Hành chính cấp xã, phường ở Gia Lai với mục tiêu không để dân lỡ việc

VOV.VN - Chỉ sau 1 tuần vận hành mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp xã, phường, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận những tín hiệu khởi sắc: nhiều địa phương số hóa 100% hồ sơ, trả kết quả điện tử đạt trên 70%.

Những kết quả đạt được sau 1 tuần vận hành mô hình chính quyền 2 cấp là dấu hiệu cho thấy, hạ tầng bước đầu được đảm bảo, công chức đã làm chủ quy trình, và mô hình đang dần đi vào thực chất – phục vụ người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn, không để dân lỡ việc.

Sáng đầu tuần, ông Bùi Đức Thanh – người dân thôn Tân Sao, xã Ia Hrung – có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã để làm thủ tục cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mảnh đất của gia đình ông từng được cấp sổ đỏ, nhưng vì sai sót từ nhiều năm trước, quyền sử dụng lại bị cấp nhầm cho người khác.

Lần đầu đến xã mới sau điều chỉnh địa giới hành chính, ông Thanh được hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ rất nhiệt tình. Ông cho biết: “Tôi đến buổi đầu tiên, cán bộ, công chức, viên chức xã mới làm việc rất hiệu quả, phục vụ người dân rất nhiệt tình. Các cô công chức ngồi trong quầy cũng ra bàn để tư vấn cho rõ, rồi các các tình nguyện viên cũng hướng dẫn và viết giúp hồ sơ cho tôi. Hôm nay, hồ sơ của tôi cũng đã gần như hoàn thành”.

Là một xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, nhưng Ia Hrung xếp thứ 8/135 xã, phường trong toàn tỉnh về số lượng hồ sơ tiếp nhận trong tuần đầu vận hành trung tâm phục vụ hành chính công. 200 hồ sơ được tiếp nhận, đã được số hoá 100%. Tỷ lệ hồ sơ được nộp trực tuyến cũng lên tới 82%, cho thấy người dân đã thay đổi thói quen và tự thực hiện được trên cổng dịch vụ công trực tuyến.

Bà Huỳnh Ngô Tùng Điệp – Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Ia Hrung, cho biết, chính quyền xã xác định, chính quyền địa phương 2 cấp là phục vụ người dân và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.

Đảng uỷ, UBND xã thường xuyên được quán triệt công chức phải hoàn thành nhiệm vụ trong ngày, cho nên không trễ hạn. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đều có giải pháp, ví dụ như scan (để số hoá), thì các cán bộ có thể sử dụng điện thoại thông minh để làm, cái gì nhanh nhất là sử dụng, bà Điệp cho biết thêm.

Cùng với xã Ia Hrung, nhiều địa phương khác như phường Pleiku, phường Quy Nhơn, xã Phú Túc… cũng ghi nhận số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết ở mức cao.

Trong top 10 địa phương dẫn đầu, phường Thống Nhất nổi bật khi xếp thứ 5 toàn tỉnh về số lượng hồ sơ được giải quyết, đồng thời đứng đầu toàn tỉnh về tỷ lệ trả kết quả qua phương thức điện tử, đạt 67,9%.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết – chuyên viên kiểm soát thủ tục hành chính của Trung tâm Phục vụ hành chính công phường Thống Nhất – cho biết: tỷ lệ số hóa và trả kết quả điện tử cao không chỉ rút ngắn thời gian xử lý cho người dân, mà còn giúp tích hợp dữ liệu vào hệ thống chung của tỉnh. Nhờ đó, trong các lần giao dịch tiếp theo, người dân sẽ không phải nộp lại nhiều giấy tờ, vì thông tin đã được liên thông và sẵn sàng tra cứu trên nền tảng số.

Cán bộ, công chức ở phường Thống nhất được quán triệt phải thực hiện đúng quy trình nộp hồ sơ đầu vào, số hoá thành phần hồ sơ, và trả kết quả hồ sơ đầu ra, thì mới tăng tỷ lệ trả kết quả hồ sơ điện tử. Đồng thời, trung tâm hành chính công cũng phối hợp với phòng ban chuyên môn có xử lý hồ sơ để vận hành trôi chảy, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết, bà Tuyết khẳng định.

Trong tuần đầu triển khai mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công, toàn tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận và xử lý hơn 11.000 hồ sơ thủ tục hành chính, trong đó riêng cấp xã, phường chiếm hơn 6.000 hồ sơ. Hiện nay, khối xã, phường trên địa bàn tỉnh đang thực hiện 424 thủ tục hành chính – gần gấp ba lần so với trước đây.

Trong thời gian tới, tỉnh dự kiến tiếp tục phân giao thêm nhiệm vụ, gia tăng vai trò cho chính quyền cơ sở. Khối lượng công việc ngày càng lớn đặt ra yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, phường: phải nắm vững quy trình, thao tác thành thạo trên hệ thống số và làm chủ công nghệ trong giải quyết thủ tục cho người dân.

Theo ông Phạm Anh Tuấn – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo cán bộ, đầu tư đồng bộ hạ tầng, và đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hiệu quả hơn cho đội ngũ công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Với đội ngũ cán bộ ở cơ sở Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đặt yêu cầu cao về tinh thần phục vụ: “Tinh thần công việc là giải quyết việc theo ngày. Các địa phương khẩn trương ổn định tổ chức, phân giao nhiệm vụ, bắt tay ngay vào hoạt động; tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp đảm bảo nhanh và thông suốt".

Ông Phạm Anh Tuấn lưu ý, chính quyền phải  lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, làm đối tượng phục vụ. người dân và doanh nghiệp là khách hàng của chính quyền, nếu là khách hàng thì chúng ta phải phục vụ thật tốt. Đây là cuộc cách mạng của cả đất nước, tìm mọi cách để vận hành tốt nhất. Quan điểm là không bàn lùi, chỉ bàn làm.

Mô hình hành chính công cấp xã, phường ở Gia Lai bước đầu cho thấy chính quyền đang ngày càng gần dân hơn và xử lý công việc nhanh nhạy hơn. Tuy nhiên, để hướng tới một nền hành chính hiện đại, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và nâng cao hơn nữa năng lực, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ cơ sở trong thời gian tới.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Tin liên quan

Phân công nhiệm vụ 7 phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai
Phân công nhiệm vụ 7 phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

VOV.VN - Ngày 1/7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đã ký Quyết định số 02/QĐ-UBND về việc phân công nhiệm vụ cho 7 phó chủ tịch UBND tỉnh.

Phân công nhiệm vụ 7 phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

Phân công nhiệm vụ 7 phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai

VOV.VN - Ngày 1/7, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đã ký Quyết định số 02/QĐ-UBND về việc phân công nhiệm vụ cho 7 phó chủ tịch UBND tỉnh.

Gia Lai sau sáp nhập: Diện mạo mới, cơ hội mới
Gia Lai sau sáp nhập: Diện mạo mới, cơ hội mới

VOV.VN - Ngày 1/7, đánh dấu bước chuyển lớn trong tổ chức hành chính quốc gia, khi hai tỉnh Bình Định và Gia Lai chính thức hợp nhất, lấy tên chung là tỉnh Gia Lai. Sự kiện này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn đặt nền móng cho những kỳ vọng phát triển cụ thể về kinh tế, xã hội, hành chính, công vụ và liên kết vùng.

Gia Lai sau sáp nhập: Diện mạo mới, cơ hội mới

Gia Lai sau sáp nhập: Diện mạo mới, cơ hội mới

VOV.VN - Ngày 1/7, đánh dấu bước chuyển lớn trong tổ chức hành chính quốc gia, khi hai tỉnh Bình Định và Gia Lai chính thức hợp nhất, lấy tên chung là tỉnh Gia Lai. Sự kiện này không chỉ mang tính biểu tượng mà còn đặt nền móng cho những kỳ vọng phát triển cụ thể về kinh tế, xã hội, hành chính, công vụ và liên kết vùng.

Gia Lai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất sau sáp nhập
Gia Lai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất sau sáp nhập

VOV.VN - Sáng 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (mới) tổ chức Hội nghị lần thứ nhất để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng 6 tháng cuối năm 2025.

Gia Lai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất sau sáp nhập

Gia Lai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất sau sáp nhập

VOV.VN - Sáng 7/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (mới) tổ chức Hội nghị lần thứ nhất để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng 6 tháng cuối năm 2025.