Cân nhắc việc ban hành Luật lý lịch tư pháp

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, ban hành Luật phải tính tới tính khả thi, trong quá trình thực hiện không có biến động lớn và không gây tốn kém

Sáng nay (10/11), dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội làm việc ở Hội trường, thảo luận về dự án Luật Lý lịch Tư pháp. Trước đó, cũng tại kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở Tổ Dự án Luật Lý lịch Tư pháp.

Trong phiên thảo luận sáng nay, việc có cần thiết ban hành Luật Lý lịch tư pháp trong thời điểm hiện nay hay không lại là băn khoăn của nhiều đại biểu. Một số ý kiến thì tán thành như Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật LLTP. Theo lý giải của các đại biểu, việc ban hành Luật sẽ giải quyết những vấn đề bất cập và điều chỉnh thống nhất lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu về cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, phù hợp với yêu cầu hội nhập và xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Hơn nữa, lĩnh vực quản lý LLTP liên quan đến trách nhiệm của nhiều bộ, ngành liên quan, như Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao… nếu điều chỉnh bằng nghị định của Chính phủ sẽ không phù hợp.

Tuy nhiên, có rất nhiều đại biểu băn khoăn cho rằng, Quốc hội cần xem xét lại việc có cần thiết hay không ban hành Luật lý lịch tư pháp trong thời điểm hiện nay. Theo các đại biểu Võ Văn Đủ (đoàn Đắc Nông), Hồ Trọng Vũ (đoàn Ninh Thuận), hiện nay việc cấp phiếu LLTP đang được các cơ quan Tư pháp, Công an thực hiện khá tốt và việc ban hành Luật cùng với việc thành lập một loạt các Trung tâm LLTP sẽ cồng kềnh, gây tốn kém… Việc ban hành Luật phải có tính khả thi, trong quá trình thực hiện không có biến động lớn và không gây tốn kém. “Tôi chia sẻ ý kiến với một số đại biểu về nhu cầu xây dựng Luật này đã cần thiết chưa? Có đặt vấn đề dân sự hoá lĩnh vực này không? Giới hạn của phạm vi trong luật là quá hạn hẹp. Hơn 60 năm qua, ngành Công an đã làm việc này rất hiệu quả. Chưa nên đặt vấn đề có một bộ Luật để điều chỉnh cũng như một lượng kinh phí lớn để xây dựng các Trung tâm LLTP”- đại biểu Hồ Trọng Vũ đề nghị.

Tổng kết một số ý kiến về phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Phạm Văn Hà (đoàn Nghệ An) cho biết, có 19 ý kiến ở đoàn Nghệ An đồng ý việc ban hành Luật, 17 ý kiến không đồng ý. Do đó, đại biểu Phạm Văn Hà đề nghị Quốc hội cần xem xét có cần thiết ban hành luật này trong điều kiện hiện nay hay chưa?

ĐB Võ Văn Đủ, Đoàn Đắc Nông, cho rằng, Phiếu LLTP là bức tranh phản ảnh quá khứ một cá nhân có hay không vi phạm pháp luật. Do đó, để đảm bảo, phạm vi điều chỉnh và phạm vi quản lý LLTP phải bao gồm cả tiền án, tiền sự và cũng cần điểu chỉnh cả các hành vi chưa đến mức xử lý hình sự.

Có nên giao việc xoá án tích đương nhiên cho Trung tâm LLTP

Vấn đề xoá án tích đương nhiên cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo các đại biểu Vi Thị Hương (đoàn Điện Biên), Ngô Thị Nam (đoàn Đồng Tháp) và một số đại biểu, vấn đề giao thêm cho Trung tâm LLTP thực hiện việc xoá án tích đương nhiên là không đúng với bộ luật tố tụng hình sự. “Liệu Trung tâm LLTP có đủ khả năng để làm việc này hay không”- đại biểu Ngô Thị Nam băn khoăn.

Cũng như ý kiến của rất nhiều đại biểu khác đề cập vấn đề này trong phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Ngô Thị Nam cho rằng, giao Toà án thực hiện xoá án tích đương nhiên là đúng và không giao cho Trung tâm LLTP thực hiện việc này.

Để dẫn chứng cho ý kiến về việc đã hợp lý hay chưa việc thành lập Trung tâm LLTP vào thời điểm hiện tại, đại biểu Vi Thị Hương cho biết, ở phía Bắc số lượng cấp phiếu LLTP là ít, 9 năm chỉ cấp 70 phiếu “Về việc đương nhiên xoá án tích, chỉ Toà án mới có thẩm quyền, Luật lại quy định giao Trung tâm LLTP thì sẽ có hai cơ quan được xoá án tích thì có trùng không, hợp lý không?”- đại biểu Vi Thị Hương đặt câu hỏi.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hà cũng đặt vấn về, nếu giao cho Trung tâm LLTP xoá án tích đương nhiên thì có hai cơ quan được phép làm việc này là Toà án và Trung tâm LLTP. Trong trường hợp này, giấy của Toà án có giá trị hơn hay Trung tâm LLTP có giá trị hơn?

Về việc xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc quản lý LLTP, đại biểu Vũ Đức Mạnh (đoàn Bình Phước) và một số đại biểu cho rằng, nước ta hiện đang tiến hành cải cách tư pháp và cải cách hành chính theo hướng dễ dàng và nhanh gọn. Bộ Công an đã có dữ liệu đầy đủ và thực hiện tốt cho công tác phòng chống tội phạm.Không lên lập một hệ thống cơ sở dữ liệu khác, mà cần có điều khoản quy định chuyển tiếp từ Công an sang Tư pháp.

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu đã đóng góp ý kiến cho các điều khoản cụ thể của Dự án Luật.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên