“Chủ tịch tỉnh ra tòa đầy đủ thì không còn thời gian làm việc khác”
VOV.VN - Chánh án Nguyễn Hoà Bình chia sẻ điều này trước thực tế Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia phiên tòa hành chính còn cao.
Tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ chiều 9/11, Chánh án TAND tối cao và Viện trưởng VKSND tối cao, có ý kiến đại biểu Quốc hội đặt vấn đề liệu chăng có sự “dè dặt” trong giải quyết vụ án hành chính khi báo cáo cho thấy tỷ lệ Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm.
Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thừa nhận tình trạng trên và đó là tồn tại kéo dài nhiều năm và phải giải quyết bằng nhiều giải pháp. Bởi “có việc tòa muốn xử nhưng Chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia thì tòa cũng không xử được”.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, thực tế còn có những khó khăn, nhiều địa phương kiến nghị rồi và ông mong Quốc hội cũng cần tổng kết, lắng nghe. “Như TPHCM và Hà Nội mỗi năm có từ 1.500 đến 2.000 vụ kiện hành chính mà Chủ tịch, Phó Chủ tịch buộc phải ra tòa đầy đủ thì không còn thời gian làm việc khác”- Chánh án TAND tối cao chia sẻ và khẳng định có địa phương có hiện tượng dè dặt nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu.
Trước ý kiến băn khoăn về giải quyết vụ án dân sự và kinh doanh thương mại kéo dài, ông Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh với án hình sự thì trách nhiệm thu thập chứng cứ là của Nhà nước (cơ quan điều tra), thủ tục rất chặt chẽ; còn án dân sự thì nguyên lý “cốt ở đôi bên” nên các bên thu thập tài liệu chứng cứ và cung cấp cho tòa và khi nào đủ thì tòa xử lý.
“Thông thường hai bên kiện nhau, nếu một bên cảm thấy thua thì cũng cố tình kéo dài, không muốn ra tòa, tìm mọi cách trì hoãn. Câu chuyện có kéo dài vụ án dân sự là thực tế. Còn trách nhiệm cơ quan Nhà nước là khi đủ hồ sơ mà không làm thì ít thôi, cái chính là ở hai bên” – Chánh án TAND tối cao khẳng định.
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về giải pháp giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết đã tập trung lực lượng để giải quyết nhanh số lượng đơn giám đốc thẩm, tái thẩm. Đặc biệt, động viện cán bộ, công chức làm cả ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật để phân loại đơn, giải quyết và ưu tiên giải quyết những đơn sắp hết hạn và đơn đã được nhiều cấp trả lời.
Cùng với đó, tập huấn để nâng cao chất lượng, kỹ năng giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm cho các thẩm phán, thẩm tra viên. Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, năm 2020, TAND Tối cao nhận được 16.200 đơn và đã giải quyết được 9.188 đơn, với yêu cầu của Quốc hội không đạt được 60% nhưng so với những năm trước, đây tỷ lệ đã cao hơn nhiều. Những năm tới, theo xu thế này, ông Bình cho rằng số đơn sẽ tăng lên trung bình 10% nên “tình hình sẽ rất căng”.
“Theo quy định của Hiến pháp, chúng ta chỉ có 2 cấp xét xử, nhưng với tình hình đơn thư nhiều như thế này có nguy cơ thành nhiều cấp xét xử. Vì vậy, vấn đề không chỉ động viên anh em, huy động cán bộ, mà phải tổng kết để đề ra giải pháp căn cơ hơn thực hiện”, Chánh án TAND tối cao nói./.