Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long
VOV.VN - Ngày 28/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Sáng 28/4, tại tỉnh Vĩnh Long, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long về kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021, quý I năm 2022 và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 4 giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Theo báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 của địa phương giảm 1,05% so với năm 2020, nhưng GRDP bình quân đầu người tăng 1,1 triệu đồng, đạt 56,6 triệu đồng; thu ngân sách đạt 100,8% dự toán. Đặc biệt trên 95% doanh nghiệp trong khu công nghiệp và hơn 89% doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đã hoạt động trở lại sau dịch bệnh.
Trong 3 tháng đầu năm nay, GRDP tăng 4,68% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp liên tục có mức tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 16,03%.
Thực hiện nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai kịp thời và hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở và các dự án chiến lược, có sức lan tỏa mạnh.
Miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các nhóm hàng hóa, dịch vụ. Ước tính số tiền giảm thu Ngân sách Nhà nước năm 2022 theo Nghị quyết số 43 là 234.780 triệu đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam cấp nguồn vốn là 32 tỷ đồng để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc, cho học sinh, sinh viên vay mua máy vi tính, thiết bị học trực tuyến. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất cho 18 doanh nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện phòng chống dịch và hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là: 576.109 triệu đồng.
Việc giám sát 4 chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 đã và đang được tỉnh, các sở ngành liên quan thực hiện theo từng chuyên đề, từng địa phương.
Phát biểu kết luận, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã đạt được trong thời gian qua.
Cơ bản tán thành với phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh đề ra cho thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh cần tiếp tục quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.
Tỉnh cần tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm là thực hiện Kết luận số 21, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 01 ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị.
"Ngay bây giờ, tỉnh phải rà soát để triển khai quyết liệt thực hiện quy định 50 của Bộ Chính trị về quy hoạch cán bộ. Rà soát đội ngũ để tính toán quy hoạch cán bộ cho nhiệm kỳ sau này rất quan trọng. Trong quá trình thực hiện, đề nghị tỉnh Vĩnh Long hết sức chú ý, quan tâm quy hoạch các đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu của các cơ quan dân cử" - ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Tỉnh Vĩnh Long cần đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu lao động. Phát triển nông nghiệp gắn với nông thôn mới. Tỉnh cũng cần tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới, phát triển các đô thị trung tâm nhưng cần hài hòa giữa nông thôn và đô thị, xây dựng lại chương trình kinh tế tập thể, hợp tác xã, xây dựng sản phẩm OCOP nhằm gia tăng giá trị sản phẩm; đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển, hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất gắn với đầu tư các công trình thủy lợi, kiểm soát lũ.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý Vĩnh Long tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và nghị quyết 11 của Chính phủ. Chuyển bị kỹ lưỡng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là điều kiện, là cơ hội lớn để phát triển các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Vĩnh Long nói riêng.
Cùng với đó tiếp tục quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch; trước mắt phải tập trung nỗ lực cho việc lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. "Đoàn giám sát của Quốc hội đã hoàn thành công tác giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Tới đây có 2 kiến nghị rất quan trọng: một là, cần đánh giá, tổng kết toàn diện Luật Quy hoạch và các luật có liên quan để tính toán căn cơ hơn; hai là, giải đáp, tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trước mắt sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết" - ông Vương Đình Huệ cho biết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chỉ rõ, tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị là tập trung phát triển đô thị hóa tại chỗ và công nghiệp hóa tại chỗ. Vĩnh Long tuy có diện tích nhỏ nhưng lại nằm ở khu vực trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long, trên vành đai kinh tế, công nghiệp và đô thị Cần Thơ – Mỹ Thuận - Long An - Vĩnh Long và hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Hậu nên tiềm năng phát triển là rất lớn. Do đó, phải hết sức quan tâm đến quy hoạch phát triển tỉnh Vĩnh Long, rà soát quỹ đất để phát triển đô thị, phát triển công nghiệp, tăng cường đô thị hóa vì hiện nay, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh còn thấp.
Vĩnh Long quan tâm tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao - du lịch, sớm khắc phục những yếu kém, hạn chế của “vùng trũng” y tế, giáo dục; đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh Vĩnh Long tiếp tục lãnh đạo đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân tỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như các giải pháp đề ra phải sát với thực tiễn, có tính khoa học, đáp ứng được kỳ vọng của người dân.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp các đề xuất, kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho Vĩnh Long, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện các vấn đề này. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ khẩn trương xem xét, quyết định hoặc báo cáo Quốc hội.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Tập đoàn Trung Nam trao 10 tỷ đồng hỗ trợ Vĩnh Long xây dựng 200 căn nhà cho hộ nghèo năm 2022./.