“Giúp người nghèo dùng viễn thông internet thì chắc Việt Nam vào loại nhất"
VOV.VN - “Tôi đi nhiều nước, riêng về phủ sóng vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho bà con nghèo, cận nghèo dùng dịch vụ viễn thông internet thì chắc Việt Nam vào loại nhất thế giới” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chất vấn Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, sáng 12/11, nhiều đại biểu nêu vấn đề nâng cao chất lượng mạng viễn thông, internet, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
“Hạ tầng viễn thông internet tăng trưởng khá mạnh trong thời gian qua, nhưng việc tiếp cận băng thông rộng di động của người dân chưa nhiều, nhất là ở một số vùng miền. Bộ có chính sách gì hỗ trợ người dân thu hẹp khoảng cách tiếp cận băng thông rộng di động giữa các vùng miền trên phạm vi cả nước?”, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (đoàn Đắc Lắk) nêu câu hỏi.
Cũng quan tâm vấn đề này, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) dẫn báo cáo cho thấy đến hết tháng 9/2024 đã phủ sóng 99% dân số, tuy nhiên thực tế cho thấy hạ tầng viễn thông chưa bền vững, độ kiên cố hạ tầng chưa cao. “Xin bộ trưởng cho biết đánh giá trên đã đầy đủ chưa? Các vùng miền núi như Cao Bằng có hàng chục trạm được đầu tư nhưng chưa đạt yêu cầu, thường xuyên mất sóng”, nữ đại biểu phản ánh và đề nghị bộ trưởng nêu giải pháp xử lý.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số lượng trạm phát sóng hiện rất lớn, với 150.000 trạm trên toàn quốc, tuy nhiên, như đại biểu phản ánh nhiều trạm ở vùng sâu, vùng xa ít người dùng thì có khi lắp rồi nhưng ít quan tâm nên mất sóng.
Bộ đã biết việc này và phát triển công cụ đo đánh giá chất lượng có tên i-SPEED là ứng dụng đo tốc độ truy cập internet tại Việt Nam do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng, giúp người dùng internet Việt Nam có thể tự kiểm tra, đánh giá tốc độ truy cập Internet qua các thông số: tốc độ tải xuống, tốc độ tải lên, độ trễ - PV).
“Công cụ này đơn giản để người dân, xã hội cũng đo được chứ không chỉ dành cho cơ quan chuyên ngành. Người Việt Nam viết ra công cụ này. Hiện nay Bộ TT-TT giao nhiệm vụ, phân quyền, trách nhiệm cho các sở TT-TT đánh giá chất lượng mạng lưới ở địa phương mình. Nếu thấy không đạt chất lượng theo quy định thì họp với nhà mạng để yêu cầu, vì tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia nên nhà mạng phải thực hiện” – ông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Hằng quý, hằng năm, Bộ TT-TT tổng hợp toàn bộ số liệu đo được của các nhà mạng theo từng địa phương, công bố công khai để nhà mạng cạnh tranh nhau, đầu tư nâng cấp, qua đó người dân tự lựa chọn.
Về việc độ phủ sóng còn có “độ vênh” giữa một số vùng và sự quan tâm đến đối tượng nghèo, cận nghèo thế nào để giảm khoảng cách, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đã và đang triển khai nhiều giải pháp.
“Với hộ gia đình nghèo và cận nghèo thì có 3 việc: Có sóng, có điện thoại thông minh và có tiền để sử dụng” – ông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích. Thực tế việc phủ sóng đã làm được, có đủ nguồn lực để thực hiện, chỉ cần cơ chế thông thoáng và năm nay Chính phủ sẽ ban hành nghị định.
Quỹ viễn thông công ích có khoản ngân sách cho 400.000 máy Chương trình sóng và máy tính cho em, nay chuyển sang tương đương gần 1 triệu điện thoại thông minh, bộ sẽ đề nghị Chính phủ điều chỉnh quỹ để tăng số lượng máy lên khoảng 1,2 triệu máy. Khi đó, tất cả hộ nghèo, cận nghèo có điện thoại thông minh (với giá trị máy khoảng 2-2,5 triệu đồng).
Chính sách hỗ trợ bà con sử dụng mạng viễn thông internet cũng đã có, với 65.000 đồng/tháng/người dùng di động, 130.0000 đồng nếu dùng internet cố định.
“Chả nước nào có chính sách như nước mình, họ phủ sóng rồi để đó, ai có tiền thì dùng, nhưng mình có hỗ trợ sử dụng. Tôi đi nhiều nước, riêng về phủ sóng vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho bà con nghèo, cận nghèo dùng dịch vụ viễn thông internet thì chắc Việt Nam vào loại nhất thế giới” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.