“Cơ bản bám sát nội dung chất vấn”

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và một số đại biểu, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát trả lời tương đối chân thành, bám sát yêu cầu của các đại biểu. Việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp trước cũng khá nghiêm túc

Sáng nay (11/11), sau phần chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Khôi Nguyên, phiên chất vấn tiếp tục với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng điều khiển phiên làm việc.

Trước khi trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã báo cáo lại việc thực hiện lời hứa của mình tại kỳ họp lần trước.

Lời hứa tại kỳ họp lần trước cơ bản đã được thực hiện

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XII, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát hai vấn đề. Đó là phương hướng và giải pháp nâng cao nhanh hơn thu nhập và đời sống của nông dân; chính sách, biện pháp đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, một năm qua là thời gian ngắn để thực hiện chủ trương lớn về 2 vấn đề có liên quan mật thiết nêu trên. Thực hiện những lời hứa cụ thể tại kỳ họp lần thứ 2, Bộ đã tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về việc liên kết 4 “nhà”, đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về tăng cường thực hiện chủ trương này và đang cùng các địa phương tiếp tục triển khai cụ thể.

Bộ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thống nhất chủ trương và chỉ đạo các biện pháp cụ thể để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ đã chỉ đạo trung tâm khuyến nông, khuyến ngư quốc gia bàn bạc với các đoàn thể để phân công cụ thể địa bàn, nội dung tăng cường công tác giám sát để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông.

Hiện nay, Bộ đang hoàn chỉnh đề án chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia để trình Chính phủ vào tháng 12/2008.

Tuy vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thẳng thắn thừa nhận, trong công việc của ngành, của Bộ còn nhiều tồn tại cần phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu giải quyết để đáp ứng mong đợi của Quốc hội và nhân dân.

Trong phần chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Cao Đức Phát tại Hội trường, có 18 đại biểu đã gửi chất vấn đến Bộ trưởng và tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính.

Chính phủ luôn luôn mong muốn làm lợi nhất cho nông dân

Nhóm vấn đề thứ nhất xoay quanh việc giải quyết, xử lý giá vật tư cho nông nghiệp. Các đại biểu Lê Thanh Liêm  (đoàn Long An), Nguyễn Hồng Diện (đoàn Hậu Giang), Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, trong thời gian qua, giá vật tư tăng cao, giá nông sản thấp, hàng hóa không tiêu thụ được, tình trạng phân bón giả, thuốc trừ sâu giả làm khó khăn cho sản xuất, gây hại cho sản xuất. Việc ngưng xuất khẩu gạo, nhập khẩu muối, nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm trong khi nông dân sản xuất dư thừa, không tiêu thụ được thì nguyên nhân là do đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Bộ trưởng có biện pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, nhất là bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu Nguyễn Hồng Diện (đoàn Hậu Giang) nêu câu hỏi: “Cuối tháng 4/2008, giá gạo tăng giá đột biến là do tin đồn mà phải ngừng hợp đồng mới xuất khẩu gạo trong lúc giá gạo thế giới tăng cao. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thiệt hại của nông dân vừa qua với chủ trương trên, giải pháp khắc phục như thế nào?”

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Chính phủ luôn luôn mong muốn làm như thế nào để nâng cao thu nhập của bà con nông dân trong đó có bà con trồng lúa ở khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã chỉ đạo liên tục thực hiện hàng loạt các biện pháp để hỗ trợ cho bà con nông dân, từ xây dựng hệ thống thủy lợi, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, trong chế biến, tổ chức các hoạt động và liên tục điều hành việc xuất khẩu và tiêu thụ lúa gạo để cố gắng trong mọi tình huống có thu nhập cao cho bà con nông dân. Tuy nhiên, trong một số tình huống đặc biệt mà giá lúa gạo trong nước có những đột biến lên quá cao, Chính phủ đã có những chính sách kiềm chế việc tăng giá đó để một mặt vẫn đảm bảo lợi ích của bà con nông dân, nhưng cũng không gây xáo trộn quá lớn đối với đời sống của những người tiêu dùng gạo.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc giá gạo lên vào cuối tháng 4 vừa qua không phải chỉ vì tin đồn, mà giá gạo trong nước biến động theo giá thế giới. Một số doanh nghiệp đã mua gom với hy vọng xuất khẩu. Trước tình hình, Chính phủ đã có chủ trương tập trung vào thực hiện những hợp đồng đã ký kết (đến cuối tháng 3 đã ký 2,4 triệu tấn, nhưng mới giao được 800.000 tấn, còn 1,6 triệu tấn). Không phải vì tạm dừng ký mà chúng ta tạm dừng xuất khẩu, mà vẫn tiếp tục xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục mua, vì thế giá trong nước lên rất cao, có lúc tăng lên đến 5.500-6.000 đồng/kg. Sau đó, tháng 6 giá trong nước xuống theo giá thế giới đã ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của bà con nông dân, Chính phủ lại tìm mọi cách để kích thích tiêu thụ để giữ giá cho nông dân. Hiện nay, trước tình trạng tiêu thụ lúa gạo của bà con khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 2 Tổng công ty lương thực  mua 2 đợt gần 800.000 tấn và đợt này mua thêm 300.000 tấn, với tinh thần là dù có lỗ cũng mua để tiêu thụ lúa cho bà con nông dân. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp đảm bảo có đủ vốn để tiêu thụ lúa cho bà con nông dân.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Chúng tôi mong rằng, các đại biểu Quốc hội cùng với bà con nông dân hãy chia sẻ cách điều hành của Chính phủ. Chính phủ luôn luôn mong muốn làm lợi nhất cho bà con nông dân, nhưng trong những tình huống đặc biệt cũng cân nhắc thêm đại cục là sự ổn định xã hội, ổn định của đất nước”.

“Tôi sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Liêm  (đoàn Long An), Nguyễn Hồng Diện (đoàn Hậu Giang), Trần Văn Kiệt (đoàn Vĩnh Long) về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Bộ đã liên tục theo dõi tình hình ở các địa phương và thường xuyên báo cáo với Chính phủ. Nhưng vào cuối tháng 3/2008, do rét đậm, rét hại nên thời vụ gieo cấy ở miền Bắc bị chậm 15-20 ngày, đến ngày 15/3 mới cơ bản hoàn thành việc gieo cấy, nên 30/3 khó có thể nói được miền Bắc được mùa hay không được mùa. Nhưng đến tháng 5, tháng 6 khi tình hình đã rõ hơn thì Bộ cũng báo cáo xác suất được mùa tăng lên dần. Tuy nhiên, dự báo của Bộ không được chính xác như kết quả đã đạt được. “Vào tháng 3, chúng tôi nói khả năng được mùa ở miền Bắc là 50-50 và sản lượng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng tăng thêm vài trăm nghìn tấn. Nhưng thực tế vụ đông xuân cả nước đã tăng thêm 750.000 tấn, cao hơn nhiều so với dự báo của chúng tôi. Qua việc này chúng tôi thấy rằng cần phải bám sát đồng ruộng hơn nữa để có dự tính, dự báo và báo cáo kịp thời với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để có điều hành sát và linh hoạt hơn để bảo đảm lợi ích của bà con nông dân và cả nước. Chúng tôi đã chấn chỉnh ở trong bộ việc này đối với các cơ quan có liên quan đến công tác dự báo”- Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận.

Chưa hài lòng với phần trả lời về trách nhiệm của Bộ trưởng Cao Đức Phát, đại biểu Lê Thanh Liêm  (đoàn Long An)  tiếp tục chất vấn: “Tôi muốn Quý Bộ xác định trách nhiệm của Bộ trưởng và các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đây là thiệt hại rất cụ thể, Bộ trưởng có đề xuất gì để bù đắp bằng những chính sách sắp tới của Nhà nước một cách cụ thể”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận: “Trách nhiệm về việc dự báo sai thuộc về cá nhân tôi, tôi chịu trách nhiệm trước Chính phủ và Quốc hội về vấn đề này và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Quốc hội theo luật pháp. Tuy nhiên, đối với hệ thống, chúng tôi đã rất nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, tôi đã chỉ đạo, thành lập các cơ quan chuyên trách về dự báo tại Viện chiến lược và chính sách của Bộ và Trung tâm tin học và thống kê; đồng thời yêu cầu các Cục trưởng phải chịu trách nhiệm về vấn đề theo dõi và dự báo đối với sản lượng, đối với tình hình sản xuất tất cả các loại nông sản ở trong nước”.

Còn về ý tưởng mà đại biểu Lê Thanh Liêm nêu về bù đắp những tổn thất của nông dân khi những tình huống như vừa qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, đây là một vấn đề lớn, phải đặt trong tổng thể chung các chính sách của Nhà nước đối với nông dân và xử lý quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu dùng vì có rất nhiều vấn đề liên quan đến nhau.

Về chất vấn của đại biểu Trần Văn Kiệt về doanh nghiệp có bồi thường hay không cho nông dân khi họ bán phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, gây thiệt hại lớn cho nông dân, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Đây là vấn đề rất bức xúc, Bộ rất chia sẻ với những bức xúc của bà con nông dân và đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, phối hợp với các địa phương, các Bộ, ngành triển khai quyết liệt, tăng cường quản lý chất lượng. Trong những trường hợp vi phạm cụ thể, chiểu theo các quy định hiện hành của luật pháp, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho nông dân.

Đại biểu Trần Văn Kiệt  (đoàn Vĩnh Long) và một số đại biểu đặt câu hỏi: Bộ có giải pháp nào và lộ trình để nông dân có lãi 40% như trong Báo cáo của Chính phủ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, để đạt được mục tiêu này thì phải thực hiện nhiều nội dung, đó là vừa kết hợp giữa điều hành sản xuất, vừa phải làm tốt phần chế biến và tiêu thụ để duy trì giá có lợi cho nông dân. “Nhưng, ngay cả sản xuất cũng như tiêu thụ không phải chỉ theo ý muốn của chúng ta được, mà sản xuất thì phụ thuộc vào thiên nhiên, thị trường thì phụ thuộc vào thị trường thế giới. Vì thế nên quan trọng là chúng ta phải theo dõi sát sao, điều hành linh hoạt để trong mọi tình huống tìm những giải pháp có lợi nhất cho nông dân”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Cần rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống lụt bão

Nhóm vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát là về công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt, phòng, chống dịch cho cây trồng, vật nuôi. Theo các đại biểu, thiên tai, lũ lụt năm nào cũng xảy ra, nhưng hình như năm nào cũng lúng túng, bị động. Phương châm 4 tại chỗ nhưng khi xảy ra thì đều có những khó khăn và để lại những hậu quả khá nghiêm trọng, ngoại trừ yếu tố dự báo rất khó khăn, khách quan. Với tư cách là Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) đặt vấn đề: “Trong việc ứng phó với đợt mưa to và úng ngập vừa qua, có thể thấy rõ sự chủ quan chậm trễ và bị động của cả Ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt Trung ương lẫn một số địa phương. Là trưởng ban chỉ đạo phòng, chống bão lụt Trung ương, Bộ trưởng có đồng ý với nhận xét đó không, nếu đồng ý xin Bộ trưởng xác định rõ trách nhiệm thuộc về những ai?”

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, sau đợt mưa này, Bộ sẽ phải có cuộc họp để rà soát lại quy hoạch để có sự điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển mới trong khu vực, đặc biệt là sự biến đổi của khí hậu, thời tiết. Trong đó, có việc rút kinh nghiệm để công tác điều hành có hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, “giải thích của Bộ trưởng rất chân thành, nhưng chưa thuyết phục”, vì nếu các địa phương ở những năm trước tâm bão đi qua không ai chết, vậy trong  thành phố Hà Nội chết tới 22 người, trong nội thành chết nhiều, trong đó có nhiều trường hợp có thể khắc phục được nếu có chỉ đạo tốt. “Mong Bộ trưởng có thuyết minh thế nào để giải đáp được những băn khoăn, thắc mắc của cử tri, trong đó có việc xử lý nghiêm khắc để năm sau không còn tái diễn tình trạng này”- đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong đợt  mưa vừa qua, có thể có nhiều mặt còn thiếu sót, nhưng các địa phương đã rất cố gắng trong điều kiện có thể.

Chuyển đổi sử dụng một số diện tích rừng mang lại hiệu quả kinh tế

Nhóm vấn đề về chính sách trồng rừng, bảo vệ rừng cũng được một số đại biểu quan tâm. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh), Nghị quyết 73 năm 2006 của Quốc hội khoá XI đã giao nhiệm vụ cho Bộ NN &PTNT và Chính phủ phải trồng mới 1 triệu ha rừng và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; đồng thời Chính phủ chi 14.000 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thì diện tích rừng có vẻ “thừa”, nhưng đến mùa mưa vẫn xảy ra lũ quét, lũ ống. “Đề nghị Bộ trưởng nói rõ hơn trên cơ sở nào mà bảo rừng thừa?”.

Các đại biểu cũng cho rằng: Nghị quyết nêu giữ toàn bộ số rừng hiện có, nhưng Bộ lại chuyển đổi một số diện tích rừng sang mục đích khác, như trồng cao su và một số cây trồng, đây là biện pháp làm giàu rừng và không trái với nghị quyết Quốc hội. Vậy Bộ trưởng giải thích thêm về vấn đề này.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, Nghị quyết 73 nêu bảo vệ tốt toàn bộ diện tích rừng hiện có, nhưng trong Nghị quyết cũng nêu “thực hiện các biện pháp làm giàu rừng bằng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn”. Hiện nay, nói rừng “thừa” thì không phải, vì chúng ta mới có 13 triệu ha rừng và độ che phủ mới khoảng 40%, lại không đồng đều. Ý Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nói không phải là thừa rừng, mà trước đây chúng ta đã quy hoạch để trồng rừng phòng hộ nhiều quá. Thời gian qua, Bộ đã cùng với một số địa phương chuyển đổi một số diện tích rừng, quy hoạch lại rừng sản xuất, rừng tự nhiên để cải tạo trồng cao su, đem lại thu nhập và việc làm cho nhân dân. Những nơi đã quy hoạch thành rừng sản xuất thì tất nhiên yêu cầu về phòng hộ thấp, vì thế nên các nhà khoa học đã bàn nhau, nghiên cứu để cuối cùng Bộ ra quyết định “Cây cao su cũng là cây rừng”. Nên việc khai thác rừng khộp ít giá trị để trồng cây cao su cũng là cây rừng, việc làm này có ích cho đất nước và nhân dân.

Đánh giá về phần chất vấn trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời rất chân thành. Việc báo cáo thực hiện lời hứa tại kỳ họp lần trước cũng được thực hiện rất nghiêm túc. Tại diễn đàn này, Bộ trưởng đã nghiêm túc tiếp thu, sẵn sàng nhận khuyết điểm và sẵn sàng chịu kỷ luật. Trong phần trả lời tại Hội trường và chất vấn bằng văn bản của các vị đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có cố gắng bám sát nội dung. Trong chỉ đạo thực tế, Quốc hội cũng đã theo dõi và thấy rằng, Bộ trưởng cũng rất lo lắng về trách nhiệm của mình. Điều này thể hiện thái độ làm việc chân thành, nghiêm túc của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Trước đó, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tiếp tục đăng đàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên