Giáo dục phải thức tỉnh điều Thiện, nuôi dưỡng nhân cách làm Người
VOV.VN -Thay vì tìm cách in nhiều sách giáo khoa để thu lợi, nên in lại cuốn dạy nghề sư phạm cơ bản của Makarenko phát không như sách bồi dưỡng cho giáo viên.
Thế hệ chúng tôi, nhiều người ở Hà Nội biết tới nhà văn Anton Semyonovich Makarenko qua cuốn sách nổi tiếng bàn về giáo dục của ông. Những lá thư của Makarenko gửi cho đại văn hào Maxim Gorky, kể những chuyện có thật, rằng ông đã giáo dục tụi trẻ hư hỏng ra sao ở trại trừng giới.
Phương pháp của ông không có gì quá cao siêu và đặc biệt. Vấn đề chỉ đơn giản: là thầy phải gương mẫu và phải đối xử với trẻ em một cách tôn trọng, dù chúng có nhiều tội lỗi, luôn coi chúng đúng là những Con Người. Thời kì Anton Semyonovich và những đứa trẻ ấy sống là thời kì đen tối nhất của nước Nga xô viết. Đói và bệnh tật.
Ngành xuất bản giáo dục thay vì tìm cách in cho nhiều sách giáo khoa để thu lợi nhuận, nên in lại cuốn dạy nghề sư phạm cơ bản của nhà văn Anton Semyonovich Makarenko phát không như sách bồi dưỡng kĩ năng cho đội ngũ thày cô. Ảnh minh họa. |
Những đứa trẻ có tiền sự, có thể hơn ai hết sẽ sẵn sàng làm mọi điều xấu xa để no và ấm. Anton Semyonovich đã thành công trong việc giáo dục chúng, biến chúng thành những người tốt khi biết khơi dậy ở chúng, phẩm chất Người bằng cách tin cậy khuyến khích sự coi trọng Nhân cách – phẩm giá Người trong sâu thẳm tâm hồn tụi trẻ hư hỏng.
Ngẫm lại trong đời sống cụ thể của tôi, thấy Anton Semyonovich rất đúng. Một con người bị sỉ nhục, nhân cách bị chà đạp sẽ có hiệu ứng lâu dài, nó sẽ không cần tôn trọng phẩm cách của người khác nữa, kể cả cha mẹ, thày cô nếu có dịp!
Năm 1979 tôi làm cán bộ bảo vệ phòng Hành chính tổ chức tại Công ty thủy sản Cấp I Phú Viên. Một người lính phục viên làm xây dựng tên T, chưa vợ. Một ngày có người trong tốp thợ cùng T đang sửa chữa hội trường công ty, đến báo, T đã tháo tất cả chấn lưu (một bộ phận ở đèn huỳnh quang) ở nóc hội trường cho vào một cái ba lô lính. Tôi đi ra, phục, bắt quả tang T đi giấu 25 cái chấn lưu.
Mời T vào phòng tôi lập biên bản. T nhận mình ăn cắp và định mang bán ở chợ Giời. Điều tra kĩ tôi biết, T một mình sống ở Hà Nội. Gia cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ ở quê lại đang ốm nặng. Lương anh hạ sỹ chuyển ngành rất thấp. T trong tổ xây dựng rất chăm chỉ, chưa một lần tiền sự.
Hình ảnh học sinh quỳ lan truyền trên mạng. |
Sáng sau, tôi tới khu tập thể nơi T ở từ rất sớm, gặp T và mời cậu ta đi ăn xôi sáng. Ăn xong đi uống trà. Hỏi chuyện đến đời lính chiến trận: Ở mặt trận cậu oánh nhau thế nào? T nhìn tôi trân trân rồi chợt òa khóc, lắp bắp: Nhục quá, nhục quá!
Một tuần sau Hội đồng kỉ luật sắp họp. Thăm dò ý trưởng phòng Tổ chức hành chính của tôi, biết, người ta dự định đuổi T khỏi công ty. Đêm ấy tôi suy nghĩ rất nhiều. Và sáng sau quyết định tới xin gặp giám đốc Huỳnh Văn Tân (nay ông còn sống ở thành phố Hồ Chí Minh).
Tôi vào gặp ông, một người miền Trung tập kết rất ấm áp và đàng hoàng, tôi nói: “Thưa anh, T là người còn nghĩ tới nhân cách người lính. Rằng anh ta quá khó khăn mà làm liều. Cần tiền giúp mẹ”. Lại nói, “kỷ luật T quá dễ, chỉ cần mai anh quyết, kí roạt một cái là xong. Nhưng xã hội sẽ thêm một thằng ăn cắp. Và, chúng ta sẽ mất đi một người đã từng sẵn sàng chết cho đất nước. Em đã gặp T, chuyện thế này... Như vậy, chỉ cảnh cáo T, không đuổi việc, em xin hứa sẽ kèm cặp giúp T trở thành người tử tế, bởi vì chúng em là người lính sống sót trở về”.
Nghe tường, anh Tân đồng ý và bảo, sáng mai mời cậu lên họp trong hội đồng và cứ nói như thế.
T đã không bị đuổi việc!
Sau này T rất tiến bộ. Anh chăm chỉ, trở thành thợ giỏi và lại cưới được cô thạc sĩ xinh đẹp, cháu Phó tổng giám đốc tổng công ty. Sống hạnh phúc.
Sự việc vừa qua bạo lực học đường tăng. Trẻ em hỗn láo với thày cô và hư đốn đến mức cô phạt học sinh quỳ. Dư luận nhiều chiều trước sự việc này.
Với tư cách một người có ít nhiều trải nghiệm, một nhà văn, tôi phản đối phương pháp giáo dục này.
Quỳ là một hành vi hèn hạ. Với văn hóa bàn về phẩm giá Người, quỳ - nó là sự khuất phục đến nhục nhã, không còn tự coi trọng phẩm giá con người của chính mình. Phương ngữ có câu: Chết vinh còn hơn sống nhục. Sử sách nước Nam có nhiều chuyện ghi những người có phẩm cách, khí tiết không bao giờ quỳ hàng giặc.
Thày cô bắt trò quỳ tức là không coi sự giữ gìn phẩm giá con người ta ra gì. Không khuyến khích học trò giữ gìn phẩm cách, điều quan trọng nhất để sau này Trò thành Người Tử Tế. Những đứa trẻ non nớt khi sợ thày cô, sợ nhà trường kỉ luật, bị cha mẹ rày la mà buộc phải quỳ, chúng sẽ xấu hổ trước bè bạn và đặc biệt lưu lại trong tâm hồn nó một vết sẹo không bao giờ liền. Có thể vì như thế trong tâm hồn bị tổn thương của chúng sẽ có đứa khởi lên mầm ác. Chúng có thể căm thù thày cô sau khi bị phạt quỳ.
Những vấn đề của nền giáo dục nước nhà hiện nay còn đang khá nhiều bất cập cần khẩn trương sửa chữa, mà người chịu trách nhiệm cao nhất là ông Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo. Hỏi ở thế kỉ 21 này, giáo viên ở nước ta, có bao nhiêu giáo viên nhận thức rằng, sự giáo dục quan trọng nhất là phải kích thích tính thiện của các em???.
Kích thích lòng tôn trọng phẩm chất Người chính trong tâm hồn chúng: Nhân cách - phẩm giá Con Người. Còn có bao giáo viên coi việc phạt trò bắt quỳ là biện pháp đúng? Tôi đề nghị, trước hết phải giáo dục lại những giáo viên có hành vi hay nhận thức nói trên. Ngành xuất bản giáo dục thay vì tìm cách in cho nhiều sách giáo khoa để thu lợi nhuận, nên in lại cuốn dạy nghề sư phạm cơ bản của nhà văn Anton Semyonovich Makarenko phát không như sách bồi dưỡng kĩ năng cho đội ngũ thày cô. Bài học cơ bản xa xăm lắm ấy vẫn đang rất cần thiết, sửa sai vấn đề còn nóng rãy ở nước ta, cần cho những người còn nhận thức sai lệch!./.
Chấm dứt hợp đồng với cô giáo phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Cô giáo ở Hải Phòng phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Ngành Giáo dục Hà Nội giảm nhẹ xử phạt học sinh vi phạm giao thông