Sản xuất công nghiệp trong dịch: Khó khăn tiếp tục bủa vây từ nhiều phía
VOV.VN - Giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp.
Thời gian qua, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp.
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 7 vừa qua của Bộ Công Thương cho thấy, có 7 địa phương có chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: TP.HCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp (DN) cung ứng nguyên phụ liệu đã sụt giảm sản lượng trong tháng 7 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam. Tập đoàn Hòa Phát cho biết, sản lượng bán hàng thép xây dựng và ống thép giảm so với cùng kỳ và tháng trước do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 trên toàn quốc. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong tháng 6, sản lượng bán hàng thép các loại giảm hơn 15% so với tháng 5/2021.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho hay, dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. 50% số DN thuộc Hiệp hội đã bị sụt giảm doanh thu.
“Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 tại các tỉnh phía Nam, nhiều DN buộc phải dừng sản xuất, chậm trễ trong giao nhận hàng… Hơn nữa, nhiều DN trong số này là các DN nhỏ và vừa, nên rất dễ bị tổn thương, khi chuỗi cung ứng đứt gãy họ khó tìm các đầu mối cung ứng thay thế…”, bà Bình cho biết.
Theo ông Ngô Khải Hoàn - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2021, sản xuất công nghiệp chưa bị tác động mạnh bởi làn sóng Covid-19 lần thứ 4, giá trị tăng thêm toàn ngành 11,45%, trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 11,42%. Tuy nhiên, đến tháng 7, tình hình căng thẳng hơn, nhất là khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở các tỉnh, thành phố phía Nam.
Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết tâm và đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ trong việc phòng chống dịch theo phương châm kết hợp “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân là ưu tiên, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ, mặc dù tình trạng xuất hiện các chùm ca bệnh trong các khu công nghiệp tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, tuy nhiên, các địa phương đang phối hợp chặt chẽ với các ban quản lý khu công nghiệp và nhà đầu tư để thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh tại các nhà máy, xí nghiệp được kiểm soát tốt. “Các công nhân trong khu công nghiệp được cách ly tại nơi làm việc hoặc được đưa đón an toàn nhằm đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm ngoài cộng đồng vào khu công nghiệp, nhà máy”, ông Phú nói.
Theo đề xuất của đại diện Cục Công nghiệp, thời gian tới nhằm bảo đảm ổn định, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho DN công nghiệp, cần xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép DN có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động).
Vấn đề cấp thiết để duy trì sản xuất ở các DN, tránh xảy ra các đứt gãy sản xuất, vaccine vẫn là giải pháp căn cơ và cần thiết phải tiến hành sớm. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các DN tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng, đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử.
“Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước có các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng hạn mức tín dụng cho DN khi giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho DN”, đại diện Cục Công nghiệp đề xuất.
Nhận thấy Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn trước đợt bùng đại dịch lần thứ 4, ông Lee Jong Seob - Chủ tịch Văn phòng Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương, Tổng Giám đốc Văn Phòng KOTRA Hà Nội cho rằng, có nhiều trở ngại đang phát sinh trong quá trình sản xuất công nghiệp như khó khăn về cung cầu lao động, nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí hậu cần tăng...
“Hi vọng hoạt động kinh tế của Việt Nam sớm hồi phục, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày sớm trở về bình thường thông qua việc tiêm chủng nhanh chóng và kiểm soát lây nhiễm một cách triệt để đảm bảo phục hồi sản xuất. Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đang quan tâm và mong muốn Việt Nam có cơ chế thuận lợi cho đội ngũ chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam, để đảm bảo hoạt động của các dự án công nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam”, đại diện KOTRA đề xuất.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước thực trạng hiện nay, Bộ đã giao Cục Công nghiệp làm đầu mối làm việc với các Hiệp hội, ngành hàng, DN nắm bắt được những khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là trong các khu công nghiệp, chế xuất… từ đó có những giải pháp, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất.
Đối với những bất cập trong việc triển khai phương án “3 tại chỗ” ở các DN, Bộ Công Thương đã gửi văn bản tổng hợp các kiến nghị của DN đối với Bộ Y tế và các bên liên quan về việc điều chỉnh, sửa đổi và bổ sung một số giải pháp liên quan đến tiêm phòng và phòng chống dịch tại cơ sở sản xuất, nhằm hỗ trợ DN vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người lao động, vừa duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh./.