Thính giả sẽ là tuyến nhân vật thứ 3
Sau mỗi vở kịch là những ý kiến phản hồi của thính giả. Người viết sẽ tiếp thu và chỉnh sửa ở những tập tiếp theo
Sau khi áp dụng thành công phương pháp Sabido vào xây dựng series 104 tập kịch truyền thanh “Khát vọng sống”, Đài TNVN lại tiếp tục sử dụng phương pháp Sabido vào xây dựng seriers 100 tập kịch “Hành trình xanh” (bắt đầu được phát sóng từ 3/7) nhằm thay đổi hành vi ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Vĩnh Quyên, Trưởng nhóm sáng tạo “Hành trình xanh” về phương pháp này.
PV: Xin chị cho biết đôi nét về phương pháp Sabido?
Nhà báo Vĩnh Quyên: Sabido là tên nhà soạn kịch người Mexico, người đã đưa ra phương pháp viết kịch truyền thanh dài kỳ này. Đây là phương pháp kịch giải trí nhằm thay đổi hành vi thính giả một cách tự nguyện. Phương pháp này được sử dụng khá thành công ở nhiều nước đang phát triển. Ưu điểm của phương pháp Sabido là cho phép xây dựng những seriers kịch từ 100 tập trở lên.
Phương pháp này có sự khác biệt gì so với phương pháp kịch truyền thanh truyền thống?
Ở phương pháp này, người viết không bao giờ nêu ra là phải làm gì, nên làm gì, và phải như thế nào. Tất cả đều nằm trong các tình huống kịch. Thính giả sẽ nghe và thay đổi hành vi theo diễn biến tình huống trong câu chuyện. Thông thường kịch truyền thống có nhiều tuyến nhân vật. Nhưng trong kịch Sabido, có 3 tuyến nhân vật được xây dựng rất rõ rệt: phản diện, chính diện và trung dung. Trong đó, thính giả là tuyến nhân vật thứ 3. Liên tục trong các tình huống kịch là sự giằng co giữa người xấu và người tốt. Nhân vật thứ 3 có lúc không làm chủ được nghe theo người xấu, nhưng khi có người tốt giúp đỡ thì họ lại làm người tốt. Mỗi người nghe sẽ tự rút ra bài học cho mình.
Trong giai đoạn sáng tạo, mỗi tập kịch diễn ra 3 cảnh, ở 3 vùng miền khác nhau với những câu chuyện khác nhau. Nhưng đến một thời điểm nào đó, những nhân vật này sẽ đan xen vào với nhau chứ không phải là ba đường thẳng song song.
Đây là phương pháp làm việc nhóm, khi người này bận thì người khác viết thay, tuân theo một mạng giá trị của một khung kịch bản cố định. ở phương pháp viết kịch này, người viết dùng ngôn ngữ cuộc sống, khiến câu chuyện rất đời thường, gần gũi người người nghe, nhưng cũng không quá xô bồ, đường phố.
![]() |
Nhà báo Vĩnh Quyên |
So với kịch truyền thanh truyền thống, kịch Sabido không có dẫn chuyện mà chỉ có đối thoại, chuyển cảnh bằng âm nhạc. Ví dụ ở vùng nông thôn Bắc bộ thì có âm nhạc đặc trưng là tiếng sáo, tiếng nhị, ĐBSCL thì sẽ dùng đờn ca tài tử… Vì vậy, mặc dù không có dẫn chuyện nhưng người nghe vẫn hiểu được bối cảnh của câu chuyện. Đó cũng là cái khó của người viết.
Việc dàn dựng kịch cũng công phu hơn. Câu chuyện xảy ra ở 4 vùng miền. Bối cảnh chuyện ở khu vực nào thì do diễn viên ở khu vực đó thể hiện. Và đặc biệt sẽ không được mời diễn viên nổi tiếng tham gia. Dù là kịch phát thanh nhưng diễn viên vẫn phải diễn như đang thu hình. Bên cạnh đó, hiện trường càng được làm sống bao nhiêu càng tốt.
PV: Phương pháp Sabido đã được Đài TNVN áp dụng thành công vào sản xuất 104 tập “Khát vọng sống”. Vậy những kinh nghiệm gì sẽ được áp dụng vào “Hành trình xanh”?
Nhà báo Vĩnh Quyên: Sau khi 104 tập “Khát vọng sống” được phát sóng, chúng tôi đã nhận được hàng ngàn thư, điện thoại của thính giả. Có những người tâm sự rằng, câu chuyện của các anh chị đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Những người làm chương trình không nghĩ rằng chương trình lại có tác động lớn như thế. Điều này chúng tôi cũng hy vọng đạt được ở “Hành trình xanh”.
Sau khi những tập đầu của “Hành trình xanh” được phát sóng, sẽ có 2-3 khách mời, trong đó có 1 chuyên gia về biến đổi khí hậu, 1 nghệ sỹ nổi tiếng trò chuyện về các thư từ, điện thoại được thính giả gửi tới sau tập phát sóng tuần trước để dự đoán tình huống câu chuyện tập tiếp theo, chia sẻ câu chuyện của chính họ. Sẽ có phần thưởng cho thính giả có những dự đoán hay.
Xin cảm ơn chị!./.