Đổi mới năm 1986: Bài học từ đổi mới tư duy của Đảng
VOV.VN - Quyết định Đổi mới của Đảng ta năm 1986 được xem như bước ngoặt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sau hơn 34 năm đổi mới kể từ Đại hội Đảng 6, dù phải trải qua nhiều khó khăn thách thức, tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã có những bước phát triển trên tất cả các lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện, nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, ôn lại một chặng đường lịch sử, một cột mốc đánh dấu đổi mới trong tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng để rút ra những bài học thực tiễn luôn luôn cần thiết trong bất kỳ giai đoạn nào của cách mạng Việt Nam.
Đã 34 năm trôi qua nhưng đến nay nhiều người vẫn còn giữ những tờ tem phiếu, sổ gạo ngả màu ố vàng như để nhắc về quãng thời gian mà người ta quen gọi là “thời bao cấp”. Thời kỳ đó, người ta thèm cả bát cơm trắng và đủ thứ: chiếc bút trơn tru, tờ giấy trắng, chiếc lốp xe chưa vá, chiếc xích xe còn mới... Nhắc lại như vậy là để khẳng định: với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng khách quan, Đảng ta đã có quyết định mang tính cách mạng, đột phá về thực hiện đường lối Đổi mới toàn diện, sâu sắc, coi đó là “mệnh lệnh của cuộc sống”.
Người dân xếp hàng mua đồ thời bao cấp. (Ảnh tư liệu) |
Ông Nguyễn Văn Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhớ lại: “Thời bao cấp là thời điểm lịch sử. Ai cũng phải lao động sản xuất tạo ra sản phẩm. Thời bao cấp không được luân chuyển, lưu chuyển, hạn chế rất nhiều. Chính vì thế xóa bỏ bao cấp đáp ứng được đời sống lao động của nhân dân”.
Trước đổi mới, nền kinh tế nước ta vô cùng khó khăn. Chúng ta bị các nước bao vây cấm vận. Liên Xô và Đông Âu bắt đầu cải cách mở cửa nên cắt giảm viện trợ. Trong nước sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân đói nghèo đến cùng cực. Tiềm lực kinh tế vô cùng nhỏ bé. Trước tình đó, Tổng Bí thư Trường Chinh tiến hành các cuộc khảo sát thực tế và tập hợp các nhà khoa học để tư vấn. Từ đó nhận ra, đã đến lúc phải đổi mới tư duy về lý luận cũng như tư duy kinh tế. Đó là phải xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, phải có cơ chế tự hoặch toán, tự chủ tài chính, phải bắt đầu áp dụng nền kinh tế có sự quản lý của nhà nước.
Đại hội Đảng lần thứ 6 (tháng 12 năm 1986), khi đề ra đường lối đổi mới, Đảng bắt đầu từ việc đổi mới tư duy, mà “trước hết là tư duy kinh tế”. Kinh tế được điều tiết theo chuyển động thị trường - vấn đề tưởng như là nguyên lý nhưng đặt vào bối cảnh khởi động Đổi mới năm 1986 khi đất nước đang lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội, mới thấy hết giá trị mang tính mở đường, tính mới mẻ và hiện đại của những chủ trương chưa từng có trong tư duy của những người Cộng sản.
Giáo sư, Tiến sỹ Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, đây là những bước ngoặt lớn trong tư duy lãnh đạo. Chính đổi mới đã khơi dậy sức mạnh toàn dân, giải phóng sức lao động và đưa đến những thành công như hôm nay.
“Đây là mốc lớn đánh dấu việc chính thức đổi mới của Đảng ta. Tôi nói chính thức bởi vì trước đó đã có những bước đổi mới từng phần, tổng kết từ trước đó cho đến Đại hội 6 vào tháng 12 năm 1986 Đảng có báo cáo chính trị, Nghị quyết Đại hội chính thức để ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước. Mốc Đại hội 6 cực kỳ quan trọng, nhìn thẳng vào sự thật nói rõ sự thật, nói đúng sự thật và nhấn xoáy vào điểm là đổi mới tư duy. Đổi mới tư duy khó lắm, tức là đổi mới cái đầu của mình. Tư duy ở đây trước hết là tư duy về kinh tế. Đảng ta đang đi đúng trọng tâm của nó”- GSTS Mạch Quang Thắng cho biết.
Sau 34 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt nhiều thành tựu và vị thế được nâng cao rõ rệt. |
Đổi mới ở nước ta xuất phát từ sự năng động của nhân dân, mà bắt đầu là từ thực tế của gần 100 cuộc “phá rào” kinh tế trước đó. Tiêu biểu như chính sách khoán của Vĩnh Phúc tạo điều kiện cho nông dân làm chủ trên đồng ruộng của mình; là mô hình phân phối thu mua ở Long An theo giá thoả thuận, hay sự bung ra của thành phố Hồ Chí Minh với việc thương nhân đứng ra thu gom những mặt hàng có thể xuất khẩu để trao đổi trực tiếp với nước ngoài…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thì không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của Ðảng là người khởi xướng và lãnh đạo đổi mới, nhưng nếu nói đổi mới là công việc của riêng cán bộ, đảng viên mà không phải là của nhân dân ta thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể thành công. Chính những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn là nguồn gốc hình thành đường lối đổi mới của Ðảng.
Hơn 30 năm qua, sự nghiệp đổi mới đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng (tháng 1 năm 2016) đánh giá: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Đổi mới là một quá trình cách mạng. Quá trình đó đã diễn ra trên đất nước ta từ năm 1986 và vẫn tiếp diễn. Đảng viên và nhân dân tin tưởng ở Đại hội 13 của Đảng sắp tới sẽ tạo ra động lực mới để phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, nhắc lại dấu son Đại hội 6 của Đảng và những thành tựu “to lớn và có ý nghĩa lịch sử” qua 34 năm đổi mới để càng vững tin và kiên định vào con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã chọn./.