“1,8 triệu ha đất lâm, nông trường đóng góp gì cho quốc kế dân sinh?“
VOV.VN - Theo Thủ tướng, làm sao để nông, lâm trường dẫn dắt ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương
Sáng 18/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị |
Cùng chủ trì có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các địa phương và doanh nghiệp, công ty nông lâm trường.
Theo báo cáo tại hội nghị, với 6 mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, đến hết tháng 6 vừa rồi có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Hiện nay còn 27/256 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp. Chính phủ phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.
Trước sắp xếp, đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là gần 25.000 tỷ đồng, tổng doanh thu gần 22.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 3.500 tỷ đồng. Sau sắp xếp đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là gần 28.000 tỷ đồng, tuy nhiên tổng doanh thu giảm còn 15.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.300 tỷ đồng.
Có nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới theo mô hình cổ phần hóa và hai thành viên trở lên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động.
13 địa phương chưa xác định xong đất nông lâm trường
Đề cập nhiều nhất tại hội nghị này là vấn đề đất đai, việc xác định lại thực trạng diện đất của các công ty nông, lâm nghiệp cũng như tài sản trên đất. Đến nay, vẫn còn nhiều địa phương chưa hoàn thành việc đánh giá, đo đạc lại đất nông, lâm trường.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nêu thực tế, Trung ương đã thực hiện tốt, chỉ còn lại 13 địa phương. 13 địa phương này kinh phí không phải là khó, chỉ có 214 tỷ. Trong 13 địa phương này thì có 8 địa phương năm 2018-2019 vượt dự toán rất lớn. Thứ trưởng đề nghị 8 địa phương vượt thu phải bố trí ngân sách cho đủ. Còn lại 5 địa phương thì Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng để đảm bảo đánh giá đo đạc đất đai và tài sản trên đất.
Từ thực tế này, kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, theo kế hoạch thì phương án sử dụng đất của các nông, lâm trường phải hoàn thành vào năm 2015, nhưng đến nay đã năm 2019 mà vẫn còn 13 địa phương chưa hoàn thành việc đo đạc, xác định diện tích đất. Thủ tướng cho rằng đây là khuyết điểm của lãnh đạo các địa phương này.
Thủ tướng đề nghị: "Các địa phương phải nói rõ vấn đề này. Không đo đạc, không đánh giá thì làm sao biết để phân bổ phần nào của Nhà nước, phần nào giao cho người dân. Còn tình trạng giữ đất lại trong khi dân không có đất sản xuất, nhất là đồng bào dân tộc. Phát canh thu tô có không? Sử dụng kém hiệu quả như thế nào?".
Với việc diện tích đất nông, lâm trường hiện nay chiếm tới 10% diện tích đất nông nghiệp cả nước, tức 1,8 triệu ha, Thủ tướng đặt vấn đề với các địa phương và công ty nông, lâm nghiệp.
"Ngoài rừng tự nhiên, rừng phòng hộ thì nhiều đất ở vị trí đắc địa, có giá trị. Vậy 1,8 triệu ha này đóng góp gì cho quốc kế dân sinh, cho phát triển nông nghiệp Việt Nam. Thậm chí làm sao để nông, lâm trường dẫn dắt ngành nông nghiệp Việt Nam, nâng cao đời sống của nhân dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nhiều mục tiêu như vậy, nhưng trước hết sử dụng hiệu quả là rất quan trọng, câu hỏi đặt ra là chỗ đó", Thủ tướng nêu rõ.
Từ thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải chủ trì phối hợp các cơ quan khác xây dựng dự thảo Tờ trình Báo cáo Bộ Chính trị về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị với chất lượng cao, nêu những vấn đề từ thực tiễn, những nút thắt, khó khăn và đề xuất giải pháp.
Trong đó, Thủ tướng nêu một thực trạng hiện nay, đó là trên giấy tờ thì đất đai nhà nước còn rất lớn, nhưng nhiều nơi đất chỉ còn trên danh nghĩa. Thủ tướng cho rằng, hiện nay khó có thể tìm được 100-200.000 ha đất trống, nhưng trên giấy tờ thì vẫn còn. Đây là do các cơ quan Nhà nước không nắm được thực tế, trong khi để không ít tổ chức cá nhân hưởng lợi, tình trạng phát canh thu tô trong các lâm, nông trường. Trong khi thiếu đất sản xuất thì có những nơi chia đất làm nhà, hưởng lợi, không đóng thuế, không thực hiện nghĩa vụ sử dụng đất...
Dù đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị đã giúp nhiều đơn vị có mô hình tốt, doanh nghiệp tăng lợi nhuận sau sắp xếp, nhưng Thủ tướng cũng chỉ ra nhiều tồn tại như tài chính đất đai chưa được xử lý dứt điểm, nhiều đơn vị chưa phê duyệt phương án tổng thể sử dụng đất; việc giải thể doanh nghiệp còn nhiều vướng mắc...
Thủ tướng cho rằng nguyên nhân khiến việc sử dụng đất nông, lâm trường chưa hiệu quả là do địa phương thiếu quyết liệt. Ảnh: Chinhphu.vn |
Trong nhiều nguyên nhân khiến việc sử dụng đất nông, lâm trường chưa hiệu quả, Thủ tướng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là chính. Trong đó, một số địa phương thiếu quyết liệt. Thủ tướng đặc biệt lưu ý có dư luận về một số trường hợp cố tình làm chậm, làm trái, còn tình trạng lợi ích nhóm gây thất thoát lãng phí lớn nguồn lực, tài nguyên đất đai, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, tổ chức và người dân. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ việc khiếu nại, khiếu kiện chưa được giải quyết. Đây là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận để có giải pháp xử lý.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng chỉ đạo các quan điểm cụ thể, đó là việc sắp xếp, đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp phải gắn với nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.
Nhấn mạnh sản xuất phải gắn với thị trường, Thủ tướng yêu cầu các công ty nông lâm nghiệp phải khơi dậy, phát huy hiệu quả những tiềm năng thế mạnh, nguồn lực đất đai hiện có, thực hiện được các sứ mệnh quan trọng: một là một động lực mới của nền kinh tế cấu thành trong phát triển; thứ hai là bộ phận quan trọng của quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giao nhiệm vụ các công ty nông lâm nghiệp phải dẫn dắt ngành nông nghiệp nước ta; thứ ba, các công ty nông, lâm trường là công cụ quan trọng để đưa các chính sách của Đảng, Nhà nước, cụ thể là Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Để phát triển các công ty nông lâm trường một cách thực sự bền vững, Thủ tướng nêu quan điểm, cần có cơ chế chính sách khơi thông, quản lý thật sự chặt chẽ hiệu quả các nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực tại chỗ. Trong đó phải đảm bảo nguyên tắc quan trọng, đó là đất đai và tài nguyên rừng phải giao cho chủ thể trực tiếp để quản lý có hiệu quả. Nghiêm cấm phát canh thu tô, hưởng lợi trung gian. Quan tâm đặc biệt tạo việc làm đối với người dân địa phương, nhất là động bào dân tộc thiểu số, vùng tái định cư, gắn với quản lý đất đai và bảo vệ rừng. Thu hút mạnh đầu tư, thúc đẩy sớm hình thành các vùng nông lâm quy mô lớn, áp dụng khoa học công nghệ, gắn với công nghiệp chế biến...
Đừng tái đề xuất khai thác rừng tự nhiên
Tại hội nghị, trước việc có doanh nghiệp lâm nghiệp đề xuất cho phép khai thác rừng tự nhiên theo mô hình khai thác tác động thấp, ông Cao Đức Phát, Phó Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, cần tiếp tục duy trì cấm khai thác chính rừng tự nhiên.
Trước vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lại, chủ trương của Chính phủ là đóng cửa rừng tự nhiên để bảo vệ phát triển vốn rừng. Người dân chỉ được khai thác lâm sản phụ dưới tán rừng. Bởi theo Thủ tướng, năm nay nước ta xuất khẩu sản phẩm gỗ có thể đạt 11 tỷ USD, nhưng đều là từ gỗ rừng trồng. Nếu khai thác rừng tự nhiên làm nguyên liệu thì các thị trường sẽ không chấp nhận.
Thủ tướng chỉ đạo: “Cần quán triệt vấn đề này ở các nơi, đừng đề nghị lên Chính phủ lần nữa việc tiếp tục khai thác rừng tự nhiên”./.
Thủ tướng dự hội nghị về đổi mới công ty nông-lâm nghiệp