Shangri-La “Thiên đường nơi hạ giới”

VOV.VN - Bitahai trong tiếng Tạng có nghĩa là vùng đất mềm mại như suối tóc của cô gái đang độ xuân thì. Du ngoạn Bitahai, du khách ngỡ lạc vào tiên cảnh.

Lạc vào tiên cảnh Bitahai

Phần vì công việc bận bịu, phần vì thủ tục nên mãi đến chuyến công tác gần đây, Sở Ngoại vụ Vân Nam mới thu xếp được cho chúng tôi thoả lòng mong ước khám phá vùng đất huyền bí này.

Sau hai chặng bay từ Kôn Minh (thủ phủ của Vân Nam), mất khoảng 5 tiếng, chúng tôi mới đến được sân bay Shangri-La. Việc đầu tiên là phải đi sắm ngay áo khoác để chống lại cái lạnh như xuyên thấu da thịt.

Trên đường từ sân bay về khách sạn, anh Thư (tên đầy đủ là Thư Cương), cán bộ Phòng công tác báo chí, Sở Ngoại vụ Vân Nam phát cho chúng tôi mỗi người một bình ô-xy nhỏ để tránh những biểu hiện tức ngực, chóng mặt, khó thở do thiếu dưỡng khí. Đã khá quen nơi đây, anh đảm nhiệm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch.

Tùng Tán Lâm Tự - ngôi chùa của Phật giáo Tây Tạng, hay còn gọi là Lạt-ma giáo, lớn nhất ở Shangri-La. 
Sáng hôm sau, ăn sáng xong, xe đưa chúng tôi đến khu bảo tồn thiên nhiên Bitahai, cách thành phố Shangri-La khoảng 30km. Đây là một công viên tự nhiên rất lớn, nếu muốn thăm hết thì phải đi bộ mất 3 ngày. Hồ Bihatai được bao bọc bởi những dãy núi tuyết, những khu rừng tự nhiên, những đồng cỏ xanh mướt, nước hồ trong suốt như pha lê.

Hai bên đường thỉnh thoảng lại bắt gặp những chú bò có bộ lông dài, còn gọi là bò Tây Tạng (loài bò chỉ có ở vùng núi cao ở Vân Nam hoặc Tây Tạng) đang nhởn nhơ gặm cỏ. Nghe nói trong số cỏ ở đây có cả nấm “đông trùng hạ thảo” nên thịt bò lông dài có giá trị dinh dưỡng cao và cũng rất... đắt.

Kết thúc chương trình tham quan Bitahai vào khoảng 4 giờ chiều, khi lên xe quay về thành phố, chúng tôi đề nghị ngày hôm sau được đến thăm một tu viện của Lạt-ma giáo để tìm hiểu thêm về văn hoá nơi đây. Anh Thư có vẻ hơi bất ngờ và lúng túng. Anh hứa sẽ trả lời chúng tôi vào buổi tối vì việc này nằm ngoài quyền hạn của anh nên cần xin phép cấp trên cũng như liên hệ với một số cơ quan của địa phương.

Đến bữa tối, anh Thư vui vẻ thông báo với chúng tôi, cấp trên của anh đã đồng ý, ngoài ra, còn bố trí cho chúng tôi đến thăm một gia đình người Tạng để tìm hiểu văn hoá cũng như những sinh hoạt thường nhật của người Tạng nơi đây.

Một thoáng Shangri-La

Sáng hôm sau có thêm một chị được anh Thư giới thiệu là cán bộ của Phòng Văn hoá thành phố đưa chúng tôi đến thăm Tùng Tán Lâm Tự - ngôi chùa của Phật giáo Tây Tạng, hay còn gọi là Lạt-ma giáo, lớn nhất ở Shangri-La. Theo giới thiệu của Lạt-ma trụ trì, Tùng Tán Lâm Tự được xây dựng từ năm 1679, mô phỏng theo lối kiến trúc của cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng.

Đây là công trình kiến trúc lớn nhất, tiêu biểu nhất cho văn hoá Tạng ở vùng Vân Nam và Tứ Xuyên. Nơi đây còn lưu giữ nhiều tài liệu, kinh sách quý và là một trong những viện bảo tàng văn hoá nghệ thuật Tạng lớn nhất ở Trung Quốc.

Lạt- ma trụ trì cho biết: “Tùng Tán Lâm Tự có một gác chuông lớn, cứ đến chính Ngọ (12h trưa) sẽ thỉnh chuông, tiếng chuông này có thể ngân xa hơn 10km”. Ngoài việc tu luyện, tu bổ cho Tùng Tán Lâm Tự, Lạt-ma trụ trì còn tích cực tham gia xây dựng các ngôi trường để con em của người dân sống trong khu vực được đến lớp...

Thịt lợn gác bếp của người Tạng.
Khu làng của người Tạng nằm ở vùng thảo nguyên rộng lớn, bằng phẳng. Người Tạng ở trong những ngôi nhà mái bằng, một tầng, hai tầng to lớn, được xây dựng bằng hỗn hợp gồm đá, xi măng, gỗ và đất. Tường nhà hơi dốc về bên trong tạo thế vững chắc để chống lại những trận động đất thường xảy ra ở vùng núi. Những ngôi nhà này được thiết kế theo lối kiến trúc tam hợp viện, ở giữa là khu nhà ở, hai bên là bếp và kho, trước mặt là cổng.

Những ngôi nhà có nhiều cửa sổ để lấy ánh sáng mặt trời, bên ngoài sơn màu trắng và được trang trí nhiều màu sắc đẹp mắt ở bên trong. Đặc biệt, trước cửa nhà nào cũng thấy đỗ từ 1 đến 2 chiếc ô tô đời mới, đắt tiền, cho thấy mức sống của người dân nơi đây.

Gia đình chúng tôi đến thăm là người quen của anh Thư. Do hẹn trước, từ xa đã nhìn thấy chủ nhà đứng đón chúng tôi trước cổng với nụ cười tươi mến khách. Theo lời giới thiệu của gia chủ, người Tạng có thói quen các thế hệ trong gia đình sống quây quần, gần gũi và chăm sóc nhau.

Khu nhà ở được ngăn làm nhiều gian, gian chính giữa làm phòng khách và nơi sinh hoạt chung của đại gia đình, các phòng ngủ được bố trí ở hai bên. Khu bếp và dãy nhà kho được bố trí ở phía ngoài. Trong nhà chính, dành riêng một gian trang trọng nhất để thờ Phật.

Chị chủ nhà cho biết, hiện nay người Tạng không còn chăn thả gia súc trong khuôn viên khu nhà ở nữa mà thả bên ngoài. Người Tạng có thói quen ăn thịt lợn nên nhà nào cũng có thịt lợn khô treo gác bếp. Những miếng thịt sống sau khi được ướp muối gói lại khoảng 3 ngày thì lấy ra đem treo ở gác bếp để ăn dần.

Trong nhà người Tạng thường có một bếp củi đặt ở giữa nhà vừa để giữ lửa, vừa để đun nước nóng pha trà hoặc dùng cho sinh hoạt khác trong ngày. Trong nhà bao giờ cũng có một thùng nước theo quan niệm để may mắn.

Chúng tôi vui vẻ ở lại dùng bữa trưa cùng gia đình chủ nhà. Các món ăn của người Tạng phản ánh một di sản phong phú của ẩm thực tôn giáo và sự thích ứng của người dân với điều kiện sống.

Ngoài những món chế biến từ thịt lợn gác bếp, thịt bò, thịt cừu, còn có 3 món khác mà chủ nhà cho biết bắt buộc phải có trong bữa ăn là trà sữa, sữa bơ pho-mát và món tsampa. Tsampa là thứ bột xay từ một loại hạt lúa mạch tên là “qingke”, chỉ có ở vùng cao nguyên Thanh Tạng, đây là lương thực chủ yếu của người Tạng và đang trở thành loại thực phẩm được giới nhà giàu ở Trung Quốc ưa chuộng do tốt cho sức khỏe. Điều đặc biệt là do tục thuỷ táng nên người Tạng không bao giờ ăn cá.

Tạm biệt gia chủ, trên đường ra sân bay, chúng tôi ghé thăm nhà máy sản xuất bia làm từ nguyên liệu là hạt “qing ke” và thăm xưởng chế biến nấm tự nhiên xuất khẩu. Hoạt động này đem lại nguồn thu chủ yếu cho người dân nơi đây.

Anh Thư cho biết, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Vân Nam và người dân địa phương là khuyến khích phát triển công nghiệp nhưng phải là những ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và có liên hệ mật thiết đến công việc, cuộc sống thường nhật của người dân Shangri-La.

Shangri-La là thành phố nhỏ, thủ phủ của châu tự trị dân tộc Tạng Địch Khách. Đây là một vùng thung lũng nằm ở độ cao 3.450m so với mực nước biển, quanh năm tuyết phủ hoặc giá lạnh. Với vị trí địa lý, phong cảnh tự nhiên cùng nền văn hoá đậm đà bản sắc, nơi đây được mệnh danh là “thiên đường dưới hạ giới”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dạo quanh các thiên đường ẩm thực đường phố ở châu Á
Dạo quanh các thiên đường ẩm thực đường phố ở châu Á

VOV.VN - Ẩm thực là một trong những điều tuyệt vời nhất nên trải nghiệm ở châu Á. Vì thế, bạn không nên bỏ qua những điểm đến nổi tiếng này.

Dạo quanh các thiên đường ẩm thực đường phố ở châu Á

Dạo quanh các thiên đường ẩm thực đường phố ở châu Á

VOV.VN - Ẩm thực là một trong những điều tuyệt vời nhất nên trải nghiệm ở châu Á. Vì thế, bạn không nên bỏ qua những điểm đến nổi tiếng này.

Đại công trường nơi thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo
Đại công trường nơi thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo

VOV.VN - Tam Đảo đang thay đổi từng ngày và trở thành một "đại công trường" xây dựng vào thời điểm này.

Đại công trường nơi thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo

Đại công trường nơi thiên đường nghỉ dưỡng Tam Đảo

VOV.VN - Tam Đảo đang thay đổi từng ngày và trở thành một "đại công trường" xây dựng vào thời điểm này.