VĂN HÓA Thứ Hai, 14:50, 01/01/2024 Du khách thích thú xem tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn ngày đầu năm mới VOV.VN - Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Lễ Ban sóc (phát lịch) triều Nguyễn được dàn dựng theo hình thức sân khấu hóa với mục tiêu giới thiệu những giá trị văn hóa lễ hội gắn liền với di sản, tạo nên không khí vui tươi, có ý nghĩa trong dịp năm mới... Chương trình bắt đầu bằng Lễ công bố Festival Huế 2024, ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: "Festival Huế 2024 có chủ đề "Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển" sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm, mở đầu bằng Lễ hội sân khấu hóa tái hiện Lễ Ban sóc triều Nguyễn (ngày 1/1/2024) và kết thúc bằng Chương trình Countdown (ngày 31/12/2024) với điểm nhấn là Tuần lễ Festival Huế 2024 diễn ra từ ngày 7-12/6/2024". "Festival Huế 2024 định hướng bốn mùa sẽ tiếp tục khai thác các lễ hội trải dài trong năm như các hình thái lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội tôn giáo, lễ hội truyền thống, đồng thời từng bước xây dựng các chương trình lễ hội mới, phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của công chúng, phát triển trở thành sản phẩm du lịch định kỳ, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội, để Thừa Thiên Huế thực sự trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam", ông Hoàng Việt Trung cho biết. Ban Sóc là lễ phát lịch ngày xưa của triều Nguyễn, được tổ chức định kỳ vào cuối năm âm lịch. Hằng năm, sau khi nha Khâm Thiên Giám soạn lịch xong, triều đình tổ chức Lễ Ban Sóc (Khâm Thiên Giám được thành lập dưới thời vua Gia Long, là cơ quan chuyên quan sát, chiêm nghiệm thiên văn, dự báo thời tiết, làm lịch, báo giờ để định mùa vụ cho dân). Festival Huế 2024 có chủ đề "Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển" sẽ tổ chức các hoạt động liên tục, kéo dài trong suốt năm với các lễ hội đặc sắc gồm: Lễ hội mùa Xuân "Xuân Cố đô" (diễn ra từ tháng 1 - 3); Lễ hội mùa Hạ "Kinh thành tỏa sáng" (tháng 4 - 6); Lễ hội mùa Thu "Huế vào thu" (tháng 7 - 9); Lễ hội mùa Đông "Mùa Đông xứ Huế" (tháng 10 - 12) cùng hàng trăm hoạt động hưởng ứng khác. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Lịch được tiến vào Hoàng Cung để cho Hoàng gia dùng. Lịch được phát cho các quan ở Kinh Thành, ở các địa phương và phân phát lại trong dân chúng sử dụng. Theo TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao Thừa Thiên Huế, ngày xưa, chuyện biên soạn và in ấn lịch không hề đơn giản. Thời Lê, việc biên soạn lịch được giao cho Tư Thiên giám nghiên cứu từ đầu năm, qua rà soát đối chiếu nhiều lần, đến đầu tháng 12 mới dâng lên nhà vua ngự lãm, được chuẩn y rồi mới tiến hành in ấn. Đến ngày 24/12 thì tiến hành lễ Tiến Lịch. Thời Nguyễn, việc biên soạn lịch được giao cho Khâm Thiên giám nghiên cứu, biên soạn ngày tháng sau Tết và được cả bộ Lễ và Nội các rà soát kỹ càng trước khi trình nhà vua chuẩn y. Khoảng tháng 5 tháng 6 thì lịch được in ấn, số lượng căn cứ theo nhu cầu của triều đình và các địa phương báo về. CTV Hoàng Hải/VOV.VN