Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1

Giá trị sản xuất công nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng, vấn đề xuất nhập khẩu… được báo giới đặc biệt quan tâm.

Chiều 1/2, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 1. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi họp báo.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp trong tháng đầu năm tăng trên 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực có tốc độ tăng trưởng cao là kinh tế ngoài Nhà nước, với mức tăng 31%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 29%.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, tháng 1 là tháng sôi động trên thị trường sản xuất kinh doanh để phục vụ Tết Nguyên đán. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2010 tăng gần 4% so với tháng 12/2009. Với mức tăng đều trong tất cả các lĩnh vực đã đưa kim ngạch xuất khẩu tháng 1 đạt 5 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, nhập siêu tháng 1 vẫn ở con số 1,3 tỷ USD, bằng 26% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo về việc phải tính đến phương án nhập khẩu đường ngay trong vụ ép mía, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên giải thích, hiện các nhà máy chế biến bánh kẹo, nước giải khát đang trong vụ sản xuất hàng hoá lớn. Trong khi đó, các nhà máy đường trong nước không đáp ứng kịp, làm ảnh hưởng đến sản xuất. Do đó, nhập khẩu đường sẽ là phương án tối ưu để bình ổn thị trường đường trong dịp Tết. Nhập khẩu không làm ảnh hưởng đến các nhà máy đường trong nước cũng như người trồng mía.

Về việc chăm lo Tết cho người nghèo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, năm 2009, Chính phủ đã xuất ngân sách cho các địa phương hỗ trợ người nghèo ăn Tết. Năm 2010, Chính phủ cũng sẽ xuất hơn 3.000 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ nhân dân trong dịp Tết.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, rút kinh nghiệm từ năm trước về hiện tượng tiền ăn Tết không đến tay người dân, năm nay Chính phủ giao Chủ tịch UBND các tỉnh nhận và chịu trách nhiệm phân phát số gạo này đến từng hộ nghèo. Địa phương nào làm sai, Chủ tịch phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, trước nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
Viết bình luận

This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.