Thủ tướng: Đặc biệt chú ý hoàn thiện quy định về PCCC tại các quán karaoke
VOV.VN - "Đặc biệt chú ý hoàn thiện quy định về PCCC tại các quán karaoke, ví dụ, liệu có thể nghiên cứu quy định thiết lập hệ thống điện, âm thanh để bảo đảm khi xảy ra cháy trong quán karaoke thì phải ngắt toàn bộ hoạt động của hệ thống âm thanh trong quán".
Sáng nay (12/9), tại trụ sở Chính phủ, Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu Trụ sở Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ, ngành.
Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là tại các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thủ tướng nhấn mạnh, những vụ nghiêm trọng là cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy cách tiếp cận mới trong công tác phòng cháy, chữa cháy, ứng phó với các sự cố tai nạn hỏa hoạn để đảm bảo an toàn tài sản, nhất là tính mạng con người đặt sức khỏe tính mạng của người dân lên trên hết.
Thủ tướng đề nghị, với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc khách quan thẳng thắn tập trung đánh giá kết quả đã đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được những tồn tại, hạn chế bất cập, khó khăn, vướng mắc làm rõ nguyên nhân khách quan chủ quan trên cơ sở đó chúng ta rút ra bài học kinh nghiệm gì, trong đó tập trung vào các vấn đề như hoàn thiện chính sách pháp luật rồi khâu tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước, tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn, nhất là về con người công nghệ, trang thiết bị và trách nhiệm của mỗi cơ quan, địa phương có liên quan, cá nhân.”
Báo cáo tại hội nghị, Bộ Công an cho biết, trong 5 năm qua, công tác phòng ngừa cháy, nổ, sự cố, tai nạn được tăng cường, đã điều động hơn 200 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ với hơn 30 nghìn lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với 18 nghìn vụ cháy, nổ, sự cố, tai nạn. Qua đó, đã hạn chế được thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra, cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người, bảo vệ được tài sản của Nhà nước và Nhân dân ước tính hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Tuy nhiên, trong 5 năm qua toàn quốc xảy ra trên 17.000 vụ cháy làm chết hơn 400 người và bị thương gần 800 người; thiệt hại ước tính hơn 7.000 tỷ đồng và hơn 7.500 ha rừng. Bên cạnh đó, xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết và 190 người bị tương.
Riêng trong 8 tháng năm 2022, toàn quốc xảy ra 1.136 vụ cháy, làm chết 57 người, bị thương 52 người; thiệt hại tài sản ước tính trên 500 tỷ đồng và 39ha rừng. Ngoài ra cả nước xảy ra 10 vụ nổ, làm 07 người chết và 11 người bị thương.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các Bộ ngành, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự nỗ lực, kết quả mà các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, Thủ tướng trân trọng ghi nhận và cảm ơn sự xả thân, hy sinh, quên mình của lực lượng Công an nhân dân nói chung, các lực lượng tham gia nhiệm vụ PCCC, cứu nạn, cứu hộ; nòng cốt là lực lượng Cảnh sát PCCC nói riêng đã nỗ lực khắc phục khó khăn, không quản ngại khó khăn, gian khổ để thực hiện nhiệm vụ cao cả, vì sự bình yên của cuộc sống, vì tính mạng của Nhân dân và gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ những tồn tại, hạn chế cần khẩn trương, quyết liệt khắc phục như: Ý thức, trách nhiệm đối với công tác PCCC có nơi chưa tốt; còn chủ quan, lơ là, thiếu cảnh giác trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; còn nhiều trường hợp cố ý vi phạm quy định. Công tác quản lý nhà nước không ít nơi bị buông lỏng; Chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ mạnh, nhiều lúc còn chưa nghiêm, chưa đảm bảo tính răn đe; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ chưa toàn diện, đồng bộ.
Dự báo trong thời gian tới, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn sẽ diễn biến phức tạp, khó lường… Biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp; nguy cơ cháy rừng sẽ cao hơn; sự thay đổi địa chất tại một số vùng, miền dẫn đến nguy cơ động đất, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị cho các hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong đó nhấn mạnh, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 47-CT/TW và Kết luận 02 ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; các văn bản, nghị quyết của Quốc hội; các nghị định, quyết định văn bản có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phải xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần thiết; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân và trực tiếp phục vụ cho phát triển KT-XH đất nước. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn, cháy nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị định số 83 và các quyết định của chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đặc biệt chú ý hoàn thiện quy định về phòng cháy chữa cháy tại các quán karaoke, ví dụ, liệu có thể nghiên cứu quy định thiết lập hệ thống điện, âm thanh để bảo đảm khi xảy ra cháy trong quán karaoke thì phải ngắt toàn bộ hoạt động của hệ thống âm thanh trong quán? Vì thực tế do âm thanh quá lớn nên nhiều người không nghe thấy hiệu lệnh, báo động báo cháy; hoặc cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phải có thêm lối thoát nạn?
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng để nhân dân tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân PCCC và cứu nạn, cứu hộ; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kiện toàn, củng cố các lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư, cơ sở.
Tập trung các nguồn lực để xây dựng và phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; Xây dựng, kiện toàn lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tinh thông về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ thuật, chiến thuật chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; Khẩn trương nghiên cứu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, các công nghệ cao, công nghệ chữa cháy tự động vào hoạt động phòng cháy, chữa cháy.
Về một số nhiệm vụ cần khẩn trương thực hiện, Thủ tướng chỉ rõ, Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tập trung hoàn thành quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm, trong đó có quán karaoke; nhất là liên quan đến việc chuyển đổi công năng sử dụng như từ nhà ở chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh dịch vụ. Phối hợp với Bộ Công an khẩn trương sửa đổi các quy định về cấp nước chữa cháy tại các khu công nghiệp, khu đô thị.
Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện (sau công tơ), bảo đảm an toàn về PCCC tại các cơ sở, hộ gia đình. Rà soát cơ sở kinh doanh, bảo quản hóa chất có nguy cơ cháy, nổ cao xen cài trong các khu dân cư để có kế hoạch di dời, bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu, tăng cường thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; xử lý nghiêm, kiên quyết thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện./.