Hội đồng Nhân quyền bế mạc khoá họp thường kỳ lần thứ 26
VOV.VN - Đại diện nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người, hoan nghênh Việt Nam đã chấp thuận hầu hết các khuyến nghị
Hôm 27/6, tại thành phố Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã bế mạc Khoá họp thường kỳ lần thứ 26. Sau 3 tuần làm việc tập trung và sôi nổi, Khóa họp đã thông qua 31 Nghị quyết, 2 quyết định và 1 Tuyên bố của Chủ tịch. Đại sứ Nguyễn Trung Thành, Trưởng Phái đoàn thường trực nước ta tại Geneva làm Trưởng đoàn Việt Nam tham gia phiên họp này.
Ảnh minh họa: Việt Nam tích cực đóng góp ý kiến về quyền con người tại Liên Hợp Quốc
Trong toàn khoá họp lần thứ 26, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc đã có những phiên trao đổi thực chất trên nhiều vấn đề quan trọng có liên hệ trực tiếp đến việc thụ hưởng các quyền con người được cộng đồng quốc tế quan tâm như bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật,… các tác động của một số vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, di cư, đói nghèo cùng cực, buôn bán người, sự phát triển của Internet, trách nhiệm của doanh nghiệp với quyền con người...
Hội đồng cũng xem xét tình hình nhân quyền tại một số quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Syria và thảo luận các biện pháp tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong việc đảm bảo và thúc đẩy các quyền con người cho các nước Belarus, Ukraine, Bờ Biển Ngà, Nam Sudan.
Trong số 33 nghị quyết/quyết định được Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc thông qua có 24 nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận, về hầu hết các vấn đề đã được thảo luận nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác của các quốc gia, sự tham gia của các cơ quan, tổ chức quốc tế trong và ngoài hệ thống Liên Hợp Quốc, thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người. Tỷ lệ cao các nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận cho thấy sự quan tâm và nỗ lực điều hoà lợi ích giữa các nước trên những vấn đề quan trọng của thế giới.
Sau quá trình thảo luận đa chiều, căng thẳng, thể hiện những khác biệt, thậm chí va chạm về lợi ích giữa các nước, nhóm nước tại Hội đồng nhân quyền, đặc biệt là giữa các nước đang phát triển và các nước phương Tây, Hội đồng nhân quyền đã phải xem xét, thông qua bằng bỏ phiếu một số nghị quyết về các vấn đề án tử hình, trách nhiệm của các doanh nghiệp, quyền nông dân và lao động nông thôn… .
Trong lần thứ hai tham gia một phiên họp thường kỳ của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc với tư cách thành viên, Đoàn Việt Nam đã chủ động tích cực có những đóng góp xây dựng và thực chất vào tất cả các nội dung thảo luận tại Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, qua đó tiếp tục khẳng định với cộng đồng quốc tế quyết tâm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Chính phủ Việt Nam, đề cao chính sách, nỗ lực, thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người tại Việt Nam, cũng như chủ trương chủ động và tích cực tham gia, đóng góp vào hợp tác và hội nhập quốc tế trên vấn đề quyền con người.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Trung Thành đã có nhiều phát biểu được các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao về một số lĩnh vực cộng đồng quốc tế quan tâm hoặc Việt Nam có kinh nghiệm để chia sẻ như bình đẳng giới, quyền trẻ em, xoá đói giảm nghèo, thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ… Các nước cũng đánh giá cao cách tiếp cận cân bằng, toàn diện, xây dựng nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tôn trọng luật pháp quốc tế và tính tới lợi ích chính đáng của các bên liên quan, được thể hiện trong các phát biểu của Việt Nam về một số vấn đề còn khác biệt tại khoá 26 như án tử hình, bảo vệ gia đình, tình hình quyền con người tại Ukraine, Belarus,…
Với tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tích cực đóng góp xây dựng nội dung các dự thảo nghị quyết, tham gia đồng bảo trợ 9 nghị quyết, nhất là các nghị quyết liên quan đến bình đẳng giới, bảo vệ các nhóm xã hội yếu thế, quyền giáo dục, quyền sức khoẻ… qua đó góp phần thúc đẩy đạt đồng thuận chung đối với hầu hết các nghị quyết được xem xét.
Đối với 9 nghị quyết phải bỏ phiếu, Việt Nam đã bỏ phiếu thuận 5 nghị quyết (về quyền của nông dân và những người làm việc trong khu vực nông thôn, đoàn kết quốc tế, bảo vệ gia đình, trách nhiệm của các doanh nghiệp và việc sở hữu dân sự các loại vũ khí), bỏ phiếu trắng 3 nghị quyết (về án tử hình, tình hình nhân quyền tại Syria và hỗ trợ kỹ thuật đối với Ukraine), bỏ phiếu chống nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Belarus.
Sự tham gia của Việt Nam một lần nữa thể hiện thái độ tích cực và có trách nhiệm đối với công việc chung của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc trên tinh thần đối thoại và hợp tác, góp phần đảm bảo hoạt động của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, đáp ứng mong muốn và tin tưởng của các nước về vai trò, tham gia của Việt Nam với tư cách thành viên Hội đồng nhân quyền.
Tại Khoá 26, Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng xem xét và thông qua báo cáo về kết quả rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của 14 nước, trong đó có Việt Nam. Tại phiên họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Trung Thành, Trưởng đoàn Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán và cam kết mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm và phát huy các quyền con người của người dân.
Thay mặt Chính phủ, Đại sứ đã công bố Việt Nam chấp thuận 182 khuyến nghị trên tổng số 227 khuyến nghị mà các nước đã nêu trong đợt rà soát diễn ra vào tháng 2/2014, chiếm 80,17%, một tỷ lệ chấp thuận rất cao trong lịch sử hoạt động của Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát, đồng thời cam kết nghiêm túc thực hiện các khuyến nghị đã chấp thuận trên tinh thần gương mẫu, trách nhiệm của một nước thành viên Hội đồng nhân quyền.
Phát biểu trong phần đối thoại, đại diện nhiều nước và tổ chức quốc tế đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về đảm bảo quyền con người, hoan nghênh Việt Nam đã chấp thuận hầu hết các khuyến nghị và có thái độ hợp tác, xây dựng trong tiến trình rà soát định kỳ phổ quát nói riêng và đảm bảo quyền con người ở Việt Nam nói chung. Cuối cùng, Hội đồng đã thông qua bằng đồng thuận báo cáo về kết quả rà soát định kỳ phổ quát của Việt Nam./.