Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/11
VOV.VN - 24 giờ qua ghi nhận nhiều diễn biến quan trọng liên quan đến xung đột tại Ukraine, trong đó đáng chú ý là việc Mỹ trấn an đồng minh sau khi Ukraine tiếp tục bị gạt khỏi đề xuất viện trợ.
Nga phá hủy xưởng sản xuất UAV, bắn hạ 3 tàu quân sự của Ukraine: Nga ngày 31/10 cho biết, các lực lượng nước này đã phá hủy các cơ sở sản xuất phương tiện không người lái, bắn hạ tàu quân sự của Ukraine. Trong khi Kiev tuyên bố đẩy lùi hơn 45 đợt tấn công của Nga.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 31/10 cho biết, các lực lượng nước này đã phá hủy các cơ sở sản xuất máy bay không người lái và xuồng không người lái của quân đội Ukraine gần khu định cư Malodolinskoye ở vùng Odessa. Ngoài ra, Nga cũng đẩy lùi 5 cuộc tấn công của quân đội Ukraine và phá hủy 2 xe tăng Leopard.
TASS dẫn thông tin từ cơ quan dịch vụ khẩn cấp khu vực Kherson cho biết: “Ở hướng Kherson, các đơn vị thuộc nhóm chiến đấu Dnepr phối hợp với không quân và pháo binh, gây thiệt hại cho nhân lực và khí tài quân sự của các lữ đoàn bộ binh thủy quân lục chiến số 35 và 36 của quân đội Ukraine”. Lực lượng Nga đã tiêu diệt 3 tàu quân sự Ukraine ở Kherson trong ngày 31/10, phá hủy một khẩu pháo D-30 và triệt hạ 10 binh sĩ Ukraine.
Nga đóng tàu huấn luyện mới đối phó mối đe dọa từ UAV của Ukraine: Nga đang đóng loại tàu hải quân mới, có thể giúp huấn luyện các phi công trực thăng đối phó với các phương tiện không người lái của Ukraine.
Tờ Izvestia cho biết, Bộ Quốc phòng Nga thời gian gần đây đã quyết định thúc đẩy kế hoạch chế tạo tàu huấn luyện nổi, để đối phó với mối đe dọa từ xuồng không người lái mà Ukraine phóng từ Biển Đen.
Việc đóng tàu huấn luyện mới là một phần trong sáng kiến mà Nga gọi là “Dự án 14400”, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024. Dự án này trước đây đã bị tạm dừng, nhưng do tính chất cấp thiết của cuộc xung đột nên Nga đã quyết định nối lại.
Ukraine tiết lộ lý do không thể sử dụng hiệu quả vũ khí phương Tây: Tạp chí Time của Mỹ dẫn lời một quan chức Ukraine cho biết, quân đội nước này đang thiếu nhân lực nghiêm trọng và điều đó đã cản trở khả năng của họ nhằm sử dụng hiệu quả các loại vũ khí do phương Tây tài trợ.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, một số quan chức tại Kiev cho rằng sở dĩ quân đội Ukraine gặp khó khăn trong việc đẩy lùi các lực lượng Nga là do tốc độ chuyển giao vũ khí chậm chạp của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên trong báo cáo của Time, một trợ lý thân cận của Tổng thống Zelensky đã nêu bật vấn đề khác. “Chúng tôi không có đủ nhân lực để sử dụng chúng”, quan chức này cho biết.
Lính Nga phục kích, phóng tên lửa bắn nổ xe tăng hiện đại nhất của Ukraine: Army Recognition ngày 31/10 đưa tin, các lực lượng Nga đã phóng tên lửa, phá hủy xe tăng Strv 122 – một trong những phiên bản Leopard 2 nâng cấp hiện đại nhất do Thụy Điển cung cấp cho Ukraine.
Hoạt động này được tiến hành trong quá trình Nga đáp trả cuộc tấn công của Ukraine tại Orlyanske ở miền Đông Ukraine. Theo Forrbes, máy bay không người lái của Nga đã phát hiện lực lượng xe tăng của Ukraine và nhanh chóng gửi thông tin cho các đơn vị tên lửa.
Ngay sau đó, lực lượng tên lửa Nga đã tiến hành phục kích nhắm 2 chiếc Strv 122 đang tấn công về phía Orlyanske, ở biên giới giữa Kharkiv và Luhansk. Khi máy bay không người lái tiếp tục quan sát từ trên cao, một tên lửa đã nhắm trúng vào phía sau tháp pháo của xe tăng Strv 122.
Ukraine tái triển khai xe tăng Leopard 2 để cứu vãn tình thế ở Donetsk: Yan Gagin, cố vấn của người đứng đầu Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), ngày 1/10 cho biết, quân đội Ukraine đã tái triển khai xe tăng Leopard 2 đến khu vực Donetsk với hy vọng cứu vãn tình hình ở tiền tuyến.
“Tình hình không ổn đối với họ [Ukraine] ở tiền tuyến. Vì lý do này, chính quyền Kiev đã quyết định tái triển khai xe tăng Leopard 2 đến khu vực gần Donetsk. Tôi sẽ không đề cập đến số lượng. Tôi muốn nói rằng các binh sỹ của chúng tôi đã nhìn thấy xe tăng nay ở một số khu vực tiền tuyến gần Donetsk trong 3 ngày qua”, ông Yan Gagin nói.
Theo ông Gagin, một xe tăng Leopard của quân đội Ukraine đã bị phá hủy trên chiến trường Donetsk cùng với một số xe bọc thép hạng nhẹ của đối phương.
Mỹ trấn an đồng minh sau khi Ukraine tiếp tục bị gạt khỏi đề xuất viện trợ: Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách trấn an các đồng minh sau khi Hạ viện Mỹ loại Ukraine ra khỏi đề xuất viện trợ quân sự mới nhất. Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine đã trở thành một trong những vấn đề gây chia rẽ tại Mỹ và thậm chí đe doạ mặt trận thống nhất mà phương Tây vẫn thể hiện đối với cuộc xung đột Ukraine.
Sau khi bị loại khỏi dự luật chi tiêu tạm thời, Ukraine hôm qua một lần nữa không có tên trong kế hoạch viện trợ mới nhất trị giá 14,3 tỷ USDdo đảng Cộng hoà tại Hạ viện đề xuất. Đây là một trong những sáng kiến lập pháp quan trọng đầu tiên của tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu vào ngày mai (2/11).