Cách mạng Tháng Tám ở Huế là sự chuyển giao quyền lực mang giá trị nhân văn
VOV.VN - Cách mạng Tháng Tám ở Huế với sự thoái vị của Bảo Đại, là sự chuyển giao quyền lực mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Cách mạng Tháng Tám ở Huế đã đi vào lịch sử với một tầm quan trọng đặc biệt, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến, chính phủ bù nhìn và thế lực bảo trợ là quân đội phát- xít Nhật, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn Cách mạng Tháng Tám của dân tộc.
Đã 3/4 thế kỷ qua đi, nhưng dấu ấn của những ngày quật khởi, Cách mạng tháng Tám 1945 ở Huế mãi không phai mờ trong hồi ức của những người con xứ Huế.
Sau khi Ủy ban Khởi nghĩa Trung ương Đảng ban hành lệnh Tổng khởi nghĩa, phong trào quần chúng từng địa phương đứng lên làm cách mạng như vũ bão. Ngày 15/8/1945, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế triệu tập Hội nghị toàn tỉnh, thông qua kế hoạch khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong cả nước, Chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang cao độ. Ngày 18/8, các huyện lỵ Phong Điền, Phú Lộc mở đầu khởi nghĩa thắng lợi; tiếp đó, là các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang, Quảng Điền… giành được chính quyền.
Ông Nguyễn Tửu (94 tuổi), một trong số ít những người tham gia khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám ở tỉnh Thừa Thiên Huế nay vẫn nhớ rõ khí thế của những ngày Mùa thu tháng Tám năm 1945.
17 tuổi, ông Nguyễn Tửu tham gia cách mạng. Ngày đó, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc biểu tình, khởi nghĩa giành chính quyền. Khi ấy, ông tham gia phong trào quần chúng cùng cả làng, cả nước giành chính quyền. Quần chúng giành chính quyền tại huyện Quảng Điền, một khí thế chưa từng có. "Bác Hồ có câu, nhà nông là chiến sĩ, cuốc cày là vũ khí, cho nên khi đó, khí thế hừng hực lên" - ông Nguyễn Tửu nhớ lại.
Tối 22/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa của tỉnh đã gửi tối hậu thư cho vua Bảo Đại phải thoái vị. Chiều 23/8/1945, hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các đội cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế dưới rừng cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm!”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam!”.
Khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân như “triều dâng, thác đổ”, biến cuộc mít tinh của Chính phủ Trần Trọng Kim, mừng việc Nhật trao trả quyền cai trị Nam Kỳ cho triều đình nhà Nguyễn ở sân vận động Huế thành cuộc mít tinh biểu dương lực lượng, giành chính quyền của Cách mạng.
Tại đây, ông Tố Hữu - Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa đọc diễn văn và tuyên bố, từ nay chính quyền về tay Nhân dân, đồng thời, giới thiệu ra mắt UBND Cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chiều 30/8/1945, trước Quảng trường Ngọ Môn, Nhân dân Thừa Thiên Huế chứng kiến giờ phút lịch sử khi Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến đọc “Chiếu thoái vị” và trao Ấn kiếm, biểu tượng của vương quyền nhà Nguyễn cho đại diện của Chính phủ lâm thời, chấm dứt sự thống trị hàng trăm năm của chế độ phong kiến triều Nguyễn và xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Đánh dấu thắng lợi trọn vẹn của cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa thu lịch sử trên đất Cố đô Huế.
Cách mạng Tháng Tám ở Huế là sự đồng tâm của các tầng lớp Nhân dân, trong đó, có rất nhiều trí thức và quan lại Hoàng tộc nhà Nguyễn giác ngộ, tham gia cách mạng.
Xuất thân từ Hoàng tộc, là chắt nội của vua Hiệp Hòa, ông Nguyễn Phước Vĩnh Mẫn, năm nay 91 tuổi, vẫn còn nhớ những ngày trung tuần Tháng Tám năm 1945. Ông là con cụ Bửu Trác - cháu nội vua Hiệp Hòa, cha từng giữ chức thống chế nhất phẩm triều đình, nhân vật thứ hai sau Vua. Thế nhưng, ông Mẫn sớm giác ngộ và theo cách mạng.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám diễn ra, ông tham gia làm liên lạc giải phóng quân. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chàng trai Vĩnh Mẫn từ bỏ tất cả, đi theo Cụ Hồ, trở thành vị Chính ủy “Cửa Việt”, một đơn vị trong lực lượng “Đường Hồ Chí Minh” trên biển nổi tiếng.
Ông Vĩnh Mẫn chia sẻ, không ít quốc gia mà cuộc cách mạng lật đổ chế độ phong kiến đã giết Vua, cầm tù, đày đọa các quý tộc dòng họ nhà vua. Nhưng Cách mạng Tháng Tám ở Huế với sự thoái vị của Bảo Đại, là sự chuyển giao quyền lực mang giá trị nhân văn sâu sắc.
"Tôi làm liên lạc và thấy không có cách nào hơn là phải khởi nghĩa, mà khởi nghĩa của mình là dưới sự lãnh đạo của cụ Hồ, từ nô lệ đứng lên cầm súng để đánh lại Tây. Nếu không có cuộc Cách mạng Tháng Tám thì làm sao vượt qua được cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ" - ông Vĩnh Mẫn cho biết.
Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho rằng, bài học về tinh thần đoàn kết của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay đất nước đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng với những cách làm, cách nghĩ sáng tạo, linh hoạt và sự đồng thuận của Nhân dân, dưới sự lãnh đạo và thống nhất của Đảng và Chính phủ thì các biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dịch đã hạn chế rất nhiều những tổn thất.
Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, người dân cần có niềm tin sâu sắc vào chủ trương của Đảng và Nhà nước, cùng nhau vượt qua những khó khăn của đại dịch. Đó cũng là bài học từ chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám.
“Cách mạng Tháng Tám thành công ở Huế đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Lòng yêu nước của nhân dân, khát vọng hòa bình và giải phóng bản thân, giải phóng gia đình và giải phóng quốc gia, xây dựng một quốc gia độc lập hòa bình. Quyền của người dân được phát huy. Sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thống nhất xung quanh một chính Đảng có tổ chức , có sự lãnh đạo, tất cả đồng lòng, đồng sức đứng lên thành một đội ngũ giành chính quyền" - ông Dương Phước Thu cho biết.
Kế thừa bài học kinh nghiệm từ các thế hệ lãnh đạo ưu tú của chính quyền cách mạng trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Huế, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn gần dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân, đưa ra những quyết sách hợp lòng dân./.