Đây mùa mong ước
VOV.VN - Giữa không gian thời gian ngợp thở, khác thường, một mùa xuân mới, một mùa bình thường luôn luôn là mùa mong tháng ước, ngay ngày Hạ, ngày Thu, ngày Đông, và ngay cả ngày Xuân…
“Giã từ năm cũ bâng khuâng
Đã nghe xuân mới lâng lâng lạ thường”…
Bài ca xuân 61 của Tố Hữu từ 61 năm trước cứ rời rợi khi những giờ khắc cuối cùng của năm Tân Sửu đang rời đi.
Chưa cảm nhận hết cái “lâng lâng lạ thường” của “xuân mới”, mà cái cảm giác “bâng khuâng” khi “giã từ” bỗng nhiên nhẹ bẫng. Khép cánh cửa năm cũ mà sao không chút rười rượi, ngập ngừng. Cái tâm trạng mong mỏi được nói lời từ biệt, giã từ năm cũ không chỉ đến vào những ngày cuối cùng của năm Tân Sửu, mà hình như đã thường trực từ những tháng ngày đất nước gắng gỏi gồng mình giữa bập bùng cơn đại dịch. Những lúc tưởng chừng hụt hơi, đuối sức, lại lấp lói niềm hy vọng, lại nghĩ về tương lai, mong sao qua nhanh những tháng ngày bất thường, khát khao trở về ngày bình thường, mùa bình thường.
Giữa không gian thời gian ngợp thở, khác thường, một mùa xuân mới, một mùa bình thường luôn luôn là mùa mong tháng ước, ngay ngày Hạ, ngày Thu, ngày Đông, và ngay cả ngày Xuân…
Mấy năm rồi, đường đến mùa xuân chẳng hề thẳng thớm, thong dong. Hết thiên tai đến dịch giã; thiên tai cùng dịch giã; thiên tai chồng thiên tai, dịch giã nối dịch giã. Lại thêm những biến động, nhiễu loạn của thời cuộc, xa và gần, trong và ngoài, trực tiếp và gián tiếp, khiến vận hội giang sơn dài thêm hồi thử thách với bao nhọc nhằn, trắc trở; với nhiều tiếc nuối, lỡ hẹn và trễ hẹn.
Con người từng ngạo mạn là bá chủ muôn loài, chủ nhân đầy quyền uy của trái đất, giờ đây bỗng thấy thành kẻ khác, mong manh, mảnh yểu. Những chủ nhân đầy quyền uy bỗng ngộ ra rằng: Chẳng thể chống hay chiến thắng thiên tai, dịch giã. Đề cao tính hài hòa, tiết giảm lòng tham, buông bỏ thù hận và thói ngạo mạn, nghĩ cách ứng phó linh hoạt trước mỗi biến động từ thế giới tự nhiên, đấy là cách ứng xử khôn ngoan của loài người. Trong cái thế giới tưởng chừng quen thuộc mà biến động từng giờ, đổi thay từng ngày, chuyển động khó lường và bất tuân quy luật truyền thống, con người không thể giữ mãi thói quen định kiến, tư duy áp đặt của lối cũ năm xưa.
Giã từ năm cũ thênh thênh…
Dằng dặc 365 ngày qua, đất nước này nếm trải hết thảy mọi cung bậc của kỳ vận hạn. Mà đâu chỉ 365 ngày. Nó đằng đẵng và trĩu nặng âu lo. Cận ngày xuân mới, tiết tiểu hàn lạnh giá chưa qua, tiết đại hàn buốt giá tràn đến. Thành ra nỗi ước vọng xuân mới, mùa bình thường, ngày bình thường cứ thường trực, cứ âm ỉ cháy. Thành ra “giã từ năm cũ” mà thật nhiều cảm xúc: Bâng khuâng mà thanh thỏa; rười rượi mà hứng khởi; bịn rịn mà nhẹ bước… Là vì đằng đẵng phía hơn 365 ngày đã qua kia, ta nhận chân biết bao điều: Nhân hậu và giả trá; tử tế và lừa lọc… Đại dịch là thảm họa, chẳng ai mong muốn, nhưng là thứ môi trường nghiệt ngã thử thách lòng người, tình người; minh định tốt - xấu, sáng - tối. Trong cái không gian nhiễu loạn đầy kịch tính, thiên thần hay ác quỷ đều lộ diện; cái triết lý nhân quả không phải chờ quá lâu, đã hiển hiện nhãn tiền.
Từ đại dịch mang tên covid-19, thêm một lần nhận ra sức nóng nguồn năng lượng nhiệt huyết lòng dân. Người xưa nói: Lật thuyền, đẩy thuyền mới biết sức dân như nước. Giờ, qua hồi bĩ cực vận hội nước nhà, lại nhận ra lòng dân, sức dân như lửa. Lửa lòng dân, lửa từ dân, sưởi ấm niềm tin, vững thêm thế nước, sáng thêm vận nước. Dân tộc này, đất nước này bao đận thiên tai, tao loạn, dịch giã, bấy nhiêu lần sức dân như thần, “lòng dân trời tỏ”!
Dân chưa bao giờ cạn niềm tin.
Vào những ngày Sài Gòn ngập tràn tang thương, bỗng âm thanh ca khúc có tên “Sài Gòn tôi sẽ” của thầy giáo Nguyễn Thái Dương tràn ngập không gian mạng. Ra đời trong cái không gian thời gian đặc biệt ngặt nghèo, sự sống như ngưng đọng, hụt hơi, vậy mà ca khúc mang âm hưởng trầm buồn ấy lại có sức lay động, cổ vũ lớn lao, hướng con người về phía ánh sáng: “Sài Gòn tôi sẽ sớm mai sum vầy/ Sẽ không có dây phố thưa lại đầy/ Sài Gòn tôi sẽ tái sinh rạng ngời/ Sẽ như lúc xưa sẽ lại vui/…Rồi anh sẽ dắt em đi dạo/ Quán quen chiếc hôn ta cùng trao”…
Nhiều năm lại đây, cứ độ vào xuân, tôi lại thêm một lần lắng lòng với ca khúc Mùa xuân đầu tiên của nhạc sỹ Văn Cao. Hình như sau cái mùa xuân lịch sử 1975, sau đằng đẵng hai mươi năm, không, ba mươi năm… “Ba mươi năm trường kỳ kháng chiến/ Ta đã đi và ta đã đến”(Tố Hữu), bao nhiêu là cảm xúc, bao nhiêu là vỡ òa, bao nhiêu là hy vọng… Có lẽ cái khoảnh khắc lịch sử, trong cái không - gian - tâm - trạng có một không hai đó, người nhạc sỹ tài danh, bằng trải nghiệm chính cuộc đời mình đã lặng lẽ gieo những nốt nhạc Mùa xuân đầu tiên…
“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường mùa vui nay đã về/ Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên/ Với khói bay trên sông/ Gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…”
Mùa xuân đầu tiên- Mùa bình thường, mùa của tháng ngày yên bình, đạn bom ráo tạnh, “không có dây, phố xưa lại đầy”…
Mùa bình thường, mùa ước vọng, đang về.
Xuân mới này ước muốn điều gì?
Ước muốn điều mà từ 61 mùa xuân trước, thuở “đỉnh cao muôn trượng”, nhà thơ Tố Hữu từng gọi đó là “hạnh phúc đơn sơ, giấc mơ nho nhỏ”:
“Hòa bình
Ấm no
Cho con người
Sung sướng
Tự do”.
Ước muốn dân tộc này muôn thuở yên vui, thái bình, những “Mùa xuân đầu tiên”- “Mùa bình thường” vĩnh viễn, tiếp nối…/.