<< 40 năm UNCLOS: Vẹn nguyên giá trị bản “Hiến pháp của các đại dương”
Trong 40 năm kể từ khi ra đời, UNCLOS đã giúp các quốc gia giải quyết được rất nhiều tranh chấp và xung đột trên biển, trong đó có cả Biển Đông.
UNCLOS quy định rõ ràng, cụ thể về những nguyên tắc chung và những nội dung chi tiết để giải quyết các tranh chấp trên biển. Một quốc gia thành viên UNCLOS có quyền lựa chọn một hay nhiều cơ chế để giải quyết, như Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), trọng tài theo Phụ lục VII hoặc trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII. Nếu các bên tranh chấp cùng lựa chọn một cơ quan thì cơ quan đó có quyền thụ lý. Ngược lại nếu lựa chọn khác nhau thì tranh chấp phải mang ra tòa trọng tài theo Phụ lục VII.
“Các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế được thiết lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 đã góp phần tích cực trong việc tạo ra những cơ chế bình đẳng, khách quan, giúp các quốc gia lớn và nhỏ trên thế giới giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hoà bình”, cựu Thẩm phán Toà án Luật biển Quốc tế Rüdiger Wolfrum đánh giá.
Theo Giáo sư Carl Thayer, nhà nghiên cứu quốc tế, thuộc Đại học New South Wales, Australia: “Điểm đặc trưng duy nhất chỉ có ở UNCLOS, đó là nó đã thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc. Nếu hai bên xảy ra tranh chấp, họ có thể viện dẫn UNCLOS để giải quyết tranh chấp. Điểm quan trọng nhất, đây là thỏa thuận trọn gói, có nghĩa là khi bạn đã ký vào bản công ước, bạn không thể lựa chọn những phần bạn muốn tham gia, bạn phải tuân thủ tất cả các quy định của UNCLOS”. Trải qua 40 năm, UNCLOS với những nguyên tắc cơ bản đã được vận dụng hiệu quả để giải quyết và kiểm soát nhiều vụ tranh chấp trên thế giới. Nếu tính cả những vụ việc đã bắt đầu được đệ trình đến các cơ quan tài phán được thành lập và được dẫn chiếu theo quy định của UNCLOS, Tòa án Luật biển Quốc tế hiện nay đã thụ lý 29 vụ việc, giải quyết tranh chấp về biển giữa các quốc gia khác nhau. Tòa án Công lý Quốc tế đã thụ lý 18 vụ việc kể từ khi UNCLOS ra đời và Trọng tài theo phụ lục VII đã giải quyết 14 vụ việc.
Một trong những bằng chứng cho thấy UNCLOS cung cấp một cơ chế hiệu quả để giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển là tranh chấp giữa Bangladesh và Ấn Độ năm 2009 đối với vùng biển rộng 25.602 km2. Vào tháng 7/2014, một Tòa Trọng tài đã ra phán quyết rằng Bangladesh được hưởng 19.467 km2 hay 76% diện tích vùng biển tranh chấp. Diện tích này bao gồm 10 lô dầu ngoài khơi.
Với phán quyết này, Bangladesh có thể thiết lập EEZ rộng 200 hải lý, thềm lục địa mở rộng và tiếp cận trực tiếp với đại dương. Ấn Độ đã chấp nhận phán quyết mà không có khiếu nại. Đây là một mô hình cho thấy các bên tham gia UNCLOS có thể giải quyết các tranh chấp giữa các bên.
Một vụ kiện điển hình khác được giải quyết thông qua cơ chế của UNCLOS là vụ tranh chấp giữa Anh và Mauritius liên quan tới việc thành lập khu bảo tồn biển tại khu vực quần đảo Chagos ở Ấn Độ Dương. Chagos là một quần đảo thuộc chủ quyền của Mauritius. Tuy nhiên, do những vấn đề lịch sử, vào ngày 1/4/2010, Anh đã thông báo kế hoạch thành lập khu bảo tồn biển rộng khoảng 210.000 km2 xung quanh quần đảo này và cấm mọi hoạt động đánh bắt cá, khai thác tài nguyên sinh vật cũng như thăm dò, khai thác dầu và khí đốt trong khu bảo tồn biển này. Ngày 20/12/2010, chính phủ Mauritius đã nộp đơn kiện Anh theo Điều 287 và Phụ lục VII của UNCLOS 1982 về tính hợp pháp của khu bảo tồn biển nói trên. Vào năm 2015, tòa đã ra phán quyết rằng việc Anh thành lập khu bảo tồn biển như trên là sai.
Vụ kiện thứ ba là vụ Nicaragua kiện Colombia ra Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về phân định chủ quyền các đảo Roncador, Serrana, Quitasueno và phân định vùng biển liên quan tại biển Caribe. Năm 2012, ICJ ra phán quyết rằng các hòn đảo nêu trên thuộc chủ quyền của Colombia nhưng ranh giới lãnh hải mà Colombia từng áp đặt cho Nicaragua là không đúng quy định. Theo phán quyết, Nicaragua có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ra tới 200 hải lý và do vậy Nicaragua có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thuộc vùng biển có diện tích khoảng 75.000 km2 từng bị Colombia tuyên bố quyền chủ quyền.
Cũng cần phải nhắc tới vụ Timor Leste kiện Australia về phân định ranh giới biển vào ngày 11/4/2016. Timor Leste là nước đầu tiên trên thế giới căn cứ vào thủ tục hòa giải bắt buộc quy định trong Điều 297 và Điều 298 của UNCLOS 1982 để yêu cầu Australia thực hiện thủ tục hòa giải để phân định ranh giới biển giữa hai nước. Kết quả là hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định ranh giới biển cuối cùng vào ngày 6/3/2018. Vụ kiện thứ năm là vụ kiện phân định ranh giới biển cho các vùng biển chồng lấn tại Ấn Độ Dương giữa Somalia và Kenya vào ngày 22/8/2014. Vào ngày 12/10/2021, tòa phán quyết không có bằng chứng thuyết phục cho thấy Somalia ngầm đồng ý đường biên giới được Kenya ra yêu sách. Ngoài ra, tòa đã phán quyết về phân định ranh giới biển giữa Somalia và Kenya trên cơ sở các quy định của UNCLOS 1982.
Vụ Philippines đệ đơn kiện cách Trung Quốc giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông cũng là một trong những vụ kiện nổi bật được quan tâm. Hai bên đã tiến hành trao đổi quan điểm trong khoảng thời gian rất dài, tới 17 năm, mà không đạt được kết quả. Chính vì vậy, năm 2013, Philippines đã khởi kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
“Là cơ chế mặc định giải quyết tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc, Tòa trọng tài Phụ lục VII đã phát huy hết hiệu lực, hiệu quả của mình trong việc giải quyết tranh chấp. Trước hết, Tòa trọng tài theo Phụ lục VII đã vận dụng toàn bộ những quy định của Công ước Luật biển năm 1982 để giải đáp những đệ trình của Philippines và đưa ra kết luận rất quan trọng đối với tranh chấp của các bên tại Biển Đông”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao nhận xét.
Ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài đã ra phán quyết cho vụ kiện Biển Đông với 5 điểm chính, nổi bật là kết luận không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường chín đoạn (đường lưỡi bò).
Đã là thành viên UNCLOS, Tòa trọng tài khẳng định, cả Trung Quốc và Phillipines đều phải có trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật biển một cách có thiện chí để giữ gìn hòa bình và ổn định tại khu vực Biển Đông.
Nói về vụ kiện này, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho rằng: “Đây là lần đầu tiên tòa làm sáng tỏ Điều 121 khoản 3 của UNCLOS về quy chế pháp lý của các đảo, đá. Các đá không thích hợp cho người ở, không có đời sống kinh tế riêng thì sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, tức là chúng ta phân biệt thế nào là đảo và thế nào là đá. Đá không thích hợp cho đời sống kinh tế riêng là như thế nào, không có vùng đặc quyền riêng là như thế nào… những tiêu chí đó lần đầu tiên được tòa trọng tài giải quyết”.
Có thể nói phán quyết của tòa trong vụ kiện Biển Đông không chỉ là thắng lợi của Philippines mà còn là thắng lợi của các nước xung quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam, là những nước có vùng biển bị Trung Quốc yêu sách quyền chủ quyền trái phép. Đây cũng là thắng lợi của lực lượng hòa bình và luật pháp quốc tế nói chung, UNCLOS 1982 nói riêng.
Bên cạnh những thành công trong việc giải quyết tranh chấp và phân định biển, UNCLOS cũng đang phải đối mặt với thách thức, khi không có quy chế thi hành. Việc tuân thủ phụ thuộc rất lớn vào thiện chí của các quốc gia thành viên.
Khi bị Philippines đệ đơn kiện, Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện bằng văn bản “Quan điểm của Trung Quốc đối với các vấn đề ở Biển Đông” và bác bỏ yêu sách của Philippines. Trung Quốc cũng tuyên bố không tuân thủ phán quyết năm 2016.
Theo Tiến sĩ Achmad Siswandi, giảng viên Khoa Luật thuộc Đại học Padjadjaran ở Indonesia: “UNCLOS 1982 là điểm khởi đầu rất tốt khi nhấn mạnh các quốc gia cần phải hợp tác trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp trên biển. Nó cũng cung cấp khuôn khổ pháp lý để các bên giải quyết tranh chấp. Một số nước đôi khi đặt lợi ích quốc gia lên trên luật pháp quốc tế, nhưng tôi nghĩ các quốc gia khi tham gia UNCLOS đều có trách nhiệm tuân thủ các điều khoản của Công ước”.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, từng có thông tin Trung Quốc có khả năng sẽ rút khỏi UNCLOS để thể hiện thái độ không hài lòng. Tuy nhiên, Giáo sư Kentaro Nishimoto, chuyên gia từ Trường Luật của Đại học Tohoku (Nhật Bản) nhận định, khả năng Trung Quốc rút khỏi UNCLOS thực tế không cao.
“Ngoài việc để thể hiện thái độ bất mãn của Bắc Kinh với vấn đề gì đó, việc rút khỏi UNCLOS sẽ không giúp củng cố bất kỳ điều gì mà Trung Quốc đang muốn thúc đẩy”, ông Nishimoto nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh cũng có quan điểm tương tự: “Nếu Trung Quốc rút khỏi UNCLOS, tất cả những hành động vi phạm của Trung Quốc trong thời gian là thành viên của UNCLOS vẫn là hành vi vi phạm nghĩa vụ của công ước và nếu bị khởi kiện sẽ vẫn phải chịu những hệ quả pháp lý từ việc vi phạm các quy định của một điều ước quốc tế mà Trung Quốc đã là thành viên. Việc rút khỏi các quy định của Công ước chỉ có giá trị đối với những hành vi trong tương lai. Tuy nhiên, rất nhiều quy định của UNCLOS đã trở thành tập quán quốc tế. Vì thế, mục tiêu rút khỏi UNCLOS để lảng tránh trách nhiệm thực hiện của mình không phải là một cách hiệu quả trên thực tế”.
Vụ kiện Biển Đông là trường hợp cá biệt luật quốc tế không được tuân thủ, nhưng qua đó cũng cho thấy Tòa trọng tài không có cơ chế mang tính ràng buộc để Trung Quốc phải tôn trọng và thực thi phán quyết.
Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, vai trò của các tòa án quốc tế không phải là tạo ra luật, không phải là thay đổi UNCLOS mà chỉ là diễn giải, giải thích các quy định của UNCLOS để mọi người rõ hơn và áp dụng một cách đồng thuận hơn.
Vậy phải làm thế nào để những phán quyết biển được đưa ra không chỉ nằm trên văn bản mà có tính chất ràng buộc khiến các bên liên quan phảituân thủ?Thực tế, đây là vấn đề chung không chỉ của UNCLOS mà cả luật quốc tế. Luật quốc tế không có một cơ quan thực thi, không có cơ quan nào đặt ra luật đứng trên các quốc gia, xét xử các quốc gia nếu như không có sự thỏa thuận của các quốc gia.
“Để thực hiện tốt UNCLOS, chúng ta phải tạo sự đồng thuận của tất cả cộng đồng quốc tế. Vì vậy, chúng ta phải tuyên truyền lập trường mà chúng ta cho là đúng, đồng thời phê phán một cách có xây dựng những lập trường mà theo chúng ta là không đúng. Điều này cũng cần phải có sự phán xét chung của cộng đồng quốc tế và trong luật người ta gọi là ‘dư luận quốc tế theo luật’, tức là tạo ra sức ép để các quốc gia tuân thủ pháp luật quốc tế”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nhấn mạnh./.
>> Việt Nam tích cực vận dụng UNCLOS giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Tác giả: Thùy Linh | Thiết kế: Đoan Đoan