Chọn nhân sự khóa XIII: Có người nói rất hay nhưng hiệu quả công việc rất dở!
VOV.VN - Có người nói rất hay, người nhìn vào tưởng cán bộ đó đạo đức, nhiệt tình lắm nhưng khi nhìn vào hành động, vào hiệu quả công việc thì bị chê lắm!
Từ thực tiễn cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu quan điểm: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Sự tốt hoặc kém của cán bộ thể hiện ở đức và tài, trong đó đức là “gốc”.
Trong suốt chặng đường 90 năm lãnh đạo đất nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ luôn được Đảng ta thực hành nghiêm túc và hiệu quả. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ khóa 12 này và giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, củng cố lòng tin của nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa sâu sắc và được thực hiện mạnh mẽ.
Bàn luận về nội dung này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).
Ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng. (Ảnh: KT) |
PV: Trong lịch sử đã có nhiều câu chuyện chứng minh cán bộ là gốc của mọi công việc phải không thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Nghiên cứu lịch sử, chúng tôi thấy cán bộ, người đứng đầu có vai trò rất quan trọng. Ví dụ, trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Tư lệnh chiến dịch, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Trước khi ra trận, Đại tướng đến chào Bác. Bác dặn Đại tướng: Trận này rất quan trọng, giao cho chú toàn quyền tướng quân tại ngoại, có vấn đề gì thì trao đổi trong Đảng ủy và bàn với cố vấn quyết định rồi báo cáo sau.
Điều đó cho thấy Bác rất tin tưởng vào cán bộ của mình.đanh Và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thể hiện vai trò một người chỉ huy, người cán bộ quyết định trận đánh Điện Biên Phủ. Bằng chứng là khi phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” đã được tập thể đồng ý, nhưng bằng kinh nghiệm, bằng sự mẫn cảm của người chỉ huy, Đại tướng nhận thấy nếu đánh theo phương án đó thì sẽ không chắc thắng, thậm chí tổn thất rất lớn.
Cuối cùng, Đại tướng nêu ý kiến trong cuộc họp Đảng ủy bất thường của mặt trận, trao đổi với cố vấn và cuối cùng quyết định chuyển phương châm “Đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”. Điều đó cho thấy, Đại tướng đã quán triệt chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng thì không đánh” và đã thể hiện sự dũng cảm của mình để đưa ra quyết định, góp phần rất lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
PV: Trong giải quyết công việc, nhiệm vụ được giao, sự vận dụng hai yếu tố “đức” và “tài” trong mỗi con người sẽ khác nhau và trong nhiều hoàn cảnh, nhất là khi đứng trước cám dỗ về lợi ích hoặc những toan tính chủ nghĩa cá nhân thì đó còn là cuộc đấu tranh. Điều này được thể hiện cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Trong hai tiêu chí này, chắc chắn phải coi trọng đạo đức. Bởi cán bộ có đạo đức, tài năng có kém một chút nhưng tự bản thân họ rèn luyện thì sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Còn nếu cán bộ chỉ có tài mà không có đức thì anh sẽ phá ghê lắm. Một phần tài năng là do trời phú, còn phần lớn là do rèn luyện.
Trong công tác cán bộ, chắc hẳn chúng ta cũng đã nghe có ý kiến tổng kết một cách tiêu cực đó là: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư trí tuệ”. Cán bộ khi được bố trí công việc thì đều phải có đạo đức và tài năng, do tập thể tín nhiệm. Trong mỗi hoàn cảnh, chúng ta phải nhìn nhận cán bộ có người bằng tài năng thực sự, họ giành được uy tín của quần chúng và những người làm công tác cán bộ. Nhưng cũng có người chỉ dùng quan hệ, thậm chí dùng tiền để “chạy” và họ quan niệm đây là một khoản đầu tư, và nếu vào được vị trí dù bỏ ra một nhưng sau đó sẽ thu được 3, thậm chí được 5 thì họ vẫn sẵn sàng. Có được vị trí, họ còn có địa vị xã hội, thể hiện được cái oai với mọi người. Và từ vị trí đó có thể họ còn “đầu tư” tiếp.
Những cám dỗ về lợi ích vật chất đối với cán bộ là rất lớn, do đó tổ chức cán bộ phải có chế tài, có hình thức nào đó để kiểm soát được, nếu không sẽ để lọt vào bộ máy lãnh đạo những người không xứng đáng. Đại hội 13 của Đảng sắp tới phải loại được những con người đó thì chúng ta mới mong có được một đội ngũ cán bộ vừa có tài, vừa có tâm.
PV: Trong đánh giá cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu phải lưu tâm quan điểm khách quan, cũng như “mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông”. Còn trong bài viết về công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý: Đừng thấy đỏ tưởng là chín. Từ những bài học thực tiễn về công tác cán bộ trong lịch sử cũng như trong giai đoạn hiện nay, theo ông việc vận dụng quan điểm khách quan và quan điểm phát triển trong công tác lựa chọn cán bộ cần được quan tâm như thế nào?
Ông Nguyễn Mạnh Hà: Công tác lựa chọn cán bộ là công tác rất quan trọng, bởi vì như Đảng ta đã đánh giá, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Cơ quan, đơn vị tốt hay xấu đều thể hiện qua vai trò của người đứng đầu.
Có thể thấy, để chuẩn bị Đại hội 13, công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được Đảng ta làm rất rốt ráo và đưa ra nhiều tiêu chí. Ngoài cơ quan chức năng đánh giá thì phải xin ý kiến của người dân ở nơi cán bộ đó sinh sống, đồng thời công khai, trả lời những câu hỏi giống như chất vấn đại biểu Quốc hội. Cán bộ Trung ương mà nằm ngoài nhân dân thì không được mà phải sống cùng nhân dân, đại diện cho nhân dân.
Ngoài ra, còn một kênh thông tin nữa là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là nơi thu thập được nhiều ý kiến khách quan của người dân thì cơ quan làm công tác cán bộ cũng cần lưu tâm tới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã lưu ý: “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, ý nghĩa ở đây là phải chú ý “lời nói phải đi đôi với hành động”. Có người nói rất hay, người nhìn vào tưởng cán bộ đó đạo đức, công tâm, nhiệt tình lắm nhưng khi nhìn vào hành động, vào hiệu quả công việc thì bị chê lắm. Do đó, trong đánh giá cán bộ cần nhìn vào hiệu quả công việc ở đơn vị mà cán bộ đó công tác, thấy nội bộ có đoàn kết, có phát triển không. Nếu chỉ nhìn vào vẻ bề ngoài mà không nhìn thấy hết được bản chất bên trong thì sẽ không đánh giá đúng được. Cho nên trong công tác cán bộ cần phải lưu ý điều này. Ở đây còn nhấn mạnh tới trách nhiệm của người giới thiệu cán bộ là phải theo đến cùng.
Lần này, tôi rất mong chờ công tác cán bộ sẽ tìm được những con người xứng đáng vào bộ máy của Đảng.
PV: Xin cảm ơn ông!./.