Cấy lông mi làm hại mắt

Các chuyên gia cảnh báo, thuốc uốn, nhuộm, keo nối mi nếu bị rơi vào trong, mắt sẽ bị viêm kết mạc, viêm mắt, viêm bờ mi, mắt tấy đỏ...
 

Mi mắt trụi lủi vì nối mi

Thấy nhiều người cấy lông mi đẹp nên chị Nguyễn Tú Anh (42 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) quyết tâm “giắt” vài triệu đồng trong túi, tìm đến cửa hàng trang điểm để cấy mi, chuẩn bị cho chuyến du lịch cùng bạn bè. Đôi mắt chị hơi nhỏ, lông mi lại ngắn nhưng sau gần một tiếng đồng hồ làm đẹp, chị đã có một bờ mi cong vút, quyến rũ. Tuy nhiên, chuyến du lịch chưa kịp diễn ra, đôi mắt chị bỗng nhiên sưng húp, cảm giác cay xè không chịu nổi, phải vào viện xử lý.

Việc nối mi giả sẽ làm mi mắt nặng hơn, chân mi thật sẽ bị yếu, gây ra tình trạng rụng lông mi thật.
Chị Minh Nguyệt (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cảm thấy không tự tin vì đôi bờ mi trụi lủi do hậu quả của việc chị đi cấy mi trước đó. Chị Nguyệt cho hay, thấy nhiều người nối mi rất đẹp nên đã bỏ ra một khoản tiền không ít để cải thiện đôi mắt. Ban đầu, chị hãnh diện vì thấy “cửa sổ tâm hồn” rất “lung linh, kiều diễm”! Tuy nhiên gần hai tuần sau, chị có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu ở đôi mắt. Mỗi khi rửa mặt, chị không dám đụng vào vùng lông mi. Vài ngày sau, mắt thì ngứa ngáy do không vệ sinh đúng cách, còn hàng lông mi mới cấy thì rụng dần. Tai hại hơn, hàng lông mi thật cũng “biến mất không để lại dấu vết”.

Chị Liên Hương (35 tuổi ở phố Minh Khai, Hà Nội) trong một lần đi gội đầu đã được cô thợ tư vấn cấy lông mi để có hàng mi cong, dày mà giá lại rẻ. Chị chặc lưỡi, nằm để cô thợ gội đầu cấy lông mi. Cấy xong, chị được tư vấn là không được làm ướt mi, thậm chí chống chỉ định với cả… khóc. Nhưng trong quá trình sinh hoạt, tắm gội không thể giữ được. Sau một lần làm ướt mi, chị thấy mắt cay xè, sưng tấy vô cùng khó chịu. Bác sĩ khám và kết luận: Chị đã bị viêm bờ mi.

Nên tìm đến những địa chỉ an toàn

Theo các chuyên gia y tế, nối mi là một dạng tiểu phẫu, kỹ thuật này được thực hiện bằng cách nối một sợi mi từ bên ngoài vào chính sợi mi thật. Việc nối mi được thực hiện trực tiếp trên lông mi bằng chất liệu kết dính, có thể kéo dài trong khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, chất liệu kết dính này có chứa chất kích thích, nếu lạm dụng sẽ gây hại cho đôi mắt. Nếu lặp đi lặp lại việc nối dài mi sẽ gây ra bệnh rụng mi (rụng cả mi thật). Điều này dẫn đến tổn thương các nang lông, đồng thời làm chậm, thậm chí khiến quá trình phát triển lông mi bị ngưng trệ.

Do yêu cầu của việc nối mi là phải dùng keo chuyên dụng nên khoảng 24 giờ sau, vùng mi được nối mới hoàn toàn khô hẳn. Nếu chủ nhân lỡ tay dụi mắt, keo dính vào niêm mạc sẽ gây nguy hiểm, nhiều trường hợp gây sưng, viêm nặng vùng mắt. Có trường hợp khi những sợi mi nối bị khô, chết và rụng đi, kéo theo cả những sợi mi thật cũng rụng theo, làm cho mắt mất đi lớp mi bảo vệ tự nhiên.

Bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, thời gian gần đây, bệnh viện điều trị cho nhiều trường hợp bị tai nạn sau khi dán, cấy mi giả, có người khi đến bệnh viện thì hàng mi thật đã rụng hết!

Theo bác sĩ Hoàng Cương, việc cấy, dán mi khá đơn giản, nhưng vấn đề quan trọng là keo sử dụng phải là sản phẩm sinh học, an toàn cho người sử dụng. Nếu dùng keo “dởm”, sẽ tích tụ bụi bẩn, giúp vi sinh vật gây bệnh phát triển, gây kích ứng cho mắt. “Trong các thủ thuật, kể cả đơn giản nhất cũng cần phải tuân thủ vấn đề vệ sinh vô trùng, tránh nhiễm khuẩn. Nếu trong quá trình nối mi, các dụng cụ không đảm bảo có thể gây nhiễm độc nang lông, mất chất bóng của lông mi khiến lông mi thật không phát triển được. Nhẹ thì gây rụng lông mi nhất thời, nặng hơn có thể nhiễm thêm các bệnh thường có trên vùng mi, làm rối loạn chức năng tuyến lệ…”, bác sĩ Cương nói.

Các bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo, lông mi không chỉ có tác dụng thẩm mỹ mà còn giúp bảo vệ mắt, chắn gió, bụi, ngăn cản mồ hôi. Chân lông mi tiết nhiều lipid để bôi trơn vùng mi, tránh thấm nước. Sau khi nối, mi mắt sẽ có cảm giác nặng hơn, khó chịu khi nhắm, mở mắt vì mi thật phải “cõng” thêm hàng mi nối. Không những thế, nếu không gìn giữ khi tắm gội, nước dễ chảy thẳng vào mắt vì mi giả không tránh thấm nước được.

“Tốt nhất chị em hãy để lông mi của mình một cách tự nhiên. Đừng quá lạm dụng việc làm đẹp mà quên lo cho đôi mắt. Trong những dịp đặc biệt, có thể nối mi nhưng chị em cần tìm đến những địa chỉ tin cậy, đảm bảo an toàn nhất cho chính mình”, bác sĩ Cương nói.

Về nguyên tắc, mỹ phẩm nhập khẩu phải được sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, nhưng hiện nay có rất nhiều hàng nhập lậu. Chính việc không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như chất lượng của sản phẩm nên những loại thuốc như uốn, nhuộm, nối  lông mi, lông mày sẽ rất dễ gây nguy hiểm cho người sử dụng. Không những vậy, lạm dụng quá sẽ khiến thuốc nhuộm, keo dễ dính vào mắt, gây dị ứng.

Các chuyên gia cảnh báo, thuốc uốn, nhuộm, keo nối mi nếu bị rơi vào trong, mắt sẽ bị viêm kết mạc, viêm mắt, viêm bờ mi, mắt tấy đỏ, chảy nước mắt liên tục, nóng rát mắt... Thậm chí với những người có cơ địa quá mẫn cảm, có thể bị dị ứng toàn bộ vùng da xung quanh mắt, nổi mụn nước hoặc mụn có mủ, gây buồn nôn, hoặc nổi mẩn đỏ toàn thân, gây sốt, mắt có thể bị giảm thị lực trầm trọng, thậm chí dẫn đến mù hoàn toàn./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tôn vinh gia đình người hiến tặng giác mạc
Tôn vinh gia đình người hiến tặng giác mạc

(VOV) -17 gia đình người hiến tặng giác mạc tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình được tôn vinh trong dịp này.

Tôn vinh gia đình người hiến tặng giác mạc

Tôn vinh gia đình người hiến tặng giác mạc

(VOV) -17 gia đình người hiến tặng giác mạc tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình được tôn vinh trong dịp này.

Bảo vệ mắt khi sử dụng máy tính, Ipad và smartphone
Bảo vệ mắt khi sử dụng máy tính, Ipad và smartphone

VOV.VN - TS BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích khi ngồi máy tính…

Bảo vệ mắt khi sử dụng máy tính, Ipad và smartphone

Bảo vệ mắt khi sử dụng máy tính, Ipad và smartphone

VOV.VN - TS BS Phạm Ngọc Đông, Trưởng khoa Kết giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương sẽ đưa ra lời khuyên hữu ích khi ngồi máy tính…

Hiến tặng giác mạc – ánh sáng cho người mù
Hiến tặng giác mạc – ánh sáng cho người mù

Hiện nay cả nước có khoảng 300.000 người mù vì hỏng giác mạc. Mỗi năm số này lại tăng thêm 15.000 người.

Hiến tặng giác mạc – ánh sáng cho người mù

Hiến tặng giác mạc – ánh sáng cho người mù

Hiện nay cả nước có khoảng 300.000 người mù vì hỏng giác mạc. Mỗi năm số này lại tăng thêm 15.000 người.

Cả nước có gần 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc
Cả nước có gần 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc

VOV.VN - Trong đó, Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã thu nhận được 461 giác mạc của 235 người hiến sau khi qua đời từ 14 tỉnh, thành.

Cả nước có gần 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc

Cả nước có gần 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc

VOV.VN - Trong đó, Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã thu nhận được 461 giác mạc của 235 người hiến sau khi qua đời từ 14 tỉnh, thành.