ASEAN - Trung Quốc sẽ sớm đàm phán về COC

ASEAN đã nhất trí được một văn bản, nếu được thông qua giữa ASEAN và Trung Quốc, đó là một công cụ hiệu quả cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 45 và các hội nghị liên quan vừa bế mạc chiều 13/7 tại Phnom Penh, Campuchia. Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc (Ảnh: Đỗ Tuấn Anh)

PV: Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu đặt ra và kết quả đạt được tại các hội nghị ASEAN lần này?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Các hội nghị diễn ra trong bối cảnh khu vực và quốc tế có rất nhiều thuận lợi trong hòa bình, phát triển và ổn định, nhưng đồng thời có rất nhiều khó khăn phức tạp. Chính vì vậy, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần này phải đạt được định hướng lớn, xử lý những vấn đề đang đặt ra cả về xây dựng Cộng đồng ASEAN, về tăng cường quan hệ với các đối tác, nhưng đồng thời ứng xử với các vấn đề đang đặt ra trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Trong quá trình trao đổi của các Hội nghị Bộ trưởng ASEAN và Bộ trưởng ASEAN với các đối tác đã có những kết quả tốt.

Thứ nhất các nước đối tác ủng hộ ASEAN trong nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đây là cơ sở cho sức mạnh của ASEAN. Các nước đối tác ủng hộ và cho rằng nếu một ASEAN mạnh thì khu vực này sẽ có môi trường hòa bình ổn định, và cũng là định hướng để các nước hợp tác tốt hơn.

Thứ hai là ASEAN phải chủ động và phát huy hơn nữa vai trò của mình trong đóng góp vào xây dựng và đảm bảo môi trường hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực cho phát triển.

Ở đây có một số vấn đề đặt ra và các Bộ trưởng đã nhất trí như: Yêu cầu làm sao phải đảm bảo được việc thực hiện luật pháp quốc tế, trong đó có vấn đề về tôn trọng chủ quyền độc lập quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không sử dụng vũ lực; ASEAN phải thúc đẩy và phát huy hơn nữa vai trò của các công cụ, các phương tiện, các diễn đàn liên quan đến chính trị, an ninh và hợp tác phát triển khu vực, nổi lên là Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện ở Đông Nam Á (TAC); khu vực phi vũ khí hạt nhân và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như là các diễn đàn của ASEAN ARF; ASEAN + 1; ASEAN + 3; Hội nghị Cấp cao Đông Á; và diễn đàn Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Tất cả những cái này là cần thiết.

Đây là đợt hoạt động trong năm của ASEAN với nhiều đối tác nhất. Trong đợt này, các đối tác đã đến tham dự và đã thể hiện cam kết ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và giành cho ASEAN sự giúp đỡ to lớn hơn, hợp tác ưu tiên nhiều hơn trong nỗ lực chung ở khu vực này.  

PV: Xin Thứ trưởng cho biết về những tiến bộ của ASEAN trong việc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) và tiến độ triển khai đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề này?   

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Về vấn đề Biển Đông, nếu chúng ta theo dõi thì đây là mối quan tâm chung của các Bộ trưởng tại hội nghị này cũng như của các Diễn đàn ASEAN; ASEAN với đối tác.

Trước hết về tình hình Biển Đông, các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây, đặc biệt là những diễn biến liên quan đến các vi phạm thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển trái với tinh thần cũng như quy định của Công ước Luật biển quốc tế.

Trong quá trình trao đổi, Việt Nam và các nước đều nhấn mạnh nguyên tắc phải tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển, đặc biệt là quy định của Công ước Luật biển liên quan đến việc tôn trọng vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển; nhấn mạnh đến các nguyên tắc giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không sử dụng vũ lực; nhấn mạnh đến nhu cầu cần phải thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Chính trong bối cảnh như vậy thì ASEAN cũng nhận được sự đồng tình của rất nhiều nước là phải thúc đẩy sớm hơn nữa một Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông có tính cam kết và ràng buộc cao hơn.

Một vấn đề nữa liên quan đến việc ASEAN trao đổi về các thành tố của Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC). Tại Hội nghị lần này, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong cuộc họp riêng cũng đã nhất trí sẽ tán thành đề nghị đó của các quan chức cấp cao đưa lên. Như vậy ASEAN đã có quyết tâm là sẽ thúc đẩy tham vấn cùng với Trung Quốc xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC). ASEAN cũng xây dựng được các thành tố làm cơ sở lập trường chung vào các đàm phán của mình.

Trong các thành tố mà ASEAN đề ra, trước hết là về mặt quan điểm, ASEAN cho rằng, cần phải khẳng định lại những nguyên tắc tích cực đã được đề ra trong Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), theo đó cần phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển.

Để có thể bảo đảm được tốt hơn an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông thì Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) phải cao hơn cả về nội dung và cả về quy định thực hiện cũng như giá trị ràng buộc và cam kết so với tuyên bố DOC.

Trong quá trình trao đổi và trong các thành tố nhấn mạnh các điểm sau: Thứ nhất là COC phải tạo ra được khuôn khổ có tính chất ràng buộc và cam kết cao hơn để đảm bảo các bên phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển. Trong đó có việc giải quyết hòa bình các tranh chấp và tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của mình.

Thứ hai là làm sao tạo ra được cơ chế để bảo đảm thực hiện và giám sát thực hiện những cam kết, những quy định sẽ được đề ra trong một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) trong tương lai.

Thứ ba nữa là quy định những thành tố cơ bản, sẽ lấy những điểm tích cực, những quy định tích cực đã có trong DOC, nhưng đồng thời nhấn mạnh thêm những cơ chế làm sao khi có vi phạm thì phải có cơ chế giải quyết. Theo đó cơ chế giải quyết thứ nhất là phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Công ước Luật biển; dựa vào những Luật pháp quốc tế khác kể cả Hiến chương Liên Hợp Quốc, và kể các quy định trong Hiệp ước về Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC).

Tại Hội nghị này ASEAN cũng đưa ra đề xuất của mình. Trung Quốc hứa là sẽ xem xét một cách nghiêm túc những đề nghị của ASEAN và sẽ cùng bàn bạc trao đổi với ASEAN để tính thời điểm thích hợp có thể khởi động trong năm nay.

Từ nay đến lúc đó, ASEAN sẽ tiếp tục cùng với Trung Quốc bàn bạc và chuẩn bị những bước đi cần thiết cho việc có thể khởi động và đàm phán về COC. Các nước trong khối ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cho rằng, việc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) càng sớm càng tốt.

ASEAN đã nhất trí được một văn bản mà nếu được thông qua giữa ASEAN và Trung Quốc thì đó sẽ là một công cụ thực sự hiệu quả và hữu hiệu hơn cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết, đoàn Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật gì tại Hội nghị lần này?

Thứ trưởng Phạm Quang Vinh: Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị lần này. Yêu cầu chung và chủ trương xuyên suốt của chúng ta trong thời gian vừa qua khi tham gia ASEAN là đóng góp một cách chủ động, tích cực và trách nhiệm vào những trọng tâm ưu tiên.

Chúng ta có thể điểm một vài trọng tâm ưu tiên của ASEAN mà cũng với ưu tiên của Việt Nam mà chúng ta đã đóng góp rất tích cực và được bạn bè đánh giá cao. Đó là phải tăng cường đoàn kết, liên kết và gắn kết trong ASEAN để có thể cùng nhau xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và để cho ASEAN có đà phát triển hơn nữa trong những năm tiếp theo.

Tiếp theo là phải phát huy vai trò của ASEAN trong việc đóng góp xây dựng môi trường hòa bình, an ninh và ổn đinh ở khu vực. Đây là điều kiện không thể thiếu trong xây dựng Cộng đồng ASEAN và cho khu vực phát triển.

Điểm nữa là phát huy vai trò trung tâm và chủ động của ASEAN trong các diễn đàn khu vực và cùng chung tay hợp tác để xử lý những thách thức đang đặt ra. Trong đó có xử lý những vấn đề về chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, những thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chống khủng bố.

Cuối cùng, để làm được điều đó, ASEAN phải tự nỗ lực, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các đối tác. Chúng ta phải thúc đẩy việc làm sâu sắc hơn, tăng cường hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác vì các mục tiêu chung.

Trong dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với tư cách là nước điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng đã chủ trì cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với Trung Quốc. Hội nghị lần này là dịp tổng kết 3 năm nhiệm kỳ Việt Nam làm điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc.

Tổng kết lại trong 3 năm qua, quan hệ mối quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc đã phát triển rất mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật. Đồng thời cũng tạo ra những bước tiến bộ nhất định trong việc thúc đẩy xây dựng lòng tin, triển khai tham vấn để thực hiện tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Và như vậy chúng ta thấy tháng 7/2011, với sự điều phối của Việt Nam, thì đã thông qua được những quy tắc hướng dẫn để thực hiện DOC. Cũng với sự điều phối của chúng ta trong ASEAN, các thành tố chính trong Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông (COC) đã cơ bản được hoàn tất để từ đó làm cơ sở khởi động đàm phán với Trung Quốc. Trong sự điều phối của Việt Nam, ASEAN cũng đã tổ chức tham vấn một cách không chính thức ở cấp quan chức cao cấp SOM với Trung Quốc bàn về sự chuẩn bị cho bước khởi động về đàm phán COC.

Nhìn lại trong 3 năm Việt Nam điều phối, quan hệ ASEAN – Trung Quốc đã có những bước tiến triển nhất định trong cả quan hệ đối tác giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như trong việc triển khai thực hiện tuyên bố DOC. Vấn đề này được các nước đánh giá rất cao./.

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên