Sau khi phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam tích cực vận dụng Công ước để bảo vệ chủ quyền và giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Việt Nam không có điều kiện tham gia vào các Hội nghị Luật Biển lần thứ nhất và lần thứ hai. Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, chỉ 2 năm sau đó, Việt Nam đã cử đoàn cán bộ tham dự các phiên họp của Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần thứ ba và tiếp thu những tinh thần của dự thảo văn kiện của UNCLOS. Trong quá trình tham gia các phiên họp này, Việt Nam đã tích cực đóng góp những quan điểm của quốc gia đang phát triển, của quốc gia ven biển, để góp phần vào việc hình thành nên các quyền và nghĩa vụ quốc gia ven biển trong trật tự pháp lý về biển hiện nay.

Điều này đã góp phần để Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên ra Tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vào ngày 12/5/1977. Năm 1982, Việt Nam đã ra tuyên bố về đường cơ sở thẳng. Năm 1994, Quốc hội Việt Nam chính thức phê chuẩn để Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Luật Biển năm 1982. Đến năm 2012, Việt Nam đã chính thức ban hành Luật Biển Việt Nam.

Trải qua những mốc thời gian trên, Việt Nam luôn thể hiện là một quốc gia có trách nhiệm, thực thi nghiêm chỉnh tất cả quyền và nghĩa vụ của một quốc gia ven biển, phù hợp với quy định của Công ước Luật biển 1982 cũng như quy định của pháp luật quốc tế.

Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi đầu trong việc thực thi Công ước Luật Biển năm 1982 trong giải quyết các tranh chấp biển, đặc biệt là vấn đề tranh chấp phân định biển. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, hiện nay Việt Nam đã giải quyết được 7 trên tổng số 11 tranh chấp trên biển, tốc độ được các chuyên gia nước ngoài đánh giá là cao nhất trong khu vực.

“Năm 1997, chúng ta đã cùng với Thái Lan đàm phán phân định ranh giới trong Vịnh Thái Lan. Đây là văn bản phân định biển đầu tiên trong khu vực sau khi Công ước có hiệu lực vào năm 1994. Chúng ta đã đàm phán với Trung Quốc để phân chia vịnh Bắc Bộ (năm 2000), áp dụng phân chia thềm lục địa với Indonesia năm 2003. Chúng ta có những Hiệp định về vùng nước lịch sử chung Việt Nam-Campuchia, Hiệp định về khai thác chung giữa Việt Nam và Malaysia năm 1992 và 1995”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết.

Đặc biệt, công thức 3 bước được áp dụng trong phân định biển giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Vịnh Bắc Bộ được Tòa án Công lý Quốc tế khuyến nghị sử dụng trong giải quyết tranh chấp đảo Rắn ở Biển Đen giữa Ukraine và Romania năm 2009.

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao: “Có thể thấy chúng ta có rất nhiều thành công trong giải quyết các vấn đề về hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và quản  lý vùng biển. Chúng ta cũng là đồng tác giả với Philippines về tuyên bố về Bộ quy tắc ứng xử của ASEAN đưa ra để đàm phán. Việt Nam cũng là một bên ký kết Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và bây giờ cũng là một bên tham gia rất tích cực để thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)”.

UNCLOS cho đến nay đã có 168 thành viên. Liên Hợp Quốc có 193 quốc gia thành viên, như vậy tức là vẫn còn có những nước khác chưa phải là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Vì vậy, Việt Nam và Đức đã đưa ra sáng kiến thành lập Nhóm bạn bè UNCLOS. Sáng kiến này đã được nhiều quốc gia ủng hộ.

“Với vai trò đồng sáng lập Nhóm bạn bè UNCLOS, Việt Nam khẳng định mình không chỉ thực hiện UNCLOS mà còn định hướng bảo vệ UNCLOS trước một số âm mưu thay đổi giá trị của công ước”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đánh giá.

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, Nhóm bạn bè là diễn đàn để các nước, dù là thành viên hay không phải thành viên của UNCLOS, thể hiện quan điểm, trao đổi để giải quyết những vấn đề chung.

“Tôi cho rằng đây là một trong những cơ chế bổ sung rất tốt cho UNCLOS để chúng ta hiểu rõ hơn và giải thích rõ hơn những quy định của UNCLOS. Các quy định này của UNCLOS phần lớn là những quy định về tập quán quốc tế, tức là áp dụng cho tất cả các quốc gia, không phải chỉ các thành viên của UNCLOS mà cả các quốc gia không phải là thành viên của UNCLOS, ví dụ như Mỹ. Đó cũng là một cơ hội để Mỹ tham gia để thể hiện quan điểm của mình”, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao nói.

Đại diện nhiều nước tham gia Nhóm bạn bè UNCLOS đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam và Đức, cho rằng sáng kiến này đã đáp ứng kịp thời sự quan tâm và nhu cầu đề cao vai trò, giá trị của UNCLOS, thúc đẩy tuân thủ UNCLOS, tạo cơ chế phối hợp cùng giải quyết thách thức đối với UNCLOS và thách thức trong lĩnh vực biển và đại dương như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

“Hiện nay, rất nhiều quốc gia diễn giải và áp dụng luật biển theo cách của mình. Do vậy, ý tưởng thành lập nhóm bạn bè để tăng cường nhận thức chung và xây dựng đồng thuận trong việc giữ gìn hòa bình an ninh quốc tế trên biển được rất nhiều nước ủng hộ. Đây là cơ chế tốt cho lợi ích chung cũng như lợi ích quốc gia”, Đại sứ Đặng Đình Quý, nguyên Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, lý giải về sức hấp dẫn và tầm quan trọng của Nhóm bạn bè UNCLOS.

Việt Nam nhấn mạnh việc áp dụng các giá trị phổ quát UNCLOS để thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của các quốc gia ven biển cũng như các quốc gia không có biển, giữa các quốc gia là thành viên cũng như chưa phải là thành viên của UNCLOS nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, thúc đẩy quản lý bền vững Biển Đông.

Để đạt được mục tiêu này, các quốc gia cần nỗ lực tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển; nâng cao lòng tin, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm tình hình hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, đồng thời, tuân thủ UNCLOS trong việc xác định các yêu sách trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, sau phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, lập luận của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông đã có những thay đổi. Trước đây, Trung Quốc đưa ra yêu sách “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” để tuyên bố chủ quyền đối với khoảng phần lớn diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, cái gọi là “đường lưỡi bò” đã bị tòa trọng tài quốc tế bác bỏ. Trung Quốc dù bác bỏ phán quyết nhưng sau đó, vẫn phải đưa ra lập luận mới, là “Tứ Sa”. Lập luận này âm mưu yêu sách vùng biển thậm chí còn lớn hơn cả khu vực giới hạn trong “đường lưỡi bò”.

Giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông là một cuộc đấu tranh lâu dài. Đồng thời các nước đều có nhu cầu phát triển kinh tế, hợp tác phát triển kinh tế. Vì vậy các nước cũng cần có môi trường ổn định. Để làm được điều này, việc tạo thêm một khuôn khổ pháp lý như UNCLOS, bổ sung cho UNCLOS trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực đóng vai trò rất quan trọng. Đó là điều mà ASEAN đang muốn hướng đến khi xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) và mong muốn đây sẽ là một công cụ đóng góp hiệu quả hơn cho hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.

Việc đạt được đồng thuận về một bộ quy tắc ứng xử như vậy sẽ có lợi cho Trung Quốc, có lợi cho ASEAN và tất nhiên là có lợi cho Việt Nam, để giữ một môi trường hòa bình ổn định trên Biển Đông.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, quá trình đàm phán COC bị gián đoạn. Với sự mở cửa trở lại và chuyển sang giai đoạn bình thường mới, các bên đang tích cực nối lại quá trình đàm phán.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, Quyền Viện trưởng Viện Biển Đông nhận định: “Hiện nay, tất cả các quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam, cũng như Trung Quốc đều khẳng định tinh thần: UNCLOS là văn kiện có tính phổ quát, điều chỉnh hoạt động quốc gia trên biển. Các quan điểm hiện nay đều cho rằng, nếu có thỏa thuận COC trong tương lai thì mọi quy định của COC sẽ đều dựa trên UNCLOS và đều tuân thủ UNCLOS”./.

<< 40 năm UNCLOS: Nhìn từ những vụ kiện quốc tế đến vụ kiện ở Biển Đông

<< 40 năm UNCLOS: Vẹn nguyên giá trị bản “Hiến pháp của các đại dương”

Tác giả: Thùy Linh | Thiết kế: Đoan Đoan

Chủ Nhật, 06:00, 25/09/2022