Tổng kiểm tra phương tiện: Thời điểm vừa “bình thường” sau dịch có phù hợp?

VOV.VN -Phải khẳng định, kiểm tra phương tiện giao thông là rất cần thiết, nhưng ở thời điểm người dân cả nước đang phải “gượng dậy” sau thời gian khó khăn, lao đao vì dịch Covid-19 liệu đã thực sự phù hợp?

1. Ngày mẹ tôi nghỉ hưu, cả gia đình chuyển từ phố về quê. Có bao tiền dành dụm được trong cả cuộc đời công tác của bố mẹ cộng với phần lớn vay mượn anh em họ hàng, gia đình tôi mới mua được ngôi nhà nho nhỏ ở quê.

Cả nhà tôi lúc đó sống bằng khoản lương hưu ít ỏi của mẹ, các anh tôi lại đang học Đại học nên cuộc sống khó khăn lắm. Mẹ tôi là cán bộ Nhà nước, ấy vậy mà khi về hưu bà phải đi làm thêm đủ thứ việc của nhà nông như cắt lúa thuê, lên rừng kiếm củi, trồng rau nuôi lợn, mò cua bắt ốc… nhưng vẫn không đủ tiền trang trải cuộc sống và nuôi anh em chúng tôi ăn học.

Tôi còn nhớ, khi ấy bữa cơm trong gia đình ngày nào cũng độn khoai, sắn nhiều hơn cơm mà tôi thường xuyên ăn không đủ no. Còn mẹ tôi, bữa nào cũng nhường các con ăn hết mới đến lượt mình dùng bữa.

Ngày ấy, khi gia đình tôi mua nhà, chủ nhà muốn gửi lại 2 con chó. Mẹ tôi cũng đắn đo lắm vì nuôi thêm chó, có nghĩa là phải lo thêm thức ăn cho nó, nhưng vì anh em chúng tôi tha thiết, mẹ tôi đành nhận nuôi. Nhưng từ khi có chó, bữa nào mẹ con tôi cũng phải ăn đói để nhường phần ăn cho nó. Còn nhớ, có hôm tôi đi học về muộn được mẹ để phần cơm, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều để không ăn hết phần cơm mà để dành chút cho chó.

Không chỉ gia đình tôi, mà hầu hết các nhà ở quê hồi ấy đều khó khăn như vậy. Có lần, trong nhà tôi chỉ còn mỗi một bơ gạo, mẹ định nấu cháo thì mới đủ ăn. Nhưng đúng lúc đó, cô hàng xóm lại đem rá sang vay gạo vì mẹ cô ấy ốm nặng, mà nhà lại không còn gì để ăn. Mẹ tôi san một nửa chỗ gạo cho cô ấy. Bữa ấy tôi đói lắm, có ý trách mẹ nhưng sau khi nghe mẹ giải thích, tôi lại cảm thấy vô cùng hối hận.

Bây giờ cuộc sống ở quê đã khá hơn, nhưng về quê vẫn còn nhiều nhà vất vả xoay sở để con cái được có đủ cái ăn cái mặc. Điển hình ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa, vẫn còn nhiều gia đình đứt bữa thường xuyên, thậm chí có nhà trong những tháng giáp hạt vẫn phải ăn củ mài, củ sắn thay cơm.

Trong mấy tháng dịch vừa qua, lại càng thấy còn nhiều gia đình thực sự khó khăn khi công việc, thu nhập không có. Nhiều người là lao động thời vụ, lái xe ôm, bán hàng rong, lao động tự do… bình thường không có dịch cũng đã rất vất vả để kiếm sống qua ngày, tiền tích lũy hoàn toàn không có nên khi có dịch bệnh, không buôn bán, làm thuê được, nhiều người phải sống dựa vào lương thực, thực phẩm của các cá nhân, tổ chức từ thiện.

Tôi đã từng chứng kiến nhiều người khi nhận gạo từ ATM gạo, đã bật khóc chia sẻ “số gạo này nuôi sống gia đình tôi trong nhiều ngày”. Và trong thời gian dịch dã, đã có hàng trăm ngàn người khó khăn trên khắp cả nước đã phải tới các địa chỉ từ thiện để mong nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng.

Không nói đâu xa, kể cả khi không có dịch, nhiều người cũng rất khó khăn để vật lộn với cuộc sống. Cô bạn tôi là công chức Nhà nước, ly hôn chồng, nuôi 2 con nhỏ đang tuổi đi học. Lương viên chức không đủ để mẹ con cô ấy sống ở Hà Nội với hàng trăm thứ tiền, tiền học của con, tiền ăn uống, điện nước, điện thoại xăng xe, đụng vào cái gì cũng tiền… nên tháng nào cô ấy cũng phải vay mượn từ bạn bè, người thân để trang trải những ngày cuối tháng trong lúc chờ lương. Kể cả cải thiện bữa ăn cho con đối với cô ấy cũng phải được tính toán rất kỹ.

2. Mấy hôm nay, người dân khắp nơi đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy, nhiều nơi người mua đông đến nỗi gây ùn tắc. Mọi người truyền tai nhau, ngoài các loại giấy tờ bắt buộc như bằng lái xe, đăng ký xe… thì phải có thẻ bảo hiểm này nếu không sẽ bị phạt nặng.

Chẳng là, từ 15/5 đến ngày 14/6, Cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương trên toàn quốc ra quân tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xử lý vi phạm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội.

Đáng chú ý, Cảnh sát giao thông cũng được phép dừng các phương tiện để tập trung xử lý nghiêm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy cũng như các hành vi vi phạm khác... Khi kiểm tra chủ phương tiện sẽ được đưa vào khu vực riêng để không ảnh hưởng đến giao thông.

Phải khẳng định, kiểm tra phương tiện giao thông là biện pháp cần thiết nhằm đảm bảo an toàn trật tự giao thông của cả nước trong tình hình vi phạm giao thông, tai nạn giao thông ngày càng phức tạp như hiện nay.

Tuy nhiên, việc kiểm tra ở thời điểm xã hội vừa thiết lập lại trạng thái bình thường, người dân, doanh nghiệp mới bắt đầu đi làm bình thường trở lại sau thời gian dài nghỉ vì dịch Covid-19 liệu đã là phù hợp?

Cảnh sát giao thông cũng được phép dừng các phương tiện (ảnh minh họa)

Bởi, trong thời điểm hiện nay, nhiều người dân, doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhiều người mới bắt đầu đi tìm việc trở lại, các doanh nghiệp mới bắt đầu khôi phục sản xuất, chưa kể có hàng ngàn doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản vì không thể “trụ” được sau thời gian dài khó khăn vì dịch. Cũng vì thế, Chính phủ đã và đang phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục một phần khó khăn bằng gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng.

Nhiều người dân, đến nay vẫn đang rất khó khăn vì chưa kiếm được việc làm phải sống bằng tiền hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Trong khó khăn, mới thấy tình người thật đáng quý. Cả xã hội từ Chính phủ, các cơ quan, ban ngành đến các tổ chức, cá nhân đều chung tay giúp đỡ người nghèo, giúp đỡ các doanh nghiệp khó khăn để vực họ dậy sau cơn hoạn nạn.

Với nhiều người, số tiền vài chục ngàn hay vài trăm ngàn có thể không là gì nhưng với người nghèo, đó là một số tiền lớn giúp họ trang trải được nhiều việc hay đơn giản là cứu đói cho cả gia đình họ. Thậm chí, bơ gạo hay gói mỳ tôm đối với những gia đình đứt bữa trong thời điểm này còn quý hơn vàng. Vậy nên, việc họ ra một số tiền để mua bảo hiểm hay nộp phạt vi phạm khi thiếu một trong những loại giấy tờ cần thiết ở thời điểm này cũng là cả vấn đề rất lớn.

Kiểm tra phương tiện giao thông là rất cần thiết và nên làm, nhưng ở thời điểm khi người dân cả nước đang phải “gượng dậy” sau thời gian khó khăn, lao đao vì dịch Covid-19 thì liệu đã thực sự phù hợp? Nên chăng có thể lùi vào một thời điểm khác hay tính toán cách làm khác cho phù hợp với điều kiện thực tế của cả nước hiện nay?

Chẳng hạn, có thể kiểm tra nhưng ở mức độ phạm vi hẹp hơn, như kiểm tra chuyên đề về vi phạm nồng độ cồn, vi phạm Nghị định 100 hoặc kiểm tra vi phạm giao thông… Những lỗi này, khi phát hiện cần có biện pháp xử lý và phạt nghiêm người vi phạm.

Vẫn biết là khi điều khiển xe máy, người chủ phương tiện phải được học và thi lấy bằng, có đầy đủ các loại giấy tờ cần thiết trong đó có bảo hiểm bắt buộc. Nhưng do việc kiểm soát người lái chưa chặt chẽ như hiện nay, cũng như việc cấp bằng còn nhiều bất cập, thậm chí có tình trạng bằng giả… nên phần lớn người điều khiển xe máy (có thể đã có cả chục năm điều khiển phương tiện) nhưng vẫn không biết những loại giấy tờ nào là cần thiết, không cần thiết, trong đó có bảo hiểm bắt buộc khi lái xe. Thế mới có chuyện, khi CSGT ra quân kiểm tra, người dân ồ ạt đi mua bảo hiểm, có rất nhiều người đã mua loại bảo hiểm 20.000-40.000 đồng bán đầy dọc đường nhưng không biết đây là bảo hiểm tự nguyện, không có giá trị khi CSGT kiểm tra phương tiện.

Vì thế, nên chăng trước khi có chiến dịch ra quân, cần tuyên truyền để người dân hiểu rõ về những quy định của pháp luật, trong đó có các loại giấy tờ cần thiết như bảo hiểm bắt buộc để người dân hiểu rõ, tránh tình trạng “tranh mua, tranh bán” nhiều khi gây mất trật tự như hiện nay.

Bấy lâu nay, chúng ta hay có những chiến dịch ra quân, nhưng tình trạng vi phạm cũng không cải thiện đáng kể. Và thực tế ai cũng thấy rõ, trong thời điểm CSGT ra quân thì vi phạm giao thông giảm hẳn, ý thức của người dân tốt hơn. Nhưng sau chiến dịch, đâu lại vào đó.

Trước thực tế này, nên chăng chúng ta nên nghiên cứu thay đổi phương thức kiểm tra, giám sát giao thông một cách phù hợp để đảm bảo an toàn giao thông và ý thức của người dân. Có như thế, sau những chiến dịch ra quân, mục tiêu giảm vi phạm giao thông, an toàn giao thông mới thực sự hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên