Nghị quyết “nấu ăn bán trú”: Nâng bước học sinh vùng khó đến trường

Xóa những bất cập của chính sách hỗ trợ nấu ăn bán trú

VOV.VN - 10 năm triển khai kể từ ngày ban hành, Nghị quyết hỗ trợ tổ chức nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La đã mang đến những hiệu quả hết sức thiết thực. Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, những người ban hành chính sách và cả các đơn vị thực thi đang tăng cường nhiều giải pháp để chính sách này lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. 

 

10 năm triển khai kể từ ngày ban hành, qua một số lần điều chỉnh bổ sung, thay thế cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, Nghị quyết hỗ trợ tổ chức nấu ăn bán trú của HĐND tỉnh Sơn La đã mang đến những hiệu quả hết sức thiết thực.

Tuy nhiên, thực tế triển khai cũng bộc lộ một số bất cập. Vì vậy, những người ban hành chính sách và cả các đơn vị thực thi đang tăng cường nhiều giải pháp để chính sách này lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. 

Tháng 8/2019, Hiệu trưởng Trường dân tộc Nội trú huyện Phù Yên, Sơn La bớt xén khẩu phần ăn của học sinh và có nhiều sai phạm trong công tác, quản lý bị kỷ luật, giáng chức từ Hiệu trưởng xuống làm Hiệu phó; tháng 12/2022, hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú  - Trung học Cơ sở  xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La – ông Nguyễn Như Thành bị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Sơn La khởi tố, bắt tạm giam vì đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô hơn 2 tỷ đồng tiền ăn và các chế độ của học sinh bán trú. Đây là những thông tin với việc làm khiến dư luận hết sức bất bình.

1 năm sau ngày Hiệu trưởng bị khởi tố, bắt tạm giam, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - Trung học Cơ sở  xã Co Mạ, huyện Thuận Châu vẫn chưa có người đứng đầu thay thế. Tuy nhiên, các thành viên khác trong Ban Giám hiệu và tập thể nhà trường vẫn đang duy trì việc dạy và học, cùng việc tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Thầy Lê Trung Kiên, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đó là sự cố đáng buồn của 1 cá nhân gây ra cho nhà trường. Tuy nhiên, ngay sau khi sự việc xảy ra thì cơ quan chức năng, nhất là chính quyền địa phương đã có những chỉ đạo hỗ trợ giúp đỡ cho nhà trường rất nhiều. Phía nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể tiếp tục triển khai công tác nấu ăn bán trú cho học sinh. Thời gian gần đây, qua nắm bắt từ học sinh và phụ huynh học sinh thì thấy đều đánh giá chất lượng tổ chức nấu ăn bán trú của trường ngày càng được nâng lên và nhận được sự đồng tình ủng hộ cao hơn của người dân, nhất là Hội cha mẹ học sinh".

Tại các cơ sở giáo dục khác, ngay từ khi triển khai chính sách nấu ăn bán trú cho học sinh, nhất là từ khi xảy ra việc một số cá nhân lợi dụng chính sách của học sinh bán trú để hưởng lợi, công tác giám sát việc tổ chức nấu ăn bán trú càng được tăng cường.

Thầy giáo Nguyễn Đình Hiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCH Chiềng San, huyện Mường La (Sơn La) cho hay: Với chúng tôi khi được phê duyệt hoặc được chi trả thì đều công khai trong tập thể nhà trường và công khai với phụ huynh về các chế độ các cháu được hưởng. Tại trường thì hàng tháng chúng tôi đều công khai số học sinh được hưởng, rồi mức chi nấu ăn cho các cháu như thế nào. Hàng ngày cũng đều có sổ theo dõi nhập thực phẩm, công khai định mức ăn từng bữa ăn bao nhiêu, có thể kiểm tra bất cứ lúc nào, nên không có chuyện tham nhũng, hoặc rút bớt chế độ của học sinh được.

Còn ông Nguyễn Đức Tôn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La khẳng định: "Phòng GD – ĐT đã chỉ đạo các nhà trường phải thường xuyên tự kiểm tra, giám sát trong tất cả các khâu việc nấu ăn bán trú cho học sinh. Thứ 2 là tham mưu cho UBND huyện ngay từ đầu năm học thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất và kiểm tra định kỳ đối với các trường tổ chức nấu ăn bán trú. Trên cơ sở đó, giúp cho việc thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước và các Nghị quyết của HĐND tỉnh hỗ trợ cho các cháu đạt hiệu quả tốt hơn".

Ông Và Phỏng Xá, Phó Chủ tịch UBND xã Co Mạ, huyện Thuận Châu, Sơn La cũng cho biết, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát việc tổ chức nấu ăn bán trú cho học sinh các nhà trường luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng. "Cứ mỗi 1 tháng là Ban chỉ đạo xã thành lập tổ vào khu nấu ăn của các trường để kiểm tra xem 1 bữa ăn thì khẩu phần của các cháu như thế nào, có đảm bảo vệ sinh an toàn không; rồi tiền chế độ về thì như thế nào, ai là những người có trách nhiệm lo đầy đủ cho các cháu, không bớt xén của các cháu đi", ông Xá nói.

Mới đây, ngay trong những ngày đầu năm học, dư luận cả nước “dậy sóng” khi nhân viên nấu ăn của 1 trường THPT ở huyện Mai Sơn (Sơn La) bỏ thuốc trừ sâu vào bữa ăn của học sinh bán trú của trường. May mắn, sự việc được phát hiện kịp thời, nên không học sinh nào bị ảnh hưởng.

Theo ông Bùi Việt Cường, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Mường La, thông qua vụ việc này và từ thực tế mức lương mà các nhân viên nấu ăn tại các trường học đang hưởng chỉ hơn 3 triệu đồng (sau khi đã trừ khoản đóng BHXH) là khá thấp, vì vậy, mong muốn trong thời gian tới, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương dành nhiều sự quan tâm và nhiều nguồn lực hơn nữa cho đội ngũ này, bởi khi nhận mức lương cao hơn, tinh thần, trách nhiệm của họ chắc chắn cũng sẽ cao hơn, qua đó, chất lượng bữa ăn của học sinh bán trú có thể cũng sẽ đảm bảo chất lượng và an toàn hơn.

"Chúng tôi mong muốn Nghịu quyết HĐND tỉnh tiếp tục duy trì, hai là cũng cần có những điều chỉnh bổ sung, như tăng phụ cấp, trợ cấp cho các thầy cô tham gia quản lý bán trú; hai là tiền hỗ trợ cho nhân viên nấu ăn theo Nghị quyết hiện tại cũng đang khá thấp, mong muốn có sự điều chỉnh trong thời gian sớm nhất", ông Cường bày tỏ.

Chị Lò Thị Chim, nhân viên nấu ăn trường Trường Tiểu học và THCH Chiềng San, huyện Mường La (Sơn La) cũng nêu ý kiến: Lương hiện tại của bọn em là 4,5 triệu, nhưng từ bảo hiểm mất 1,040.000 rồi. Mức thu nhập này hơi thấp, chúng em mong muốn được nâng lên chút nữa mới đủ trang trải cho cuộc sống ổn định hơn.

Mức hỗ trợ từ ngân sách cho công tác nấu ăn bán trú còn thấp, dẫn đến khó thuê được người nấu ăn có trách nhiệm, tâm huyết và ổn định.

Số lớp, số lượng học sinh ở bán trú ngày càng tăng, trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác tổ chức bán trú trong nhà trường chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu.

Điều kiện phục vụ cho công tác tổ chức thực hiện nấu ăn tập trung bán trú tại các trường như nhà bếp, nhà ăn nhiều nơi chưa được đầu tư, phải tận dụng, cơi nới từ các hạng mục công trình khác; nơi nghỉ trưa bán trú của học sinh không có khu riêng mà phải ngủ, nghỉ ngay trên lớp học, bàn học; các công trình cấp nước sinh hoạt, công trình vệ sinh còn thiếu thốn, chưa đáp ứng…

Chỉ ra được những khó khăn trong quá trình tổ chức nấu ăn bán trú tại các trường học ở tỉnh, ông Chá A Của, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La cho biết, HĐND tỉnh đã và đang tiếp tục rà soát, nghiên cứu để điều chỉnh, làm sao chính sách hỗ trợ nấu ăn bán trú cho học sinh đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đề ra và đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn nữa trong thời gian tới.

"Chúng tôi cũng đã đưa vào chương trình giám sát trong 2 năm 2024, 2025 trên tinh thần tiếp tục cập nhập các chính sách mới của TW bổ sung  vào và sửa đổi, bổ sung những vấn đề mà thực tiễn triển khai còn bất cập. Trong những năm tới, ngoài chính sách này, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để tích hợp giữa các chính sách trong cùng lĩnh vực mà có phân tán, nhỏ lẻ thì chúng tôi sẽ tích hợp lại để trở thành chính sách ở tầm chiến lược, lâu dài, quy mô hơn." - Ông Chá A Của thông tin.

Một tin vui không nhỏ khi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cùng các cơ quan, bộ, ngành Trương ương cũng đang quan tâm nghiên cứu, rà soát để tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ cho con em đồng bào dân tộc ở các vùng khó khăn như Sơn La có thêm điều kiện để học tập, kiếm tìm tri thức.

Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội thông tin: "Năm 2024 tới đây, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng sẽ chủ trì và phối hợp với các cơ quan của Quốc hội thẩm tra Luật điều chỉnh về nhà giáo sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trình dự thảo. Trong đó, chúng tôi cũng lưu ý và hoàn thiện các chế độ, tiền lương, thu nhập đối với giáo viên, nhất là giáo viên ở bậc học mầm non, giáo viên dạy học ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, cũng sẽ có những kiến nghị có các chính sách đối với học sinh vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; các chính sách hỗ trợ về phát triển cơ sở vật chất trường học. Đồng thời, tăng cường các hoạt động giám sát để từ đó có những kiến nghị xác đáng, góp phần phát triển sự nghiệp GD&ĐT cả nước nói chung và các tỉnh miền núi như Sơn La nói riêng". 

Giáo dục là nền tảng của sự phát triển bền vững, quyết định tương lai của dân tộc, của đất nước. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Xuyên suốt trong nhiều kỳ Đại hội, Đảng ta vẫn giữ quan điểm nhất quán “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Trong điều kiện địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng HĐND tỉnh Sơn La đã quan tâm, ban hành chính sách hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho các trường có học sinh bán trú trên địa bàn tỉnh. Hiệu quả thực tế qua 10 năm triển khai cho thấy đây là Nghị quyết đúng, trúng và hợp lòng dân. Việc ban hành Nghị quyết cũng thể hiện vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cũng như thể hiện trách nhiệm, tinh thần dám nghĩ, dám làm vì nhân dân của các đại biểu dân cử. Những việc làm này đã, đang góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Ở nhà chỉ được ăn rau, còn ở trường thì được ăn thịt, em rất thích. Ở đây còn được các thầy cô giáo dạy học bài và dạy múa dạy hát, em rất thích.

Trước đây các cô giáo cũng luôn đi tuyên truyền vận động, nhưng phụ huynh thường bảo không có tiền cho con đi học và tiền ăn trưa nên không cho con đến lớp. Từ ngày có chế độ chính sách, các con được hỗ trợ các chi phí mua đồ dùng học tập và bữa ăn trưa, phụ huynh đã cho con đi học đều hơn, tỷ lệ chuyên cần rất cao.

Em cảm thấy rất may mắn được Nhà nước hỗ trợ, giúp em được đi học, được ăn cơm ở bán trú, giúp cho em có ngày hôm nay. Em mong ước sau này học xong em đi học đại học, nếu không thi được thì em cũng sẽ đi học nghề...

Thông qua các chính sách đã xây dựng được nền tảng, nguồn nhân lực trong tương lai, không chỉ cho địa phương Sơn La, Tây Bắc, mà còn cho cả đất nước. Đặc biệt, việc ban hành chính sách giúp các em được đến trường tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về phát triển nguồn nhân lực là đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng thể chính sách dân tộc; góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quan tâm bữa ăn bán trú cho học trò vùng cao Sơn La
Quan tâm bữa ăn bán trú cho học trò vùng cao Sơn La

VOV.VN - Những bữa ăn bán trú chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng là một trong những yếu tố giúp “níu chân” học trò vùng cao. Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú luôn được các trường học, cơ quan quản lý nhà nước ở Sơn La đặc biệt quan tâm.

Quan tâm bữa ăn bán trú cho học trò vùng cao Sơn La

Quan tâm bữa ăn bán trú cho học trò vùng cao Sơn La

VOV.VN - Những bữa ăn bán trú chất lượng, đảm bảo dinh dưỡng là một trong những yếu tố giúp “níu chân” học trò vùng cao. Vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú luôn được các trường học, cơ quan quản lý nhà nước ở Sơn La đặc biệt quan tâm.