơ:

“Lấy cái im lặng thay lời

Để nói một điều gì hệ trọng.”

Anh im lặng trong “Năm hòa bình”, để cho cuộc đời đi qua, những gương mặt bạn bè đi qua, những kỷ niệm vui buồn đi qua từng cây số. Để rồi anh thầm lặng cảm nhận với lòng biết ơn:

“Cứ lặng lẽ dầm trong mưa nắng

Lặng lẽ theo tôi như che chở điều gì”

Trong đời thường và trong công việc có một Trần Mạnh Thường nhịn nhường, nhưng kiên định. Anh ghìm được cảm xúc, “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ kiến của mình.

Thời gian làm Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật, anh khó tính khi chọn tác phẩm để “Đọc truyện đêm khuya”.

Anh bảo chọn lựa tác phẩm nào đậm chất nhân văn để người nghe đầy thêm cảm xúc, làm đẹp thêm những trang màu cuộc sống.

Có nhiều ý kiến ra vào, nhưng anh cùng Ban Văn học Nghệ thuật kiên trì tổ chức cuộc thi bình thơ. Sau một năm 3 tháng gặt hái thành quả, cho ra tập: “Thơ – Bốn phương cùng bình”. Cầm cuốn sách dày 300 trang từ Nhà Xuất bản Văn học, anh nói gọn: “Thì ra dân mình vẫn yêu Thơ, cậu ạ”.

Từ trong cuộc sống anh muốn chiêm nghiệm, chắt lọc ra một điều gì đó hữu ích. Anh mải mê ngắm các cô gái hái chè “một tôm hai lá”. Cảm phục họ, yêu mến họ và anh nhận ra một lẽ thường tình mà cao cả: “Những chén trà bè bạn đầy vơi/Xin lưu lại cho riêng mình vị chát.

Quan niệm sống của anh gói gọn trong bài thơ “Trai…Ngọc” ngắn gọn:

"Giữa lòng mang một nỗi đau

Mong gì tới được kiếp sau sinh thành

Nhả ra giọt lệ không đành

Lặng im hóa ngọc – chữa lành vết thương”.

Đi qua một bản trường ca “Lời chào” đầy đặn 8 chương ngợi ca những chiến sỹ cách mạng, cựu tù Côn Đảo, anh chốt lại câu thơ nhẹ tênh mà sâu lắng:

“Như mạch nước chảy ngầm trong cát

Tự lọc mình lặng lẽ để thành công”

Có lần tôi cảm thán nhắc lại câu thơ này, anh nhỏ nhẹ: “Đời Thường là vậy mà”. Anh nói đời thường, tôi viết hoa chữ Thường như là triết lý sống của anh.

Hay tin dữ anh Thường đột ngột ra đi sau khi tập thể dục buổi sáng về, tôi gọi điện cho chị Thoa. Chị bảo: hình như anh ấy sắp xếp hết rồi anh ạ. Anh về quê ở Mỹ Lộc, Nam Định chọn nơi an nghỉ cuối cùng và để lại bài thơ "Về quê lần cuối". Tôi chợt nhớ cách đây một tháng ở phòng Kiểm thính, 58 Quán Sứ, anh em bàn nhau chuyện sinh, tử, anh cười rồi nhỏ nhẹ: “có vợ, có con, có cháu, có nhà, ngoài bảy mươi đi lúc nào mà chả được.”

Anh sống chỉn chu cả một đời làm báo Phát thanh, một hồn thơ đậm đà, sâu lắng, một cuộc sống bình dị để thanh thản về với Tổ tiên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Báo điện tử VOV chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Trần Mạnh Thường
Báo điện tử VOV chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Trần Mạnh Thường

VOV.VN - Báo điện tử VOV gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường

Báo điện tử VOV chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Trần Mạnh Thường

Báo điện tử VOV chia buồn cùng gia quyến nhà thơ Trần Mạnh Thường

VOV.VN - Báo điện tử VOV gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia quyến nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường

Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường
Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường

VOV.VN -Nhà thơ Trần Mạnh Thường do cơn đau đột ngột, đã từ trần hồi 7h45 ngày 5/5/2015 (tức 17/3 năm Ất Mùi), hưởng thọ 72 tuổi.

Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường

Vĩnh biệt nhà thơ, nhà báo Trần Mạnh Thường

VOV.VN -Nhà thơ Trần Mạnh Thường do cơn đau đột ngột, đã từ trần hồi 7h45 ngày 5/5/2015 (tức 17/3 năm Ất Mùi), hưởng thọ 72 tuổi.