Sau 9 năm đàm phán, văn bản đàm phán cuối cùng về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được nhất trí thông qua vào ngày 30/4/1982 và ngày 10/12/1982 là ngày mở ký bản công ước này.
Được ký kết năm 1982 và có hiệu lực từ năm 1994, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được xem như bản “Hiến pháp của các đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia. Đến nay, Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn.
Sau khi văn bản cuối cùng về Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) được nhất trí thông qua vào ngày 30/4/1982, Việt Nam là một trong 107 nước ký Công ước tại Montego Bay (Jamaica) vào ngày 10/12/1982.
Quốc hội Việt Nam ban hành nghị quyết về việc phê chuẩn UNCLOS ngày 23/6/1994. Tới năm 2012, Luật Biển Việt Nam ra đời. Đây là văn bản được xây dựng dựa trên các quy định của UNCLOS và luật pháp quốc tế, thể hiện Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Công ước.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển lần đầu tiên phân bổ rõ ràng các không gian đại dương trên Trái Đất, với tất cả các tài nguyên sinh vật và không sinh vật, tất cả tiện ích trên biển trên cơ sở công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các quốc gia nhỏ, các quốc gia đang phát triển.
Qua các quy định của UNCLOS, lần đầu tiên người ta thấy có một chế định đầy đủ 7 vùng biển, từ vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, biển cả và vùng đáy biển. Trên cơ sở đó, quốc gia ven biển đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để có thể thiết lập, bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình trên biển.
UNCLOS đã tạo ra các khuôn khổ pháp lý và thể chế để quản lý các hoạt động liên quan đến biển và đại dương. Từ nguyên tắc “đất thống trị biển”, Công ước cho phép các quốc gia ven biển mở rộng chủ quyền ra một vùng nước tiếp liền lãnh thổ với tên gọi lãnh hải 12 hải lý. Tại khu vực này, các nước có thể thực thi các luật của mình như luật về hải quan, thuế, nhập cư và ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, các nước có quyền độc quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Ở một mức độ nhất định, khuôn khổ pháp lý này đóng vai trò là tham khảo cho các quốc gia khi đưa ra yêu sách biển.
“UNCLOS không chỉ trao cho các quốc gia ven biển quyền tiếp cận các cơ hội kinh tế mà còn cho phép các nước không có biển tiếp cận biển và tự do đi lại trên biển”, Đại sứ Mai Sayavongs, thuộc Viện Đối Ngoại, Bộ Ngoại giao Lào cho biết. Đây cũng là lý do Lào - một quốc gia không tiếp giáp biển - phê duyệt UNCLOS.
Bên cạnh đó, UNCLOS tạo ra các khuôn khổ pháp lý để sử dụng các nguồn tài nguyên biển, phát triển kinh tế-xã hội bền vững và hiệu quả, đồng thời đảm bảo giữ gìn môi trường biển. Điều này phù hợp với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là Mục tiêu số 14 về bảo tồn “Đời sống Biển”.
“Với giá trị là một bản Hiến pháp, UNCLOS đã định ra một trật tự pháp lý, định ra quyền và nghĩa vụ của các quốc gia không chỉ ven biển mà cả các quốc gia không có biển, các quốc gia có hoàn cảnh địa lý đặc biệt khác. Dựa trên cơ sở pháp lý mà UNCLOS đã dày công xây dựng, các quốc gia đã có được một cơ sở hoàn thiện để quản lý biển một cách bền vững cũng như có cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp theo hướng hòa bình, ổn định và mang lại thịnh vượng chung cho tất cả các quốc gia”, bà Nguyễn Thị Lan Anh, quyền Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, đánh giá.
UNCLOS là một trong những thành tựu quan trọng nhất của luật pháp quốc tế và Liên Hợp Quốc trong thế kỷ XX và là cơ sở hình thành, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển một cách toàn diện.
Có thể nói UNCLOS là một văn kiện đầy đủ và toàn diện nhất xác lập được một trật tự pháp lý trên biển. Trước kia các nước luôn luôn có xu hướng yêu sách mở rộng vùng biển của mình ra biển một cách không có giới hạn. UNCLOS đã xác định tất cả vùng biển thuộc về chủ quyền quốc gia, thuộc về quyền tài phán quốc gia, cũng như các vùng biển thuộc về toàn thể loài người. Đây là một nỗ lực, một đóng góp rất lớn của UNCLOS.
UNCLOS cũng đưa ra tất cả những quy định về các hoạt động trên biển một cách tổng thể và những quy định này của UNCLOS đã góp phần định hình một thể chế pháp lý ở trên biển.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho rằng: “Giá trị của UNCLOS là rất lớn. UNCLOS cũng là công ước đầu tiên có cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc khi các nước đã tham gia UNCLOS được quyền lựa chọn một trong 4 hình thức giải quyết nếu có tranh chấp”.
Các quốc gia có thể lựa chọn Tòa án Luật Biển Quốc tế (ITLOS), Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), trọng tài theo Phụ lục VII hoặc trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII. Nếu các bên tranh chấp cùng lựa chọn một cơ quan thì cơ quan đó có quyền thụ lý. Ngược lại nếu lựa chọn khác nhau thì tranh chấp phải mang ra tòa trọng tài theo Phụ lục VII. Trọng tài theo Phụ lục VII cũng là cơ quan tài phán sẽ giải quyết tranh chấp giữa các bên không có tuyên bố lựa chọn, như trường hợp Vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Cựu Thẩm phán Toà án Luật biển Quốc tế Rüdiger Wolfrum đánh giá: “UNCLOS đóng vai trò cơ bản đối với sự phát triển của luật biển quốc tế và thúc đẩy hòa bình, an ninh, hợp tác giữa các quốc gia, và sự phát triển bền vững của biển và đại dương”.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều thách thức trên biển, cộng đồng quốc tế cần duy trì thượng tôn pháp luật và tuân thủ một cách thiện chí các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước, đặc biệt là trong việc đưa ra các yêu sách và tiến hành các hoạt động trên biển. Các quốc gia cần thúc đẩy hợp tác ở cấp độ quốc tế và khu vực để bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển và đại dương, đồng thời đảm bảo quyền tự do hàng hải và các hoạt động hàng hải hợp pháp.
“UNCLOS trải qua 40 năm hình thành và phát triển đã tạo ra những giá trị phổ quát. Có rất nhiều quy định của UNCLOS đã đi vào thực tế, được áp dụng như tập quán quốc tế và ràng buộc chung về giá trị pháp lý với các quốc gia là thành viên hay không phải là thành viên. Các quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù có tiềm lực phát triển hay không phát triển đều có chung một nghĩa vụ như nhau phải thực thi giá trị phổ quát của UNCLOS để đóng góp vào hòa bình, ổn định chung của môi trường biển và thế giới”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.
Từ trước tới nay, các nước đều thống nhất rằng UNCLOS là một bản “hiến pháp của đại dương” mà chúng ta đã có 40 năm. Kể từ khi ra đời, không ai có ý kiến cần thay đổi UNCLOS. Chỉ từ sau vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016, có một số ý kiến cho rằng “UNCLOS không đưa ra khung pháp lý toàn diện cho các đại dương”; “UNCLOS vẫn tiếp tục được phát triển và cải thiện”, hoặc cho rằng UNCLOS mơ hồ và thiếu toàn diện.
Về vấn đề này, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc (ILC) nhiệm kỳ 2017-2021 và 2023-2027 nêu quan điểm: “UNCLOS là bản hiến pháp của đại dương. Đã là hiến pháp thì nó đặt ra các nguyên tắc, các vấn đề cơ bản, chứ ko đi vào các vấn đề chi tiết. Không nên vì một vấn đề cụ thể mà đòi sửa đổi hiến pháp. Các nước khi có vấn đề lớn sẽ họp lại và thảo luận để thông qua văn kiện bổ sung, kéo dài dựa trên nền tảng của công ước”.
“UNCLOS cũng như tất cả các công ước quốc tế, đều dựa trên sự thỏa thuận của các quốc gia, dựa trên sự nhượng bộ của các quốc gia, cho nên có thể còn có những điều khoản chưa được sáng tỏ. Điều đó phụ thuộc vào cách diễn giải và áp dụng luật quốc tế, áp dụng UNCLOS. Chúng ta không nói ai diễn giải sai hay diễn giải đúng, mà đây là cả một quá trình nhận thức. Đây cũng không thể gọi là các lỗ hổng, bởi UNCLOS là một bản Hiến pháp về Đại Dương. Một bản hiến pháp thì chỉ đưa ra các nguyên tắc và dần dần chúng ta phải phát triển thêm những văn kiện pháp lý theo sau nó, trong khuôn khổ của UNCLOS, để điều chỉnh những vấn đề nảy sinh, những vấn đề mà có thể trong quá trình đàm phán UNCLOS chúng ta chưa đề cập đến một cách cụ thể, để từ đó chúng ta càng ngày càng làm sáng tỏ các vấn đề nảy sinh”, ông Nguyễn Hồng Thao nói.
Thực tế, sau UNCLOS, đã có thêm các văn kiện như Thỏa thuận về thay đổi phần 11 của Công ước Luật biển năm 1982 về cơ chế của Cơ quan quyền lực đáy đại dương, Thỏa thuận về các đàn cá di cư xa năm 1995. Đó là những thỏa thuận để phát triển thêm các vấn đề, nhưng chúng không thay đổi được UNCLOS. Gần đây nhất, thế giới đang đàm phán về thỏa thuận về bảo tồn đa dạng sinh học trong các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia, tức là nằm trong vùng biển cả, vùng đáy biển di sản chung của loài người…
Chỉ một số ít các nước cho rằng việc quản lý và bảo tồn đa dạng sinh học nằm ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) là sự thay đổi không nằm trong công ước, nhưng thực sự, khi đàm phán các nước đều ghi nhận rất rõ ràng trong phần mở đầu là căn cứ vào UNCLOS để thảo luận và phát triển thêm thỏa thuận này.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan Anh, UNCLOS khó tránh khỏi có những quy định chưa thực sự chặt chẽ do những lợi ích đan xen giữa các nhóm quốc gia với nhau và cần phải có sự thỏa hiệp để đạt được một công ước cả gói. Mặc dù vậy, thực tế 40 năm qua đã chứng minh: “UNCLOS không bị lạc hậu mà vẫn khẳng định là một khuôn khổ pháp lý cung cấp cơ sở nền tảng, giúp các quốc gia có thể phát triển”.
Qua thời gian, cũng sẽ có những thách thức mới đối với biển và đại dương mà UNCLOS chưa kịp điều chỉnh, ví dụ như những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu, nước biển dâng hay xử lý rác thải trên biển, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề rác thải nhựa… Với tất cả những vấn đề mới phát sinh, các nước sẽ tiếp tục gặp nhau và thảo luận trong khuôn khổ hội nghị các thành viên UNCLOS để có những đóng góp mở rộng, xây dựng những điều khoản cho những vấn đề mới trong tương lai./.
>> 40 năm UNCLOS: Nhìn từ những vụ kiện quốc tế đến vụ kiện ở Biển Đông
>> Việt Nam tích cực vận dụng UNCLOS giải quyết tranh chấp trên Biển Đông
Tác giả: Thùy Linh | Thiết kế: Đoan Đoan