Ra mắt tiểu thuyết "Cánh chim kiêu hãnh" của Đỗ Bích Thúy

VOV.VN - Đỗ Bích Thúy được biết đến qua những tác phẩm về đặc sắc văn hóa Hà Giang nhưng đây là cuốn sách đầu tiên của chị về lịch sử

Buổi ra mắt tiểu thuyết "Cánh chim kiêu hãnh"của nữ nhà văn Quân đội Đỗ Bích Thúy vừa diễn ra tại Hà Nội chiều 21/10. Sách do NXB Quân đội nhân dân xuất bản tháng 10/2013, là cuốn tiểu thuyết thứ 2 và là cuốn sách thứ 13 của chị.

Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết là những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp ở vùng núi cao Hà Giang. Mai, nhân vật chính, một cô gái dân tộc Tày, vất vả từ nhỏ vì phải bị gán nợ làm tôi tớ cho nhà lý trưởng. Thế rồi, Mai được Chúng, một thanh niên nghèo yêu thương, đổi cả đàn gia súc để chuộc cô về làm vợ.

Chồng đi theo Việt Minh, bị giặc giết. Mai gửi con nhỏ cho mẹ già, tiếp bước anh, tham gia làm Cách mạng, cùng những đồng đội của chồng vào sinh ra tử. Cuối cùng, cô cũng hy sinh. Cận kề cái chết, cô thấy mình đã hoá thành một con đại bàng, với sải cánh dài, liệng trên bầu trời cao, một con đại bàng kiêu hãnh và không hề sợ hãi.

Câu chuyện hấp dẫn người đọc ngay từ những dòng đầu tiên bởi giọng văn dung dị mà sinh động, lối kể chuyện gãy gọn, không rườm rà. Văn của Đỗ Bích Thúy dễ đọc. Trong sáng, giản dị, giàu xúc cảm. Miêu tả thiên nhiên và đời sống văn hóa bản địa một cách hấp dẫn vốn là thế mạnh của chị.

Mối tình của Mai và Chúng, với người thứ ba âm thầm đi bên cạnh là Sinh, thật cảm động. Cùng cảnh khổ, rồi sau đó lại là đồng chí, họ thương yêu nhau bằng tình yêu rộng lượng và rất con người. Chuyện tình của họ tạo nên sức hấp dẫn của câu chuyện.

Phần kết rất buồn khi nhân vật chính, người đã phải chịu biết bao khổ ải, chông gai rồi một ngày kia cũng ngã xuống trước họng súng của quân thù. Nhưng đó là cái kết  không bi lụy, khi cô ấy là cánh chim kiêu hãnh, biết mình sống và chết cho điều gì.

“Cuốn này, tôi viết vì tôi cảm thấy không thể không viết”… Đỗ Bích Thúy nói về cuốn tiểu thuyết mới. “Từ khi cầm bút đến nay tôi hầu như viết về một Hà Giang với những đặc sắc về văn hóa, chưa đề cập đến lịch sử, đặc biệt là giai đoạn chống Pháp, chống Nhật, tiễu phỉ.... Đây là một giai đoạn rất quan trọng trong lịch sử của Hà Giang. Nếu bỏ qua nó, thì tức là tôi mới chỉ lướt đi được trên bề mặt của dòng sông mà bỏ qua những gập ghềnh dưới đáy sông. Đó chính là lý do mà tôi buộc phải viết về nó”.


Nhà văn Đỗ Bích Thúy. Chị hiện là Phó TBT Tạp chí Văn nghệ Quân đội (ảnh: Lê Ngọc Oanh)

Cuốn sách được chị viết cách đây hơn 2 năm. “Viết xong rồi lại để đấy vì cảm thấy cái sự thật lịch sử đã chi phối văn chương của mình khiến nó rất khô cứng. Mãi gần đây mới lôi ra làm lại, viết lại. Việc viết lại một cuốn sách giống như dỡ một cái áo len cũ ra để đan lại từ đầu vậy, rất công phu…”

Đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên của Đỗ Bích Thúy. Khó khăn nhất ở chỗ không còn một nhân chứng nào, dấu tích cũng mai một theo thời gian, chỉ còn tư liệu. Bị tư liệu chi phối quá mạnh mẽ, chị đã đến mức phải gần như bỏ đi bản thảo lần đầu. Tuy vậy, Thúy cho rằng, cũng có cái thuận lợi là vì lịch sử đã lùi quá xa, trí tưởng tượng của người viết được "tung hoành" thoải mái hơn.

Cuối cùng thì chị cũng hoàn thành tâm nguyện của mình, viết về vùng núi cao Hà Giang ở một khía cạnh khác.

Cuốn tiểu thuyết lịch sử làm sống lại một giai đoạn đấu tranh gian nan đầy thử thách và những mất mát hy sinh của đồng bào vùng núi cao Hà Giang trong cuộc kháng chiến giành độc lập của toàn dân.

* "Tiểu thuyết Đỗ Bích Thúy trên nền tảng "cái đi qua của lịch sử", dựng nên câu chuyện như thế, với khá nhiều nhân vật gần gũi với đời sống chưa xa, lại thổi vào đó không khí của một thời, trong lối dẫn những chi tiết mang đậm tính sắc tộc, văn hóa vùng miền, những nếp sinh hoạt, ăn ở, tâm lí và biểu hiện tâm lí khá lạ với độc giả quen thưởng thức văn hóa vùng xuôi và kết dẫn bằng hình tượng cái chết của Mai, trong cận kề cái chết là giấc mơ hóa thân thành loài chim đại bàng kiêu hãnh của một cô gái tưởng như giun dế, như chó ngựa ở thân phận tôi đòi". (nhà văn Nguyễn Văn Thọ).

* "Viết về lịch sử – cách mạng, như cách nhà văn Đỗ Bích Thúy đã thể hiện trong tiểu thuyết Cánh chim kiêu hãnh, cũng là một kinh nghiệm nghệ thuật cho các tác giả thuộc thế hệ “không biết gì” về quá khứ do sinh sau đẻ muộn". ( nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng)

* “Trong lúc nhiều nhà văn đang viết về đô thị hiện đại, thế hệ @, Internet, công nghệ thông tin… thì Đỗ Bích Thúy đã trở về nguồn, viết về vùng đất nơi cô được sinh ra, lớn lên, nhờ nó mà thành danh. Nhưng không chỉ thế, Thúy rất dũng cảm khi viết về thời kỳ kháng Nhật, kháng pháp của đồng bào trên đó. Tôi có cảm nhận rằng Đỗ Bích Thúy dù viết về vấn đề gì, vui hay buồn thì đều viết bằng giọng văn rất trong trẻo. Tôi mong muốn Thuý mãi giữ được mạch văn này, khiến cho người đọc thấy hướng đến cái thiện, đến cái đẹp…” (nhà văn Võ Thị Xuân Hà)

* "Đọc cuốn sách này, tôi thích chương cuối, khi nhân vật Mai chết. Một cái chết đẹp và bi hùng. Nó hoàn toàn không nặng nề.
... Đỗ Bích Thúy viết về chiến tranh, về lịch sử nhưng đọc sách ta vẫn thấy đây là câu chuyện về người đàn bà miền núi, số phận của họ trong thời đại ấy..." (nhà thơ Bình Nguyên Trang)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy
Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy

(VOV) -Buổi ra mắt sách ấn tượng với những tiết mục trình diễn văn xuôi

Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy

Ra mắt “Đàn bà đẹp” và “Đến độ hoa vàng” của Đỗ Bích Thúy

(VOV) -Buổi ra mắt sách ấn tượng với những tiết mục trình diễn văn xuôi