THỂ THAO Thứ Bảy, 08:00, 10/02/2024 Những biểu tượng rồng thú vị trong giới thể thao VOV.VN - Rồng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho những biệt danh, logo, thiết kế và cả những tên tuổi đội bóng trong làng thể thao trên khắp thế giới. ĐT Việt Nam thường được giới truyền thông quốc tế gọi là “Rồng vàng”. Tại AFF Cup 2020, linh vật của ĐT Việt Nam cũng là con rồng. Tuy nhiên, giới truyền thông trong nước thường sử dụng biệt danh “Chiến binh sao vàng” cho ĐT Việt Nam. (Ảnh: Reuters) HLV Park Hang Seo rất có duyên với đội bóng có biệt danh rồng. Trước khi dẫn dắt “Rồng vàng” ĐT Việt Nam, ông từng đưa Chunnam Dragons (nay là Jeonnam Dragons) trở thành á quân League Cup Hàn Quốc năm 2008. (Ảnh: Footy Headline) ĐT Trung Quốc có biểu tượng rồng trên logo và có biệt danh “Đội bóng của rồng”. Tại giải VĐQG Trung Quốc, CLB Changchun Yatai cũng sử dụng biểu tượng rồng trên logo. (Ảnh: Getty) ĐT Xứ Wales có biệt danh “Rồng lửa” và đã thực sự bay cao khi vào tới bán kết EURO 2016. Họ cũng giành vé tham dự VCK World Cup 2022 nhưng không thể vượt qua vòng bảng. (Ảnh: Getty) “Hang rồng” Dragao là một trong những sân vận động nổi tiếng nhất tại Bồ Đào Nha nói riêng và trên thế giới nói chung. Đây là nơi từng diễn ra trận chung kết Champions League 2021, chung kết Nations League 2019 và các trận đấu tại EURO 2004. (Ảnh: Getty) Sân vận động và nhà thi đấu Hoàng Long (rồng vàng) tại Hàng Châu là một trong những địa điểm thi đấu tại ASIAD 19. Trong quá khứ, sân vận động Hoàng Long từng là địa điểm thi đấu World Cup nữ 2007 và diễn ra trận bán kết giữa ĐT nữ Brazil gặp ĐT nữ Mỹ. (Ảnh: Getty) Goran Dragic là một trong những cầu thủ có biệt danh ngầu nhất làng bóng rổ. Cựu cầu thủ người Slovenia tiết lộ, nguồn gốc biệt danh xuất phát từ việc các đồng đội ở Mỹ rất khó phát âm “Dragic” nên đã đọc lái thành “Dragon” nghĩa là con rồng. (Ảnh: Getty) Israel Adesanya từng có biệt danh “hắc long” (rồng đen) khi khởi nghiệp thi đấu kick-boxing tại Trung Quốc. Nhưng khi nổi tiếng trên sàn đấu võ tự do UFC, thì Israel Adesanya lựa chọn biệt danh “The Last Stylebender”. (Ảnh: Getty) Chunichi Dragons là đội bóng chày từng 2 lần vô địch Nhật Bản vào năm 1954 và 2007. Đội bóng ở thành phố Nagoya được thành lập vào năm 1936 và bắt đầu gắn “rồng” vào tên gọi của mình từ năm 1947. (Ảnh: Getty) Danube Dragons đang là ĐKVĐ giải bóng bầu dục Áo. “Bầy rồng” này là một trong những đội bóng bầu dục đầu tiên tại Áo và đã 3 lần giành chức vô địch quốc gia vào các năm 2010, 2022, 2023. (Ảnh: Getty) Bên cạnh những biệt danh VĐV hay logo đội thể thao, biểu tượng rồng còn là nguồn cảm hứng cho các mẫu giày và trang phục thi đấu ấn tượng. (Ảnh: Footy Headline) PV/VOV.VN