Bài học nào từ chiến lược an ninh năng lượng thế giới?

Thế kỷ XXI được coi là thời điểm nguy cơ cạn kiệt dầu mỏ, khí đốt đã cận kề  

Theo dự báo của các chuyên gia dầu khí quốc tế, đến năm 2020 thế giới sẽ tiêu thụ khoảng 280 triệu thùng dầu/ngày. Trong khi đó, lượng phát hiện mới lại thấp hơn so với lượng khai thác hàng năm. Trên thế giới, châu Á - Thái Bình Dương là nơi tiêu thụ nhiều năng lượng nhất và phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu năng lượng từ các khu vực khác, nhất là Trung Đông và châu Phi.

Theo dự báo đến năm 2030, việc nhập khẩu năng lượng của các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines… sẽ tăng mạnh, trong đó Trung Quốc tăng khoảng 58%, Ấn Độ tăng 62%... Thậm chí, một số nước hiện nay đang xuất khẩu đến thời điểm đó cũng phải nhập khẩu năng lượng. Vì thế, nhiều quốc gia, nhất là các nước lớn, các nước phát triển đã xây dựng chiến lược năng lượng cho mình để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế bền vững cho vài thập kỷ tới. 

Mỹ: Thâm nhập Trung Đông

Mỹ là quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới và nhập khẩu với số lượng lớn chiếm 58% nhu cầu về dầu khí. Ngay đầu thế kỷ XX, Mỹ đã đưa ra chiến lược mới về "An ninh năng lượng", chuyển từ sản xuất, xuất khẩu sang tăng cường nhập khẩu dầu mỏ.

Mỹ coi vùng Vịnh như một thị trường năng lượng riêng có của mình. Trước hết là tìm cách mở thị trường Iraq với quyền được ưu tiên khai thác thuộc về Mỹ, sau đó làm cho nước này phải cạnh tranh với vốn và công nghệ của các hãng đa quốc gia, nhất là các công ty Mỹ nhằm buộc Iraq phụ thuộc vào công nghệ Mỹ. Với mong muốn đó, Mỹ hy vọng làm giảm ảnh hưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong việc áp đặt giá dầu qua thị phần nhập khẩu, hạn chế quyền của các nước vùng Vịnh trên thị trường nhiên liệu, cho phép Mỹ “thâm nhập vào thị trường dầu mỏ Trung Đông và phần còn lại của thế giới”.

Nhiệm vụ chiến lược đầu tiên của Mỹ là định hướng lại các tuyến đường ống dẫn dầu và gas từ các nước cộng hoà Xô viết cũ bằng các tuyến đường ống mới đi vòng qua Nga nhằm cô lập Nga với EU. Ngày 25/3/2007 dự án “Hành lang Đông-Tây” của Mỹ qua Bacu, Tbilisi và Sayhan đã đưa vào sử dụng.

Đầu năm 2007, Mỹ và Turkmenistan đã ráo riết bàn thảo cùng xây dựng tuyến đường ống dẫn gas xuyên biển Caspi. Dự án này có công suất vận chuyển 30 tỷ m3/năm và chi phí khoảng gần 4 tỷ USD.

Mỹ đã tìm cách tác động vào mối quan hệ qua lại cũng như lợi ích của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một điểm trung chuyển dầu khí từ Trung Đông và Trung Á đến châu Âu không qua Nga.

Nga: Sản lượng dầu mỏ đạt hơn 530 triệu tấn vào 2020

Nga là một quốc gia luôn chú trọng và đẩy mạnh thực hiện chiến lược an ninh năng lượng nhằm đảm bảo vị thế số một của mình trong lĩnh vực này tại châu Âu đồng thời phá vỡ ý đồ bao vây, kiềm chế của Mỹ và phương Tây. Ngày 27/11/2010, Báo cáo chiến lược năng lượng của Nga cho biết, trong giai đoạn từ 2009- 2030, Nga sẽ đầu tư khoảng 600 tỷ USD cho lĩnh vực dầu mỏ. Chiến lược năng lượng được chia thành 3 giai đoạn, đến năm 2030 sản lượng dầu mỏ của Nga sẽ tăng 10%, đạt hơn 530 triệu tấn.

Xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu xuyên Balcan nằm trong khuôn khổ “Dự án Burgad - Alecsandrepolit”, có tổng chiều dài 280 km chạy từ cảng Burgad của Bulgaria ở Biển Đen đến cảng Alecsandrepolit trên biển Aegeal của Hy Lạp. Trong dự án này, các công ty nhà nước Nga sẽ nắm giữ 51% cổ phần, Bulgaria và Hy Lạp giữ mỗi bên 24,5%. Việc triển khai dự án này với sự ủng hộ của EU đã giúp Nga phá vỡ ý đồ thành lập một vành đai cô lập Nga tại khu vực Biển Đen.

Dự án Mở rộng hệ thống đường dẫn khí đốt dưới biển Nga- Thổ Nhĩ Kỳ được xây dựng nhằm vận chuyển khí đốt của Nga tới Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Balcan và cuối cùng là Bulgaria. Nga cũng dự định sẽ mở rộng mạng lưới đường ống dẫn dầu từ cảng Konstansa/Romania đến Triette/Italy, chủ yếu chạy trên lãnh thổ Serbia và Bosnia Hezgovina, chỉ có 80 km chạy qua lãnh thổ Croatia, đồng minh của Mỹ.

Nga chủ trương giành lại thế độc quyền trong việc kiểm soát toàn bộ lượng khí đốt xuất khẩu từ Trung Á sang châu Âu. Theo đó, Nga đã thuyết phục được Kazakhstan và Turkmenistan từ chối 2 dự án trung chuyển dầu khí qua biển Caspi mà Mỹ và phương Tây tích cực hỗ trợ. Kazakhstan và Turkmenistan cũng đã đồng ý tham gia vào “Liên minh xuất khẩu” khí đốt do Nga chịu trách nhiệm trung chuyển xuất khẩu sang phương Tây.

Gia tăng ảnh hưởng đối với những quốc gia cung cấp năng lượng: Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là một tổ chức khu vực trong đó tập trung những quốc gia giữ vai trò quan trọng về việc cung cấp năng lượng cho châu Âu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Nga, bởi lẽ, trong khi Nga đang là nhà cung cấp chính về năng lượng cho EU, thì không thể không liên kết với các quốc gia này.

Vì thế, Nga đã thông qua các nước trong tổ chức SCO để triển khai chiến lược năng lượng của mình bằng cách đưa ra sáng kiến thành lập Câu lạc bộ năng lượng trong khuôn khổ SCO. Mục đích chủ yếu của Câu lạc bộ năng lượng là tăng cường sự hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời xác định các hướng ưu tiên trong việc triển khai chính sách năng lượng của các nước SCO.

Trung Quốc: Tăng cường nguồn dầu mỏ dự trữ chiến lược

Trung Quốc là một quốc gia có trên 1,3 tỷ dân, tiêu hao năng lượng đứng thứ 2 thế giới, có tốc độ phát triển kinh tế tương đối nhanh, bình quân trên 10%/năm, việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước đang trở thành vấn đề cấp bách đối với Trung Quốc. Cho đến nay, lượng tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc khoảng 450 - 610 triệu tấn, nhưng lượng cung ứng trong nước chỉ chiếm khoảng 180 - 200 triệu tấn, thiếu khoảng 270 - 410 triệu tấn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững, Trung Quốc đã xây dựng chiến lược an ninh năng lượng cho mìmh.

Ngay từ năm 1993, Trung Quốc đã thông qua kế hoạch dự trữ dầu khí chiến lược. Tổng chi phí cho kế hoạch này lên đến 100 tỷ NDT, thời gian thực hiện được chia làm nhiều giai đoạn. Bảo đảm cho Trung Quốc có lượng dầu khí đủ khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của đất nước trong 10 - 30 ngày. Đến năm 2020 có mức dự trữ với thời gian 90 ngày.

Sản lượng của giếng dầu Đại Khánh đang cạn dần, Tân Cương dần trở thành căn cứ dầu mỏ lớn thứ ba của Trung Quốc chiếm 30% - 40% tổng trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên của Trung Quốc. Tháng 5/2007, Tập đoàn khí tự nhiên và dầu mỏ Trung Quốc đã phát hiện giếng dầu Nam Bảo với trữ lượng hơn 1 tỷ tấn ở Thành phố Đường Sơn thuộc tỉnh Hà Bắc, đây là phát hiện lớn nhất trong việc thăm dò dầu mỏ ở Trung Quốc trong 40 năm lại đây, theo dự tính sản lượng hàng năm của mỏ này sẽ vượt 10 triệu tấn.

Trung Quốc còn thực hiện quan điểm phát triển khoa học - công nghệ, tăng cường bảo vệ môi trường; thúc đẩy việc khai thác và sử dụng năng lượng tái sinh, phi hoá thạch, năng lượng hạt nhân; và động viên tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hợp lý, hiệu quả.

Hiện nay, khoảng 30% tổng lượng dầu mỏ Trung Quốc nhập khẩu từ châu Phi. Trung Quốc cũng đã mở rộng thị trường dầu mỏ đến Trung Quốc và Mỹ Latin bằng cách mua lại các công ty năng lượng của Anh, Canada. Tháng 9/2009 Trung Quốc còn ký 4 thoả thuận với Saudi Arabia về khai thác dầu mỏ và khí đốt.

Nga hiện thời là nhà cung cấp dầu mỏ lớn thứ 5 của Trung Quốc. Ngày 17/2/2009 Nga – Trung đã ký thoả thuận hợp tác về năng lượng với giá kỷ lục lên đến 25 tỷ USD, với việc Nga đảm bảo cung cấp dầu mỏ trong vòng 20 năm tới. Trung Quốc – Brazil còn ký các hiệp định “đổi dầu lấy các khoản vay”

Năm 2011, Trung Quốc sẽ nhập khẩu 17 tỷ m3 khí tự nhiên từ các nước Trung Á qua dự án đường ống dẫn khí nối các vùng có trữ lượng khí đốt lớn trong khu vực Caspi với Trung Quốc. Đây là đường ống chạy dài khoảng 10.000 km từ Turkmenistan qua Uzbekistan, Kazakhstan và kết thúc tại khu vực Tây Bắc vùng Tân Cương. Giới phân tích cho rằng, các nước Trung Á đóng vai trò quan trọng trong chiến lược năng lượng hải ngoại của Trung Quốc.

Như vậy, điểm qua chiến lược năng lượng của một số nước cho thấy, các nước lớn đã đặc biệt coi trọng an ninh năng lượng cho thế kỷ XXI, thế kỷ được coi là nguy cơ cạn kiệt dầu mỏ, khí đốt đã cận kề. Bằng tiềm năng, sức mạnh và vị thế của mình mỗi nước đều đưa ra những chiến lược năng lượng khác nhau phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc của họ. Tuy nhiên, điểm nổi bật trong chiến lược năng lượng của các nước lớn là tham gia cuộc cạnh tranh - đấu tranh quyết liệt trên thương trường dầu mỏ, khí đốt cả về mặt địa chiến lược và các tuyến hành lang vận chuyển.

Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, nhu cầu sử dụng năng lượng rất lớn, là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp khai thác dầu khí thuộc loại trung bình trên thế giới. Vì thế, việc nghiên cứu, tìm hiểu chiến lược năng lượng của các nước nói chung và các nước lớn nói riêng là hết sức cần thiết trong quá trình xây dựng và và hoàn thiện chiến lược năng lượng quốc gia góp phần bảo bảm cho nền kinh tế nước ta phát triển cân bằng, nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên