Mệnh lệnh từ trái tim người chiến sỹ hải quân
(VOV) - Hải quân nhân dân là chỗ dựa vững chắc, là niềm tin của ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển.
Hơn nửa thế kỷ xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đã lập nên những chiến công to lớn, đi vào lịch sử dân tộc như những trang huyền thoại, góp phần tô thắm thêm truyền thống quật cường chống ngoại xâm của dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế biển đòi hỏi Quân chủng Hải quân (QCHQ) cần được xây dựng vững mạnh theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Nhân kỷ niệm 58 năm ngày thành lập Quân chủng HQNDVN (7/5/1955 – 7/5/2013), VOV phỏng vấn Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy QCHQ.
PV: Xin Chuẩn Đô đốc cho biết những kết quả nổi bật của HQNDVN, với vai trò là lực lượng nòng cốt và trực tiếp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc ?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, song HQNDVN là lực lượng nòng cốt.
Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; tình hình và yêu cầu nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, nhất là yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, trong những năm qua, QCHQ đã tích cực chủ động triển khai toàn diện, đồng bộ và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Nổi bật là:
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân |
Thứ nhất: Quân chủng đã thường xuyên nắm chắc tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng và Nhà nước có chủ trương đúng trong giải quyết các vấn đề phức tạp trên biển; làm nòng cốt nâng cao chất lượng và hiệu quả xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân gắn với phát triển kinh tế biển. Quân chủng duy trì nghiêm lực lượng trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời phát hiện và xử lý có hiệu quả các tình huống, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền; vừa giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên các vùng biển, không để xảy ra xung đột.
Thứ hai: Tập trung xây dựng lực lượng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của toàn Quân chủng lên một bước mới, xây dựng Quân chủng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Thứ ba: Đã thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ các hoạt động kinh tế trên biển; hỗ trợ, giúp đỡ, làm chỗ dựa cho ngư dân làm ăn sinh sống, đánh bắt nuôi trồng thuỷ hải sản; thực hiện tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển, nhất là trên các vùng biển xa, nơi mà các lực lượng khác không thể đến được.
Thứ tư: Thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tham gia phát triển kinh tế biển, đảo đạt hiệu quả cao.
Thứ năm: Phát triển, mở rộng, tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự với nhiều định hướng mới, góp phần củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hợp tác và hiểu biết tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân các nước.
Thứ sáu: HQNDVN tích cực chủ động thực hiện công tác tuyên truyền về biển, đảo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành; của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương về biển, đảo và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
PV: Bên cạnh hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, nhiều năm qua lực lượng Hải quân còn tích cực tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển. Xin Chuẩn Đô đốc cho biết hiệu quả của công tác này ?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Tham gia phát triển kinh tế - xã hội biển đảo và hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển là chức năng, nhiệm vụ chính trị của HQNDVN. Quán triệt tinh thần đó, những năm qua, QCHQ đã triển khai nhiều hoạt động và đã đạt được những kết quả tích cực. Có thể kể đến một số hoạt động chính sau:
Đã triệt để tận dụng mọi khả năng (nhất là con người, cơ sở vật chất, phương tiện hiện có) trong điều kiện cho phép, đẩy mạnh các hoạt động lao động sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh, như: Dịch vụ cảng biển, vận tải biển, xây dựng các công trình biển, khai thác đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản; dịch vụ hậu cần nghề cá... để hỗ trợ ngư dân trong khai thác thủy sản và làm ăn trên các vùng biển, đảo. Bước đầu đã thu được kết quả tích cực trên nhiều mặt, góp phần tăng số chuyến, kéo dài ngày bám biển của ngư dân.
Phối hợp các lực lượng giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định trên các vùng biển, ven biển, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội biển đảo; tham gia xây dựng cơ sở chính trị - xã hội trên một số địa bàn khó khăn.
Bên cạnh đó, QCHQ còn thực hiện tốt nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền, giúp đỡ nhân dân khi bị thương bị nạn, khi gặp khó khăn, thiên tai, bão tố trên biển. HQNDVN coi đây là nhiệm vụ chiến đấu, là mệnh lệnh trái tim của người chiến sỹ, do vậy, dù sóng to gió lớn, dù bão tố gần xa... có lệnh là lên đường, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân trên các vùng biển, đảo.
HQNDVN xứng đáng là chỗ dựa vững chắc, là niềm tin của bà con ngư dân và các lực lượng hoạt động trên các vùng biển xa, góp phần phát triển kinh tế biển cũng như duy trì sự có mặt thường xuyên của ngư dân; khẳng định chủ quyền và kịp thời phát hiện mọi hoạt động xâm phạm của tàu thuyền nước ngoài, cùng với QCHQ và các lực lượng khác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hội thi tàu tốt tại Vùng C Hải quân (Ảnh: Tuyết Yến) |
PV: Việc kết hợp giữa bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển tạo ra hiệu quả và ý nghĩa như thế nào trong giai đoạn hiện nay thưa Chuẩn Đô đốc?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh biển, đảo là chủ trương nhất quán của Đảng ta. Điều này được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá X) và các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước ta.
Nước ta với vùng biển rộng lớn, giàu tiềm năng, kinh tế biển và ven biển đã và đang đóng góp khoảng 48-50% trong tổng GDP cả nước (trong đó dầu khí đóng góp 29,8%) và dự kiến đến năm 2020 sẽ là khoảng từ 53 - 55% tổng GDP của cả nước.
Để tạo điều kiện cho kinh tế biển phát triển, điều quan trọng là phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, trong đó trọng tâm là bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế trên biển.
Tình hình hiện nay cho thấy, Biển Đông và trên các vùng biển nước ta chưa thật ổn định. Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bảo vệ vững chắc biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; tạo ra môi trường hoà bình, ổn định lâu dài, bảo đảm cho các hoạt động kinh tế biển diễn ra thuận lợi. Có như thế chúng ta mới khai thác hết tiềm năng, lợi thế của biển, phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tôi nghĩ đó cũng chính là hiệu quả, cũng như ý nghĩa to lớn của việc kết hợp kinh tế - quốc phòng trên biển.
PV: Thưa Chuẩn Đô đốc, để phát huy truyền thống Quân chủng Anh hùng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, giai đoạn tới QCHQ phải tập trung vào những nhiệm vụ gì?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Để phát huy truyền thống đơn vị anh hùng LLVT nhân dân, góp phần xây dựng HQNDVN cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt và trực tiếp trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giai đoạn tới QCHQ xác định cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tập trung xây dựng Quân chủng vững mạnh về chính trị, trọng tâm là thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ nhận thức sâu sắc về tình hình nhiệm vụ, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, của nước ngoài đối với Biển Đông, Trường Sa; yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới; về đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam...Thông qua đó, xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, nêu cao ý thức tự lực tự cường, đoàn kết, kỷ luật, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Nắm chắc mọi diễn biến của tình hình trên biển, duy trì nghiêm công tác sẵn sàng chiến đấu. Chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng thực hiện đúng các đối sách trên biển, vừa giữ vững được chủ quyền của Tổ quốc, vừa giữ được môi trường hòa bình và mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với các nước trong khu vực, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên biển vững mạnh, xử lý tốt các tình huống không để bị động bất ngờ.
Đổi mới nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, thực hiện tốt các khâu đột phá trong huấn luyện, tập trung huấn luyện làm chủ vũ khí trang thiết bị kỹ thuật, nhất là vũ khí trang thiết bị kỹ thuật mới. Lấy mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và nhiệm vụ xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại làm mục tiêu huấn luyện. Coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy.
Làm tốt công tác đối ngoại quân sự Hải quân, thông qua các hoạt động tuần tra chung, giao lưu, gặp gỡ với Hải quân các nước trong khu vực; thiết lập đường dây nóng, diễn tập tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn... qua đó, nhằm củng cố, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, sự hợp tác và hiểu biết tin cậy lẫn nhau giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân các nước, nhất là các nước trong khu vực để giữ vững môi trường hoà bình, ổn định trên các vùng biển, đảo.Xây dựng cấp ủy, tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, trọng tâm là chi bộ tàu, đài, trạm, đơn vị chiến đấu có chi ủy vững chắc; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiền phong, gương mẫu; xây dựng kế hoạch và kiên quyết khắc phục khâu yếu, mặt yếu sau tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá XI); đẩy mạnh việc học tập làm theo tấm gương tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Quân chủng sát với đặc điểm tình hình của Quân chủng và từng cơ quan, đơn vị.
PV: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định tập trung xây dựng một số quân, binh chủng của quân đội tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có QCHQ. QCHQ đã và đang triển khai thực hiện chủ trương này như thế nào, thưa Chuẩn Đô đốc?
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Ngọc Tương: Xây dựng Hải quân hiện đại là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, xuất phát từ yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo nói riêng. Để thực hiện chủ trương này, Quân chủng đã và đang triển khai thực hiện nhiều công việc, trong đó trọng tâm:
Một là, phải tăng cường sự lãnh của Đảng, xây dựng Hải quân nhân dân vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng.
Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Phải thường xuyên giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân chủng; quan tâm xây dựng các tổ chức vững mạnh; tập trung đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng... từ đó tạo sự nhất trí cao về nhận thức và hành động, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo của cán bộ, chiến sỹ, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng.
Hai là, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là khi xảy ra chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Làm tốt công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ đáp ứng yêu cầu xây dựng quân chủng hiện đại, nhất là khả năng làm chủ các trang bị vũ khí kỹ thuật tiên tiến, hiện đại…
Ba là, giải quyết đúng đắn các vấn đề tổ chức, biên chế, trang bị và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật vừa phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, vừa bảo đảm phát huy được sức mạnh của các yếu tố này trong điều kiện thời bình cũng như khi có chiến tranh xảy ra.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Quân chủng cần phải tập trung kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng theo hướng: “Tinh gọn, cơ động, linh hoạt cao, có sức chiến đấu mạnh, coi trọng tính hợp lý, đồng bộ, cân đối, đủ thành phần lực lượng tác chiến tại chỗ trên các đảo, lực lượng làm nhiệm vụ thường trực trên biển và lực lượng cơ động”.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, quản lý tốt việc mua sắm vũ khí thiết bị, tàu thuyền; công tác đóng mới, xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật... Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, nghệ thuật quân sự Hải quân kết hợp với sự phát triển lực lượng và điều kiện chiến tranh hiện đại.
Bốn là, tích cực tham gia lao động sản xuất làm kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội biển - đảo, thực hiện tốt việc kết hợp kinh tế - quốc phòng, quốc phòng - kinh tế.
Năm là, đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền về biển, đảo; tăng cường hoạt động đối ngoại quân sự với Hải quân các nước trong khu vực và thế giới, tạo môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên các vùng biển của Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn Chuẩn Đô đốc!./.