THẾ GIỚI Cuộc sống Đó đây Thứ Sáu, 15:30, 04/02/2022 Những điều đáng kinh ngạc về Trái Đất có thể bạn chưa biết VOV.VN - Từ nơi nóng nhất, lạnh nhất cho tới điểm cao nhất, sâu nhất,… Trái Đất ẩn chứa những điều khiến chúng ta chưa bao giờ hết kinh ngạc. Điểm sâu nhất: Rãnh Mariana nằm ở phía đông Quần đảo Mariana và Philippine ở Tây Thái Bình Dương với điểm sâu nhất 10.994 m dưới mực nước biển. Nếu đặt đỉnh Everest vào đó, ngọn núi sẽ bị ngập sâu dưới mặt nước 2 km. Ở độ sâu đó, áp suất ở đáy rãnh là 1.086 bar (15.750 psi), gấp 1.000 lần áp suất khí quyển. Áp suất làm tăng mật độ của nước lên 4,96%, tức là tại đó, 100 lít nước sẽ chỉ đo được 95,27 lít. Nhiệt độ thấp nhất: Trạm Vostok được thành lập ngày 16/12/1957 bởi Đoàn thám hiểm Nam Cực thứ 2 của Liên Xô. Trước khi Vostok trở thành nơi có nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận, một số kỷ lục nhiệt độ thấp đã được thống kê. Năm 1957, tại Trạm Nam Cực Amundsen-Scott nhiệt độ đo được âm 73,6 °C và năm 1960 là âm 88,3 °C. Kỷ lục nhiệt độ thấp nhất là âm 89,2 °C được ghi lại tại Trạm Vostok ở Nam Cực ngày 21/7/1983. Sông Rio Tinto ở Tây Ban Nha có tính axit: Sông Rio Tinto thuộc vùng núi Sierra Morena đặc trưng bởi màu đỏ như máu và cam do sự kết hợp của nước mang tính axit, kim loại nặng và hàm lượng sắt cao, với độ pH từ 2-2,5. Con sông nằm trong Vành đai Pyrit Iberia, nơi có lượng lớn quặng và mỏ sunfua là địa điểm khai khoáng trong khoảng 5.000 năm. Rio Tinto dài khoảng 100 km duy trì màu đỏ suốt 50 km chiều dài của nó trước khi hòa trộn với các dòng chảy khác. Tia chớp dài nhất: Trước đây, người ta tin rằng sét không thể di chuyển xa hơn 32 km từ cơn bão hoặc kéo dài hơn một giây. Tuy nhiên, tia chớp xảy ra ở Oklahoma (Mỹ) ngày 20/6/2007 dài 321 km và kéo dài 5,7 giây, được Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên Hợp Quốc (WMO) ghi lại đã khiến Hiệp hội Khí tượng Mỹ khuyến nghị thay đổi định nghĩa về sét trong Thuật ngữ AMS về Khí tượng học từ “một loạt các quá trình điện diễn ra trong vòng 1 giây” thành “một loạt các quá trình điện diễn ra liên tục”. Điểm xa tâm Trái Đất nhất: Chimborazo là một ngọn núi lửa không hoạt động cao 6.384,4 km trên dãy Andes, cũng là ngọn núi cao nhất ở Ecuador. Đỉnh của nó được bao phủ hoàn toàn bởi các sông băng. Mặc dù đỉnh Everest cao hơn Chimborazo 2.585 m, đỉnh Chimborazo vẫn là điểm xa nhất từ trung tâm Trái Đất. Nam Cực là sa mạc lớn nhất thế giới: Sa mạc là nơi có lượng mưa nhỏ, không có thảm thực vật. Các sa mạc có thể nóng hoặc lạnh, và các vùng cực, nơi không có mưa, cũng là sa mạc và đôi khi được gọi là “sa mạc vùng cực” hoặc “sa mạc lạnh”. Một phần ba bề mặt Trái Đất được tạo thành từ các sa mạc và lớn nhất trong số đó là Nam Cực có diện tích 14,2 triệu km2 (với 98% là băng khối và 2% là đá cằn cỗi), thứ hai là Bắc Cực và thứ ba là Sahara. Nhiệt độ nóng nhất: Theo điều tra dân số năm 2010, Furnace Creek, thuộc Thung lũng Chết (California) là nơi sinh sống của 24 người và trước đây, đây là trung tâm hoạt động khai thác tại Thung lũng Chết của Công ty Borax Bờ biển Thái Bình Dương. Hiện nó là một địa điểm du lịch với các khu cắm trại và sân golf, từng tổ chức một giải đấu mùa hè mang tên “Heatstroke Open” vào năm 2011, khi nhiệt độ lên tới 52 °C. Hố nhân tạo sâu nhất: Kola Superdeep Borehole là một dự án khoan khoa học được thực hiện với nỗ lực khoan sâu nhất có thể tại quận Pechengsky trên bán đảo Kola (Nga). Ngày 24/5/1970, các chuyến gia bắt đầu khoản với độ sâu mục tiêu là 15.000 m. Đến năm 1983, mũi khoan đã đi sâu 12.000 m. Dự án tạm dừng lại để phục vụ các chuyến thăm khoa học và do một đoạn dây khoan bị mắc kẹt trong lỗ khoan. Cơn sóng lớn nhất: Vịnh Lituya ở Alaska là một vịnh hẹp nằm trên đứt gãy Fairweather, ranh giới hoạt động giữa các mảng kiến tạo Bắc Mỹ và Thái Bình Dương ở phần đông bắc của Vịnh Alaska. Ngày 9/7/1958, một trận động đất có cường độ 7,8 độ richter đã gây ra đứt gãy. Nó khiến hơn 30 triệu mét khối (90 triệu tấn) đá như một nguyên khối rơi xuống từ độ cao vài trăm mét, gây ra một trận động đất khổng lồ, được cảm nhận cách đó 80 km. Cơn siêu sóng nước cao từ 30-91 m mạnh đến mức phá hủy cây cối trên Gilbert Inlet, một nhánh của vịnh hình chữ T, ở độ cao 520 m. Tốc độ gió cao nhất: Bão Olivia, còn được gọi là "Lốc xoáy nhiệt đới khắc nghiệt Olivia" là cơn bão mạnh nhất trong tổng số 19 cơn lốc xoáy của mùa bão khu vực Australia năm 1995-1996, với tốc độ gió được ghi nhận 407 km/h. Olivia hình thành ngày 3/4/1996, ở lãnh thổ phía Bắc và di chuyển về phía Tây Nam gần Tây Australia. Ngày 8/4, nó mạnh lên trở thành một cơn bão nhiệt đới và ngày 10/4 đã tạo ra gió giật mạnh kỷ lục trên thế giới trên đảo Barrow. Tốc độ gió được ghi lại bởi một trạm thời tiết tự động trên đảo hơn 300 km/h và mức trung bình tối đa trong 5 phút là 176 km/h./. CTV Lê Ngọc/VOV.VN Tổng hợp