XÃ HỘI Thứ Năm, 08:31, 25/02/2021 Hải Dương lắp đặt cây 'ATM gạo' miễn phí đầu tiên VOV.VN - Cây "ATM gạo" miễn phí đầu tiên ở Hải Dương được lắp đặt tại huyện Cẩm Giàng để trước mắt hỗ trợ cho những công nhân phải ở nhà trọ từ trước Tết. Chiều 24/2, các nhà tài trợ, nhà hảo tâm phối hợp cùng chính quyền huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) lắp đặt và đưa vào hoạt động cây “ATM gạo” miễn phí đầu tiên tại Hải Dương. Cây "ATM gạo" là thiết bị nhả gạo tự động, mỗi lần sẽ nhả 5kg gạo/túi. Anh Đỗ Chí Luận, đại diện chương trình Hạt gạo yêu thương cho biết, sau khi khảo sát, đơn vị quyết định sẽ đặt 6 cây ATM gạo tại Hải Dương. Người được nhận gạo từ cây ATM gạo lần này sẽ là các công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp của Hải Dương. Thời điểm Tết vừa qua, họ phải dừng việc làm lại không thể về quê nên gặp nhiều khó khăn. 10 tấn gạo cũng được doanh nghiệp ủng hộ huyện Cẩm Giàng nhằm chung tay hỗ trợ các công nhân chưa thể quay lại công ty làm việc và đang "mắc kẹt" giữa đại dịch COVID-19. Công nhân vui mừng xếp hàng nhận gạo miễn phí. Sau huyện Cẩm Giàng, "ATM gạo" miễn phí sẽ được lắp đặt tại TP Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách, Kim Thành. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tỉnh Hải Dương phong tỏa huyện Cẩm Giàng để thực hiện các biện pháp phòng dịch. Theo thống kê của huyện Cẩm Giàng, toàn huyện hiện có 11.118 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp đang thuê trọ tại đây. Trong điều kiện dịch bệnh, nhiều khu vực ở huyện Cẩm Giàng phải cách ly, phong tỏa, mỗi công nhân đang thuê trọ sẽ nhận 5kg gạo được nhả từ cây "ATM gạo" miễn phí tại ngay nơi mình thuê trọ. Phải đón Tết xa quê và hơn 20 ngày ở trong nhà trọ tại thôn Lê Xá (xã Cẩm Phúc, Cẩm Giàng, Hải Dương), chị Lý Thị Nhớ (quê huyện Vị Xuyên, Hà Giang) cho biết, khó khăn lớn nhất của chị cùng 2.700 công nhân khác đang thuê trọ ở thôn Lê Xá là vấn đề kinh tế. Mặc dù công ty chi trả 70% lương nhưng họ vẫn phải sống dè xẻn. "Khi nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, những công nhân xa quê như tôi rất vui mừng. Tôi chỉ mong dịch nhanh qua đi, chúng tôi được trở lại làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống", chị Nhớ nói. Nguyễn Huệ/VTC News