Chống tham nhũng, một Bí thư Đảng ủy phường từng bị cắt chức
VOV.VN - Từng bị khủng bố, đe dọa thậm chí cắt chức, vị Bí thư Đảng ủy vẫn kiên trì chống tham nhũng đến cùng.
Chống tham nhũng là mặt trận nóng bỏng, nhiều người biết sai phạm nhưng có tâm lý e ngại với những người có chức có quyền, khiến nhiều nơi việc đấu tranh chống tham nhũng trở thành hình thức. Tuy nhiên, vẫn có những người dũng cảm đấu tranh để đi tới sự thật, họ đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi, kể cả mất chức vụ, quyền hạn.
Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội là một trong những người như vậy.
Ông Phạm Thanh Bình. |
Thế nhưng, hơn 30 năm qua, khu đất do ông Vương Bá Lại quản lý cứ bị thu hẹp dần. Nhiều hộ dân quanh khu đất ao Ải ngang nhiên lấn chiếm đất, làm nhà trên diện tích ông Lại đang canh tác. Nhiều lần, ông Vương Bá Lại gửi đơn lên Ủy ban Nhân dân phường Nghĩa Đô yêu cầu xác minh cụ thể số đất còn lại và làm thủ tục để ông không phải đóng thuế đất không được canh tác nhưng chỉ đến khi ông Phạm Thanh Bình giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường thì mọi việc mới được giải quyết.
Ông Vương Bá Lại cho biết: “Khi ông Phạm Thanh Bình làm Bí thư, sau khi đọc những đơn thư của tôi gửi, ông Bình đến gặp tôi luôn. Ông Phạm Thanh Bình là bộ đội, có tinh thần đấu tranh. Khi ông Bình làm Bí thư đã giải quyết được nhiều vụ ngang nhiên lấn chiếm đất. Ông Bình là người tôi tin tưởng, ông đã quyết tâm giải quyết và đã giải quyết được”.
Về làm việc tại phường Nghĩa Đô năm 1992, nhiệm kỳ 2005 - 2010, ông Bình được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân phường. Tại đây tốc độ đô thị hóa nhanh, Nhà nước thu hồi một phần lớn diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn phường. Cán bộ có hành vi buông lỏng dẫn tới nhiều sai phạm, điển hình là hành vi “bảo kê” cho lấn chiếm đất công, hợp thức hóa đất công, sử dụng đất sai mục đích… dẫn đến đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân không được giải quyết vì có sự “bao che”.
Ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên, Đại hội Đảng bộ phường Nghĩa Đô đã có Nghị quyết, chỉ ra 14 vụ việc sai phạm về đất đai có dấu hiệu tham nhũng trên địa bàn. Ông Phạm Thanh Bình đã ngày đêm trăn trở tìm phương án thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn này. Thời buổi "tấc đất, tấc vàng", phanh phui chuyện vi phạm đất đai là vô cùng nhạy cảm, nhưng ông Phạm Thanh Bình quyết tâm làm theo ý Đảng, lòng dân.
Khó khăn bắt đầu “lộ diện”, những vị lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch và Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân phường, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp… né tránh, đùn đẩy, thậm chí cấu kết bao che cho tiêu cực, tham nhũng. Vì thế, những vụ việc tồn đọng chẳng những không được xử lý kịp thời mà còn phát sinh những sai phạm mới.
Ông Phạm Thanh Bình trải lòng: “Đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng là cuộc đấu tranh quyết liệt cả về tư tưởng và hành động. Tôi là người lính, trước ở chiến trường thì kẻ thù trước mắt bằng xương thịt, có thể xả súng. Nhưng kẻ thù tham nhũng mình không thể làm thế được. Đôi khi là đồng chí của mình, là người ngay bên cạnh mình. Cho nên mình nản chí, mình lùi bước thì có thể bị đè bẹp, nên tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ lùi bước”.
Quyết tâm, ráo riết chỉ đạo và thường xuyên báo cáo lên Quận ủy Cầu Giấy để xin ý kiến chỉ đạo, tuy nhiên, những ý kiến tâm huyết của ông Phạm Thanh Bình đã không nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Quận ủy lúc đó. Chẳng những vậy, ông còn bị cấp trên quy chụp “tội” làm mất đoàn kết nội bộ và bị phê bình...
Quyết không buông xuôi, ông báo cáo sự việc lên nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội. Đối diện với những luồng dư luận nhiều chiều, rồi cuộc sống gia đình nhiều xáo trộn, cộng thêm những sức ép, nhiều lúc ông Bình tưởng như đã nản lòng, buông xuôi… Nhưng với bản lĩnh của “bộ đội Cụ Hồ” và sự tin tưởng từ phía người dân đã khiến ông không thể đầu hàng.
Tham gia đấu tranh chống tiêu cực cùng ông Bình còn nhiều Đảng viên khác trong phường Nghĩa Đô. Cựu chiến binh Phan Văn Độ cho rằng, với bản chất “bộ đội cụ Hồ”, các ông luôn bám sát cùng nhau, không nản chí trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
“Trong cuộc đấu tranh này, ông Phạm Thanh Bình là người đứng mũi chịu sào của một địa phương. Cuộc đấu tranh muốn thắng lợi phải có đường lối, Nghị quyết. Với cương vị của mình, ông Phạm Thanh Bình có chủ trương để đấu tranh trong việc quản lý đất đai bị chiếm dụng. Thứ hai là ông Bình dám chịu trách nhiệm ký những văn bản gửi lên trên, kiên quyết thực hiện những vấn đề Đảng và nhân dân địa phương yêu cầu”.
Sau khi nhận được thư của ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Thành ủy Hà Nội lập tức chỉ đạo quận Cầu Giấy xử lý dứt điểm những vấn đề được nêu trong thư. Ông Bình lại đứng trước sự áp đặt của một số cán bộ của quận Cầu Giấy cho rằng ông vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm kỷ luật. Ngày 16/6/2008, ông nhận được thông báo nghỉ công tác vì... hết tuổi lao động. Suốt thời gian đó, có lúc ông và người nhà bị kẻ xấu đe dọa, xúc phạm, thậm chí bị hành hung.
Ông Bình nhớ lại: “Đường dây tiêu cực, tham nhũng ấy liên kết với phần tử xấu, xã hội đen để khủng bố, đe dọa tôi. Liên tục trong 2 đêm liền, chúng dùng bom bẩn là mắm tôm trộn với dầu luyn, rồi chất bẩn ném vào nhà; thậm chí họ mang dao đến tận nhà tôi chửi bới”.
Tuy bị trù dập, nhưng ông Phạm Thanh Bình không chịu lùi bước. Ông cùng các đảng viên khác lên gặp Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội xin ý kiến về việc lấy tín nhiệm chức danh do Hội đồng Nhân dân bầu. Đồng thời phối hợp với các cơ quan báo chí đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. Nỗ lực của ông Phạm Thanh Bình và các đảng viên đã được nhìn nhận. Thành ủy Hà Nội cử 2 đoàn công tác trực tiếp xác minh vụ việc. Sau 10 tháng thanh tra, ngày 8/7/2010, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có kết quả thanh tra việc quản lý, sử dụng đất tại 9 điểm trên địa bàn phường Nghĩa Đô.
Thanh tra kết luận, hầu hết những gì ông Phạm Thanh Bình cùng người dân nêu là có cơ sở, đồng thời kiểm điểm, chuyển công tác một số cán bộ khác có liên quan. Ngày 5/5/2010, ông Phạm Thanh Bình được phục hồi chức vụ Bí thư Đảng uỷ phường Nghĩa Đô. Ông được sống trong niềm tin yêu không chỉ của người dân phường Nghĩa Đô mà cả sự ngưỡng mộ của biết bao người dân tâm huyết trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy cam go.
“Nếu không bảo vệ được người đấu tranh chống tham nhũng thì không thể phát động được phong trào đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực rộng ra trong nhân dân và cả hệ thống chính trị. Không có cơ chế bảo vệ thì người dân sẽ ngại đấu tranh, ngại đối diện với kẻ tham nhũng, tiêu cực, vì họ biết sẽ bị trù dập bằng đủ mọi cách. Đồng thời, việc khen thưởng người đấu tranh chống tiêu cực cũng phải làm sao để họ thấy có được sự quan tâm đúng đắn, có cơ chế khen thưởng kịp thời” - ông Phạm Thanh Bình trăn trở./.