Quản lý chặt nguồn thu ngân sách

Ngoài ra, cần phân bổ ngân sách một cách hợp lý, đặc biệt là nên ưu tiên đầu tư cho những địa phương khó khăn, thường xuyên xảy ra lũ lụt…  

Chiều 28/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012.

Ngân sách Nhà nước phải được phân bổ một cách hợp lý

Trong phần thảo luận, đa số các đại biểu tập trung thảo luận vào việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) cho rằng: Việc quản lý ngân sách vẫn tồn tại sự yếu kém, đặc biệt là giảm ngân sách dành cho đầu tư công.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có trên 1.000 dự án với khoảng 2.445 tỷ đồng từ vốn trái phiếu ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ chưa phát huy hiệu quả. Vì vậy, cần thu hồi toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ cho các dự án khởi công không hiệu quả. Số tiền này nên chi vào mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, người nghèo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không công khai đúng việc nộp thuế thì cần phải rà soát, truy thu lại để nộp vào ngân sách Nhà nước.

Đóng góp ý kiến vào ngân sách của Nhà nước năm 2012, đại biểu Danh Út kiến nghị, Nhà nước nên tập trung vào một số lĩnh vực phát triển nông nghiệp-nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng miền khó khăn, chống dàn trải.

Ưu tiên đầu tư ngân sách cho nông nghiệp-nông thôn và vùng miền khó khăn

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, ngân sách Nhà nước nên đầu tư cho những vùng kinh tế trọng điểm, đang phát triển, chính sách tiền lương cho cán bộ, công nhân viên.

Đại biểu Nguyễn Công Bình (đoàn Yên Bái) kiến nghị: Nhà nước cần chú trọng đến tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó chú trọng đến cơ cấu chi ngân sách. Ngân sách Nhà nước nên quan tâm đến những vùng nông thôn mới và những vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và 62 huyện nghèo. Ngoài ra, cần tăng thêm mức dự phòng ngân sách cho những địa phương có mức thu ngân sách thấp, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt lên 5% tổng chi ngân sách để những nơi này thực hiện việc khắc phục thiên tai, dịch bệnh và thực hiện nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh.

Nhiều địa phương thu vượt ngân sách đề ra rất nhiều nhưng Nhà nước còn buông lỏng việc quản lý nên dễ xảy ra hiện tượng, địa phương dùng tiền thu đó làm gì, vào đâu thì ít khi đề cập đến.

Để bảo vệ nguồn ngân sách thu được từ các địa phương, đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) đề nghị, Nhà nước cần quản lý chặt việc thu thuế của các địa phương sao cho thu đúng, chi tiêu hiệu quả. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra các hoạt động thu thuế của các cơ quan thuế. Nếu cơ quan nào sai phạm trong nguyên tắc thu thuế thì phải xử phạt nghiêm.

Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các nguồn thu thuế từ các địa phương, Chính phủ cũng cần quản lý nguồn thu từ hoạt động cho thuê đất đai vì nếu không quản lý tốt nguồn thu này sẽ dẫn đến thất thoát ngân sách rất lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên