1.500 tỷ đồng cho đường tuần tra biên giới giai đoạn 2
VOV.VN -Với 19 dự án quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội của vùng, miền sẽ bố trí đầu tư 14.595 tỷ đồng.
Sau 3 ngày làm việc nghiêm túc, thẳng thắn, tích cực, chiều 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc đã bế mạc Phiên họp thứ 24.
Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá cao tinh thần làm việc của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc đóng góp các ý kiến sâu sắc vào các dự án Luật, pháp lệnh để phiên họp thứ 24 thành công.
Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Về tên gọi, Thường vụ Quốc hội tán thành với tên gọi “Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân”. Góp ý vào nội dung này, nhiều ý kiến cho rằng, Pháp lệnh này đến nay Tòa án nhân dân tối cao mới trình cho ý kiến lần đầu là chậm, ảnh hưởng tới việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Các đại biểu đề nghị cần có sự kiểm sát của Viện Kiểm sát đối với việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ cụ thể vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016, trong đó tập trung ưu tiên cho đường tuần tra biên giới giai đoạn 2 là 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt với 19 dự án quan trọng thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế có tác động lớn đến phát triển kinh tế- xã hội của vùng, miền sẽ bố trí đầu tư 14.595 tỷ đồng.
Cũng trong sáng 15/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các vấn đề còn có ý kiến khác nhau như phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; chế định Quản tài viên; thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng; thẩm quyền của Tòa án./.