Về thăm “thủ phủ” hành, tỏi ở Hải Dương
VOV.VN - Cây hành, cây tỏi từ lâu đã gắn bó và trở thành “của làm giàu” cho người nông dân thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Diện tích trồng và sản lượng mỗi năm ngày một tăng, chính vì vậy nơi đây luôn được mệnh danh là “thủ phủ” hành tỏi của miền Bắc.
Toàn tỉnh Hải Dương hiện nay có hơn 6.500 ha hành tỏi. Trong đó, thị xã Kinh Môn dẫn đầu tỉnh về diện tích trồng với gần 4.000 ha (diện tích cây hành chiếm 3.800 ha, tỏi 150 ha) tập trung nhiều ở các xã Thăng Long, Hiệp Hòa, An Phụ. Diện tích hành tỏi còn lại của tỉnh Hải Dương rải rác ở huyện Nam Sách (1.800 ha), Kim Thành, Tứ Kỳ, Thanh Miện…
Cây hành, tỏi của thị xã bắt đầu được bà con nông dân xuống giống từ đầu tháng 10 hàng năm và sẽ cho thu hoạch vào dịp giáp Tết trước khi gieo cấy vụ lúa chiêm xuân. Hàng năm, cây hành cho sản lượng gần 100.000 tấn; đạt giá trị 450 triệu đồng/ha, cây tỏi cho sản lượng 4.000 tấn; giá trị trên 600 triệu đồng/ha.
Nơi đây là vùng đất bán sơn địa, phù xa màu mỡ, khí hậu thích hợp cho cây hành, tỏi sinh trưởng. Giống hành, giống tỏi đến nay cơ bản vẫn giữ được giống truyền thống từ lâu đời, những củ tốt nhất, đảm bảo thời gian sinh trưởng sẽ được lựa chọn để giống cho năm sau.
Không chỉ nhờ điều kiện tự nhiên mà thói quen sản xuất của người nông dân nơi đây cũng góp phần nâng cao chất lượng củ hành, củ tỏi. Chia sẻ về kinh nghiệm để canh tác 6 sào hành của gia đình, Bà Nguyễn Thị Vê (thôn Trung Hòa, xã Thăng Long) cho biết: “Nông dân chúng tôi ở đây chỉ dùng phân hữu cơ, ủ 2 mục để bón chứ không sử dụng phân hóa học, vừa tiết kiệm được chi phí lại vừa giúp cải tạo đất”.
Có diện tích trồng lên tới 1 mẫu, bà Bùi Thị Chung (68 tuổi, thôn Trung Hoà, xã Thăng Long) cho biết, 1 sào hành nếu thời tiết thuận lợi, mưa nhiều có thể cho sản lượng tới 1 tấn hành tươi. “Trồng hành tỏi tuy có vất vả hơn trồng lúa vì suốt ngày phải ở ngoài đồng nhưng thời gian lại không kéo dài, chỉ 3 tháng là được thu hoạch. Năm nào được giá trồng hành tỏi còn cho thu nhập gấp 5, gấp 6 lần trồng lúa”, bà Chung hào hứng kể.
Người nông dân trồng hành tỏi cũng cho biết, hệ thống tưới tiêu thủy lợi hiện nay đã được đầu tư mở rộng nên nên toàn bộ diện tích cấy lúa đều có thể trồng cây vụ đông thay vì trước đây, hành tỏi chỉ có thể trồng được ở những khu vực có thể chủ động được về nước tưới.
Đa số người Kinh Môn vẫn giữ thói quen sản xuất từ lâu đời, hành tỏi sau khi thu hoạch được sấy khô, người nông dân tự bảo quản tại gia đình, bán quanh năm như thóc gạo nên không lo về câu chuyện tiêu thụ và áp lực mùa vụ. Khác với Kinh Môn, các địa phương còn lại của Hải Hương như huyện Nam Sách, 80% sản lượng hành tỏi được bán tươi nên thường thu hoạch sớm, đổ mối cho nhà máy chế biến.
Xác định cây hành tỏi là cây trồng thế mạnh của thị xã cho giá trị kinh tế cao, chính quyền và người dân thị xã Kinh Môn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất VietGap trên nhiều diện tích trồng hành tỏi để nâng cao sản lượng, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn và chất lượng. Hành, tỏi Kinh Môn luôn được đánh giá cao về chất lượng với củ to, chắc, hương vị thơm cay đặc biệt, chất lượng vượt trội so với các địa phương khác.
Trên thực tế hiện nay, sản lượng hành tỏi của các địa phương vẫn chỉ đáp ứng được 70-80% nhu cầu của thị trường trong nước, do vậy cây hành tỏi vẫn còn rất nhiều tiền năng để phát triển. Bà Lương Thị Kiểm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho hay, các cấp chính quyền vẫn đang khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích hành tỏi. Đây không chỉ là loại cây đem lại giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn đinh, dồi dào mà còn góp phần cải tạo đất giúp phát triển nông nghiệp bền vững.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện để tiếp cận các chương trình hỗ trợ liên kết, đầu tư dây chuyền chế biến chuyên sâu các sản phẩm từ củ hành tỏi như: hành chiên, hành xấy khô; tỏi mật, rượu tỏi… để có thể khai thác nhiều hơn nữa tiềm năng từ củ hành, củ tỏi.
Đối với phát triển nông nghiệp, tỉnh Hải Dương chủ trương phát triển chủ yếu những nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định. Mỗi vùng sẽ có mỗi đặc thù riêng nhưng người nông dân dù làm ngành nghề gì thì thì cũng phải sống được từ ngành nghề ấy.
Còn với người nông dân ở Kinh Môn bao đời nay, cấy lúa sẽ đảm bảo lương thực quanh năm, không còn phải lo cái ăn. Còn lại, đồng tiền để chi dùng, xây dựng nhà cửa hay nuôi con ăn học... đều là từ cây hành, cây tỏi. Người Kinh môn đi muôn nơi đều mang những nông sản này làm quà biếu như một sự tự hào về nguồn cội, về vùng miền mà họ được sinh ra và lớn lên.