Đẩy mạnh hợp tác chống tội phạm qua biên giới
(VOV) -Việt Nam – Lào – Campuchia sẽ tăng cường thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm qua biên giới.
Trong hai ngày 27-28/10, tại Siem Reap, Campuchia đã diễn ra Hội nghị Tòa án các tỉnh có chung đường biên giới của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia, nhằm thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm qua biên giới. Đây là diễn đàn để ngành tòa án ba nước cùng nhau trao đổi kinh nghiệm nâng cao phòng chống tội phạm, tương trợ tư pháp, cũng như thảo luận các cơ chế hợp tác giữa Tòa án ba nước nói chung, và tòa án các tỉnh có đường biên giới nói riêng.
Cùng dự hội nghị có đại diện các tòa án địa phương nơi có đường biên giới chung của 3 nước như Sơn La, An Giang… của Việt Nam, Attapeu, Champasak… của Lào, Takeo, Stung Treng…của Campuchia.
Ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia có đường biên giới chung dài hơn 3.200km. Tuyến biên giới dài và hòa bình giữa 3 nước Đông Dương anh em là điều kiện thuận lợi thúc đẩy đi lại du lịch, làm ăn buôn bán, đầu tư giữa người dân và doanh nghiệp ba nước. Tuy nhiên, thời gian qua, tuyến biên giới chung giữa ba nước cũng chứng kiến sự gia tăng hoạt động của các loại tội phạm qua biên giới có tính chất quốc tế, phát triển cả về quy mô và tính chất nguy hiểm, đặc biệt là hoạt động buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, và các hoạt động tội phạm nghiêm trọng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam nhấn mạnh: “Các loại tội phạm có tổ chức xuyên biên giới đang ngày càng diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều nhân tố gây bất ổn khó lường. Trong bối cảnh đó, Hội nghị sẽ là cơ hội để chúng ta cùng nhau điểm lại kết quả hợp tác đa phương và song phương trong thời gian qua giữa ngành tòa án ba nước.”
Các tham luận tại Hội nghị chỉ rõ, tình hình tội phạm qua biên giới gia tăng phức tạp trong khi mối liên hệ hỗ trợ giữa các Tòa án các tỉnh biên giới giữa ba nước chưa thường xuyên, hiệu quả chưa được như yêu cầu thực tế đặt ra. Đặc biệt, các hoạt động ủy thác tư pháp giữa Việt Nam – Lào và Campuchia còn được thực hiện rất hạn chế. Khi phát sinh tình huống cần có sự phối hợp giải quyết thì các tòa án địa phương ở khu vực biên giới ba nước còn lúng túng trong áp dụng các thủ tục tố tụng, công tác phối hợp giữa ngành tòa án các địa phương còn mang tính chất sự vụ, chưa thành quy trình thống nhất.
Từ thực tế này, đại biểu Tòa án Tối cao và tòa án các tỉnh biên giới của 3 nước đều nhất trí, cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp lý, xây dựng các điều ước song phương và đa phương về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và thực hiện ủy thác tư pháp; đặc biệt Việt Nam và Campuchia cần đẩy nhanh xây dựng và ký kết Hiệp định Tương trợ Tư pháp song phương.
Ba nước cũng nhất trí xây dựng đầu mối liên lạc, thiết lập cơ chế phối hợp trực tiếp và thường xuyên trong trao đổi thông tin tình hình tội phạm liên quan đến ma túy; tạo điều kiện thuận lợi cho nhau nhằm đấu tranh, điều tra tội phạm ma túy, bắt giữ các đối tượng chạy trốn./.