Việc Taliban lên cầm quyền không hẳn mang lại hòa bình cho Afghanistan. Thậm chí có phần ngược lại. Các hình thức bạo lực chính trị khác nhau đã tiếp diễn hoặc trỗi dậy, từ các hành động bạo lực ngoài pháp luật của chính Taliban, phong trào phản kháng vũ trang nhằm vào Taliban cho đến các hành động bạo lực tùy tiện hoặc nhắm vào đối tượng cụ thể do tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo tỉnh Khorasan” (IS-K) tiến hành.
IS-K là một chi nhánh liên vùng của tổ chức khủng bố IS trước đây ở Iraq và Syria nằm trong vùng Khorasan lịch sử rộng lớn hơn, bao trùm lên các bộ phận của Tây Á, Nam Á và Trung Á hiện nay.
Các hoạt động của IS-K đã mở rộng trong các khu vực trên kể từ khi Kabul thất thủ trước lực lượng Taliban vào năm 2021. Tuy nhiên, nhiều thông tin về IS-K hiện nay vẫn khá mâu thuẫn.
Chế độ Taliban tiếp tục hạ thấp mối đe dọa từ IS-K. Taliban tuyên bố họ đã nhổ tận gốc tổ chức này ở Afghanistan. Tương tự, một số chuyên gia phương Tây khẳng định rằng mối đe dọa IS-K là khiêm tốn và đang suy giảm.
Tuy nhiên các nước lớn trong khu vực và trên thế giới như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ cũng như các nguồn thông tin tình báo Mỹ cảnh báo về các chân rết đang phát triển của IS-K trong các khu vực lân cận.
Taliban lên cầm quyền không hẳn mang lại hòa bình cho Afghanistan (Ảnh BBC)
Có một số câu hỏi căn bản cần điều tra sâu thêm: Vì sao IS-K chìm trong bức màn bí ẩn? Sức mạnh và điểm yếu của tổ chức này là gì? Các nhân tố tiềm năng nào có thể chuyển hóa nó thành một mối đe dọa khu vực và toàn cầu?
Sự khác biệt trong thông tin về IS-K bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác nhau, như có một số mặt của IS-K chưa được điều tra (bao gồm cơ cấu tổ chức), sự hội tụ tư tưởng của tổ chức này với Taliban, cũng như các cơ hội đang trỗi dậy cho IS-K ở khu vực miền Bắc Afghanistan.
IS-K là một nhóm đa dân tộc, bao gồm các chiến binh đến từ cả Nam Á và Trung Á, cũng như Tây Á (Trung Đông). Điều tiếp tục bị bỏ qua về nhóm nay là cấu trúc kép bản địa-nước ngoài của nó.
Với nguồn gốc và các thách thức đối với sự tồn tại của mình kể từ năm 2014, IS-K đã lựa chọn cấu trúc thực dụng gồm các lớp bên trong và bên ngoài không trộn lẫn. Trong khi bộ mặt công khai của IS-K gồm các phần tử bản địa (các chiến binh Pashtun người Afghanistan và người Pakistan), cốt lõi của IS-K là một mạng lưới kết nối lỏng lẻo các phần tử nước ngoài.
Năm 2014, các nhóm khủng bố địa phương và nước ngoài di tản khỏi Bắc Waziristan do hoạt động quân sự của lục quân Pakistan. Một số nhân vật cấp cao của tổ chức Tehrik-e-Taliban Pakistan (TTP) xuất hiện ở Tây Bắc Pakistan, cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và tuyển hàng ngàn nam giới là người của các bộ lạc Pashtun bản địa.
Trong một động thái song song, Taliban đã cho hàng trăm chiến binh nước ngoài, bao gồm những người liên quan đến Phong trào Hồi giáo Uzbekistan và Phong trào Hồi giáo Đông Turkistan vào định cư ở Đông và Nam Afghanistan. Sau khi thiết lập IS-K, IS đưa một số phần tử của mình từ Trung Đông về vùng Afghanistan-Pakistan. Cuối cùng, cả 3 nhóm này hội tụ ở khu vực phía Nam của tỉnh Nangarhar. Tại đây, các chiến binh IS-K tái tổ chức thành các nhóm nhỏ bao gồm các chiến binh Pashtun (bản địa) và các phần tử nước ngoài. Lớp chiến binh Pashtun tiếp tục là bộ mặt bên ngoài của IS-K, còn các chiến binh ngoại chủ yếu đóng sâu trong các thung lũng, không giao lưu với dân thường và được các chiến binh địa phương bảo vệ.
Tính chất lưỡng đôi này của IS-K giúp nó có khả năng sinh tồn và thích ứng tốt. Cụ thể, IS-K đã sống sót qua nhiều cuộc chiến song song được phát động bởi Mỹ, chính quyền thân Mỹ ở Afghanistan, và phong trào nổi dậy của Taliban trong giai đoan 2018-2020. IS-K trỗi dậy sau mỗi lần bị tuyên bố đánh bại. Sau khi lên nắm quyền ở Kabul, tổ chức Taliban đã phát động một chiến dịch khốc liệt đánh vào IS-K.
Đối với Taliban, chiến dịch chống các phần tử bản địa của IS-K không mang tính chất hệ tư tưởng mà là mang tính chiến lược. Bằng việc thanh toán hàng trăm chiến binh IS-K địa phương, chế độ Taliban muốn loại bỏ các đối thủ nội địa có thể tạo ra thách thức đối với chế độ Hồi giáo cực đoan ở quốc gia Nam Á này. Lực lượng Taliban biết rằng các phần tử nước ngoài bên trong IS-K không có tham vọng chính trị lên nắm quyền ở đất nước này. Ngoài ra, sự hội tụ tư tưởng giữa IS-K và Taliban thúc đẩy Taliban bảo vệ lõi của IS-K (tức bộ phận người nước ngoài) ở Afghanistan.
Khác với quan điểm phổ biến cho rằng Taliban và IS-K dị biệt về hệ tư tưởng, các nguồn thông tin văn bản cho thấy có sự hội tụ của hai tổ chức này.
Trước tiên, Taliban không phản đối việc tạo ra tổ chức IS cũng như chân rết của tổ chức này ở trong vùng. Trái lại, tinh thần ban đầu giữa 2 tổ chức này là mang tính hợp tác. Taliban đón chào sự ra đời của IS và chỉ đạo truyền thông Afghanistan tránh phát tán các nội dung gây tổn hại cho nhóm IS. Đáp lại, IS dành hẳn một bộ phận truyền thông của mình để đưa tin về phong trào nổi dậy của Taliban.
Mối quan hệ thân thiện giữa đôi bên chỉ xấu đi khi IS bác bỏ lời khẩn cầu của thủ lĩnh Taliban muốn IS-K trung thành với thủ lĩnh Taliban Amir al-Mu’minin thay vì trung thành với Al-Baghdadi. Taliban cho rằng như thế sẽ giúp đoàn kết mặt trận thánh chiến ở Afghanistan. Đáp lại, IS không những bác bỏ lời khẩn cầu đó mà còn coi thường thủ lĩnh Taliban.
Tuy nhiên, mối quan hệ xấu đi đó không ngăn chặn các nhà tư tưởng và tăng lữ của Taliban tiết lộ sự hội tụ với IS về các vấn đề như thánh chiến toàn cầu và ý nghĩa của quyền lực chính trị diện rộng cho người Hồi giáo (caliphate).
Về vấn đề thánh chiến toàn cầu, các nguồn tư tưởng của Taliban thừa nhận tính bắt buộc đạo đức và tính cần thiết chiến lược của điều này.
Tuy nhiên, khác với IS, Taliban xây dựng chiến lược và ưu tiên các mặt trận khác nhau của thánh chiến toàn cầu vào các thời điểm khác nhau. Taliban khẳng định mặc dù không có ranh giới cho thánh chiến toàn cầu, song lại có ranh giới cho mỗi mặt trận.
Khi IS-K chỉ trích dữ dội hòa ước của Taliban với Mỹ ở Doha (Qatar), Taliban biện minh cho hành động của mình là động thái chiến thuật trong khuôn khổ cuộc thánh chiến rộng lớn hơn.
Thành viên ISIS-K ra hàng chính phủ Afghanistan cùng vũ khí tại Jalalabad, Nangarhar, Afghanistan - năm 2019 (Ảnh Getty Images)
Taliban đồng ý về nhu cầu thành lập một Vương quốc Hồi giáo rộng lớn bao trùm cho cộng đồng người Hồi giáo. Nhưng Taliban khác với IS-K ở chỗ họ không đồng tình với cách tiếp cận thiếu quyết liệt và thiếu hệ thống của IS trong tuyên bố thành lập một Caliphate như vậy. Tương tự al-Qaeda, Taliban không coi Caliphate của IS là hợp pháp. Ngược lại, Taliban cho rằng Caliphate đó là non yểu và phản tác dụng. Theo Taliban, luôn có thời điểm thích hợp để hiện thực hóa “giấc mơ thần thánh này”.
Tầm nhìn của Taliban về việc là một bộ phận của Caliphate hoặc thiết lập một caliphate riêng là rõ ràng, dựa trên mối quan hệ kéo dài của họ với các tổ chức khủng bố như al-Qaeda, TTP và các phần tử nước ngoài của IS-K./.