Đại biểu Quốc hội góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992
(VOV) - Mỗi ý kiến đóng góp của các đại biểu ở những vấn đề khác nhau nhưng đều thiết thực và có ý nghĩa.
Ngày 3/6 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận ở hội trường về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là một dự thảo quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước nên cần sự đóng góp ý kiến của nhiều cơ quan, đoàn thể, ban, ngành và đông đảo tầng lớp nhân dân.
Trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được thảo luận sâu rộng tại Quốc hội và truyền hình, phát thanh trực tiếp tới đông đảo người dân trong cả nước cũng như đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài theo dõi, nhiều đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đóng góp khác nhau cho Dự thảo.
Không nên bỏ Điều 4
Đại biểu Giàng A Chu |
Đại biểu Giàng A Chu (đoàn Yên Bái): Góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi đặc biệt quan tâm đến hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về Điều 4 nói về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hiến pháp của một nước phải thể hiện ý kiến chung của đông đảo tầng lớp nhân dân. Vì thế, tôi nghĩ rằng, không nên bỏ Điều 4 mà nên giữ như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét. Đó là khẳng định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và toàn thể xã hội.
Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, Đảng thì đã có Cương lĩnh và Điều lệ Đảng. Tuy nhiên, ý kiến của tôi là, Nhà nước và xã hội thì phải tồn tại trong một thể chế nhất định và phải có một Đảng cầm quyền nhất định. Đảng Cộng sản Việt Nam đã tồn tại hàng chục năm nay và được nhân dân tin tưởng nên chúng ta phải thừa nhận nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Do vậy, không nên bỏ Điều 4 ra khỏi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi cũng chú ý đến Điều 9 nói về Mặt trận Tổ quốc và Điều 10 nói về các đoàn thể chính trị khác. Theo tôi, nên ghép tổ chức chính trị, thành viên của Mặt trận Tổ quốc vào khoản 2 của Điều 9, không nên có Điều 10 nữa. Bởi vì, Mặt trận Tổ quốc bao gồm các tổ chức thành viên, nhưng tổ chức thành viên lại rất rộng, bao gồm: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...
Điều 10 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chỉ nói riêng về tổ chức công đoàn thì chưa đảm bảo tính công bằng và thống nhất. Quan điểm của tôi là các tổ chức chính trị, xã hội nghề nghiệp nên được gộp chung vào tổ chức Mặt trận Tổ quốc là hợp lý nhất.
Đại biểu Phạm Đức Châu |
Người dân không có mong muốn thay đổi tên nước
Đại biểu Phạm Đức Châu (đoàn Quảng Trị): Tôi hoàn toàn đồng ý với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là vẫn giữ nguyên tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trong quá trình lập Hiến, một quốc gia chỉ có thể thay đổi tên nước khi có những thay đổi lớn về chính trị. Tôi nghĩ rằng, đất nước chúng ta không có thay đổi gì lớn mà phải thay đổi tên nước.
Tên nước không chỉ gắn với sự hình thành, phát triển của một quốc gia mà còn thể hiện chế độ chính trị của Nhà nước đó. Theo tôi, tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã đảm bảo đủ 2 yếu tố trên và cũng là tên gọi thân thuộc, đi vào tiềm thức của người dân.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tôi đã tập hợp ý kiến của nhân dân và thấy rằng, người dân không có mong muốn thay đổi tên nước.
Phân chia địa giới cần tránh tình trạng tranh chấp
Đại biểu Trương Thị Huệ (đoàn Thái Nguyên): Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi quan tâm đến vấn đề địa giới hành chính. Theo như Dự thảo thì phân chia địa giới hành chính sẽ do Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, ý kiến của tôi là khi phân chia địa giới hành chính cần đảm bảo thuận lợi trong việc chia, tách.
Qua tiếp xúc cử tri, tôi thấy có nhiều ý kiến nói rằng, hiện nay, có nhiều xóm, xã đông dân cư nhưng nếu để xã phải có trên 400 hộ dân mới được chia tách thì chưa thực sự phù hợp. Việc phân chia địa giới hành chính vẫn phải đảm bảo cho người dân ở địa phương này nhưng vẫn được làm việc, canh tác trên mảnh đất của địa phương tác với điều kiện đặt dưới sự quản lý của cơ quan chức năng.
Đại biểu Trương Thị Huệ |
Quyết định thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần phải xem xét kỹ lưỡng, tránh tình trạng tranh chấp địa giới hành chính giữa địa phương này với địa phương khác.
Ngoài ra, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề khiến tôi quan tâm là ở đâu có Ủy ban Nhân dân thì ở đó phải có Hội đồng Nhân dân. Bởi đây không chỉ là cơ quan thực hiện quyền giám sát nhân dân mà còn là nơi thực hiện quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân.
Thái Nguyên là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống rải rác ở vùng, điều kiện kinh tế còn khó khăn nên cần phải có cơ quan, cán bộ thực hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Là đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, tôi rất quan tâm đến việc có một cơ quan thực hiện tốt mong muốn, nguyện vọng của nhân dân.
Cần tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế
Đại biểu Phùng Đức Tiến |
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam): Những vấn đề tôi quan tâm góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là các thành phần kinh tế trong xã hội phải được bình đẳng trước pháp luật, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Nếu doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân, liên doanh nước ngoài đều được bình đẳng như nhau thì sẽ tạo tiềm lực cho đầu tư phát triển đất nước.
Ngoài các sự quan tâm đến các thành phần kinh tế, tôi còn góp ý cho việc ưu tiên các trường đại học được hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Nếu như những trường này được quan tâm nhiều hơn thì sẽ thúc đẩy hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội./.