Cán bộ tuyên giáo không thể sống xa dân, xa cơ sở
VOV.VN - Một trong những yếu tố không thể thiếu đối với cán bộ tuyên giáo là phải thực sự gần dân, sát với địa bàn cơ sở để kịp thời nắm bắt tư tưởng của họ.
Năm 2020, ngành Tuyên giáo kỷ niệm 90 năm thành lập (1/8/1930-1/8/2020). Tại Hội thảo “Công tác Tuyên giáo của Đảng – 90 năm chặng đường vẻ vang: Thành tựu và Tầm nhìn” mới đây, các ý kiến tham luận đã khẳng định vai trò và những đóng góp to lớn của ngành Tuyên giáo đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc trong 90 năm qua. Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện sự nghiệp đổi mới và đã đạt được nhiều thắng lợi.
Bên lề Hội thảo, trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, cho biết, từ thực tiễn công tác tuyên giáo trên địa bàn thành phố thời gian qua, có thể nói, muốn làm tốt công tác, mỗi cán bộ tuyên giáo cần phải gần dân hơn, đi sâu sát địa bàn hơn để kịp thời nắm bắt tư tưởng trong cán bộ đảng viên. Đặc biệt phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với từng lĩnh vực, từng công việc, từ đó mới có thể nắm chắc và tham mưu cho lãnh đạo các chương trình, kế hoạch cũng như giải pháp. Đây cũng là cách mà cán bộ tuyên giáo của thành phố đã làm trong quá trình tham mưu cho thành phố giải quyết những vấn đề, vụ việc gây bức xúc đối với người dân.
PV: Là thành phố “đầu tàu” kinh tế của cả nước, chắc chắn công tác tuyên giáo của thành phố cũng cần phải có những điểm nhấn, đặc thù. Đâu là điểm nhấn mà tuyên giáo Thành ủy TPHCM đã thực hiện trong thời gian qua, thưa ông?
Ông Lê Văn Minh: Công tác tuyên giáo trên địa bàn thành phố rất đa dạng và phong phú, đòi hỏi nhiều công việc cần có sự tập trung, thường xuyên, lâu dài kể cả những công việc được dự báo trước, để từng thành viên trong đội ngũ làm công tác tuyên giáo phải chủ động, xác định chính xác các nội dung.
Một trong những điểm nhấn trong công tác tuyên giáo của thành phố thời gian qua là kịp thời nắm bắt luồng tư tưởng của cán bộ, nhân dân. Ví như đối với các vụ việc có liên quan đến kinh tế, văn hóa, xã hội, việc kịp thời nắm bắt như vậy giúp tham mưu cho lãnh đạo thành phố, cho Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy, sở ngành, cơ quan đơn vị có liên quan kịp thời có các giải pháp xử lý tốt các vụ việc, vấn đề.
Nếu không kịp thời nắm bắt, công tác tư tưởng sẽ chậm một bước so với thực tế diễn ra trên địa bàn, như vậy sẽ rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến nhận thức chính trị của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là sự quan tâm của người dân đối với các vấn đề kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố.
PV: Thông tin xấu độc trên mạng xã hội cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nhận thức, tâm lý của người dân. TPHCM có những biện pháp gì để đấu tranh, phản bác với những quan điểm sai trái đó, để công tác tuyên giáo thực sự được coi là đi trước đón đầu?
Ông Lê Văn Minh: Nhận thức được vấn đề đặt ra của mạng xã hội cũng như tính năng, công năng của mạng xã hội là nhanh và tác động trực tiếp đến nhận thức của người dân và một bộ phận cán bộ đảng viên, do đó Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án 05 ngày 19/6/2020 về kiên trì lan tỏa các thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên Internet và mạng xã hội.
Trong đề án này, chúng tôi xác định rất rõ 12 biểu hiện của thông tin xấu độc trên mạng xã hội, có thể sẽ xảy ra trên địa bàn thành phố, từ đó đề ra 6 nhóm giải pháp, đặc biệt có sự phân công cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Chúng tôi cũng xây dựng một quy trình cho từng cấp độ, để tương ứng với phân công nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị xử lý các vấn đề xảy ra trên mạng xã hội, từ đó có giải pháp tương ứng với từng cấp độ theo quy trình đó.
PV: Đợt sinh hoạt kỷ niệm 90 năm ngành Tuyên giáo, thành phố có những hoạt động gì nhằm khơi dậy, phát huy truyền thống của ngành cũng như xây dựng nỗ lực của cán bộ, đảng viên trong ngành?
Ông Lê Văn Minh: Sự kiện kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy để tổ chức các hoạt động sao cho thật ý nghĩa và thiết thực để chào mừng ngày lễ của ngành tuyên giáo. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh yếu tố lịch sử truyền thống nhằm giáo dục đội ngũ cán bộ tuyên giáo trên địa bàn thành phố thông qua các chuyến về nguồn, về nơi thành lập Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn-Gia Định trước đây tại địa bàn tỉnh Tây Ninh (Trung ương Cục miền Nam).
Chúng tôi cũng tổ chức các hoạt động họp mặt các nguyên lãnh đạo của ngành Tuyên giáo trên địa bàn thành phố nhiều năm qua, nhằm giúp đội ngũ cán bộ trẻ được tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm, được tìm hiểu nhiều hơn, đặc biệt tiếp thu được ý kiến chỉ đạo hướng dẫn và những kinh nghiệm đã từng kinh qua các các vị lão thành từng hoạt động trong ngành tuyên giáo.
PV: Trong tình hình hiện nay, theo ông, một cán bộ tuyên giáo cần những yếu tố, phẩm chất nào để đáp ứng yêu cầu công việc?
Ông Lê Văn Minh: Đối với cán bộ tuyên giáo ở mỗi đảng bộ, địa phương, cơ quan, đơn vị sẽ có những đòi hỏi, yêu cầu, chức trách khác nhau. Đối với TPHCM, bản thân tôi thấy rằng một cán bộ tuyên giáo cần có nhận thức chính trị đúng đắn; bản lĩnh vững vàng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo yêu cầu đặt ra cho công việc; phải có sự học hỏi, biết đoàn kết, hỗ trợ công việc đối với đồng chí, đồng nghiệp.
Một trong những yếu tố không thể thiếu đối với cán bộ tuyên giáo là phải thực sự gần dân, sát với địa bàn cơ sở để kịp thời nắm bắt được tư tưởng, dư luận, để từ đó tham mưu tốt cho lãnh đạo.
PV: Xin cảm ơn ông./.