Chủ tịch Quốc hội: Hòa Bình cần lấy sự tín nhiệm của nhân dân để đánh giá cán bộ
VOV.VN - Theo Chủ tịch Quốc hội, Đảng bộ tỉnh Hòa Bình cần dựa vào sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Sáng 2/10, tỉnh Hòa Bình đã khai mạc Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; huy động tối đa mọi nguồn lực, tạo đột phá để phát triển nhanh, bền vững; phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước".
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Đại hội. Cùng dự có ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, Đảng ủy Quân khu 3, các địa phương và tỉnh Hòa Bình, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động và 347 đại biểu, tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh chính trị, sức mạnh đoàn kết và quyết tâm đổi mới, đại diện cho trên 67.000 đảng viên của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình.
Trình bày Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, ông Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cho biết, trong 5 năm qua, kinh tế của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân hằng năm đạt 7,59%; quy mô nền kinh tế được mở rộng, năm 2020 tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 54.956 tỷ đồng, gấp 1,65 lần so với năm 2015.
Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đứng thứ 3 trong các tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc, gần bằng GRDP bình quân đầu người của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với 6 tỉnh vùng Tây Bắc; gần một nửa số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đứng thứ 3 trong các tỉnh trung du và Miền núi phía Bắc, đứng đầu các tỉnh vùng Tây Bắc.
Chất lượng tăng trưởng không ngừng được cải thiện, năm 2020 năng suất lao động đạt 99,3 triệu đồng/lao động, gấp 1,65 lần so với năm 2015. Các chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội; số doanh nghiệp, hợp tác xã thành lập, hoạt động có hiệu quả; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu; tỷ lệ đô thị hóa; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đại hội đề ra.
Hòa Bình thực hiện tốt việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, đứng đầu cả nước về tỉ lệ giảm đơn vị hành chính cấp xã. Văn hoá, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống có bước phát triển quan trọng.
Mục tiêu trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm 2021-2025 đạt 9%. Đến năm 2025: GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 10.000 tỷ đồng; phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh Hòa Bình đặt trong mối liên kết tổng thể phát triển của vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; tăng cường liên kết kinh tế vùng và khai thác lợi thế liền kề vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; bảo đảm thống nhất với quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và các quy hoạch chuyên ngành theo quy định. Giữ gìn và bảo vệ an ninh nguồn nước, môi trường sinh thái và sản xuất điện cho vùng đồng bằng sông Hồng với phương châm phát triển là: Xanh - xanh hơn - xanh hơn nữa.
Nhấn mạnh, Bộ Chính trị cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã nêu trong báo cáo chính trị, thay mặt Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý tỉnh Hòa Bình cần tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030 theo quy định pháp luật về quy hoạch, bảo đảm tiến độ và chất lượng. Đồng thời, tỉnh cần nghiên cứu, xác định định hướng phát triển với tầm nhìn dài hạn nhằm phát huy tối đa lợi thế là cầu nối giữa Vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Vùng Đồng bằng sông Hồng, cũng như vị trí nằm trong Vùng Thủ đô có tuyến cao tốc Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư các công trình tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng động lực để làm đầu tàu kéo các vùng kinh tế khác cùng phát triển. Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung nâng cao chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh, triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Tỉnh Hòa Bình cần tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản. Phát triển các loại hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế của tỉnh. Chú trọng hơn công tác xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, như: cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc; có giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.
Triển khai có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Gắn phát triển nông nghiệp với du lịch cộng đồng, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số để giới thiệu và thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh; khai thác có hiệu quả tiềm năng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tỉnh cần triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 gắn với xây dựng nông thôn mới để cải thiện chất lượng sống của Nhân dân; quan tâm Vùng CT29. Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Giữ gìn, bảo vệ an ninh nguồn nước và sinh thái cho vùng đồng bằng sông Hồng. Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao khoa học công nghệ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tỉnh Hòa Bình cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn nữa về vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt trong tình hình hiện nay. Không ngừng xây dựng, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất người đứng đầu, chức vụ càng cao thì càng phải gương mẫu.
Tập trung xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong tổ chức thực hiện pháp luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, có đạo đức, lối sống trong sáng. Dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, lấy kết quả của công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí để đánh giá chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy và chất lượng cán bộ, đảng viên.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm; khi đã vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với các cán bộ, đảng viên có vi phạm; chấn chỉnh, xử lý nghiêm cấp ủy, tổ chức đảng có sai phạm, khuyết điểm. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hệ thống dân vận; nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị mỗi đại biểu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sáng suốt lựa chọn những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, phải vừa có Đức, vừa có Tài, trong đó Đức là gốc, “vừa hồng, vừa chuyên”, dám nghĩ, dám làm, có năng lực đổi mới sáng tạo, khả năng đóng góp vào sự lãnh đạo của cấp ủy để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới, với các cơ cấu hợp lý và chọn đúng người./.